Nghiên cứu gây sốc về coronavirus mới: Có thể tồn tại 28 ngày trên thủy tinh, tiền tệ, màn hình smartphone

Bảo Nam, Theo Pháp luật & Bạn đọc 15:25 12/10/2020

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Úc càng nâng tầm quan trọng của việc rửa tay để chống lại dịch bệnh và smartphone là nơi virus có thể lưu trú.

Loại virus gây ra đại dịch COVID-19 có thể tồn tại trên tiền giấy, thủy tinh và thép không gỉ đến 28 ngày, lâu hơn nhiều so với virus cúm, theo báo cáo mới nhất từ các nhà nghiên cứu Úc, nhấn mạnh nhu cầu vệ sinh và rửa tay chống lại việc lây nhiễm trong cộng đồng.

Các phát hiện từ nghiên cứu được thực hiện bởi cơ quan khoa học quốc gia Úc, CSIRO, dường như cho thấy rằng trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ, virus vẫn có khả năng lây nhiễm lâu hơn các nghiên cứu trước đó.

Nghiên cứu gây sốc về coronavirus mới: Có thể tồn tại 28 ngày trên thủy tinh, tiền tệ, màn hình smartphone - Ảnh 1.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu của CSIRO phát hiện ra rằng ở 20 độ C, virus SARS-COV-2 vẫn lây nhiễm trong 28 ngày trên các bề mặt nhẵn như tiền polymer và thủy tinh, màn hình smartphone. Để so sánh, virus Cúm A đã được phát hiện tồn tại trên các bề mặt này trong 17 ngày.

"Nó thực sự củng cố tầm quan trọng của việc rửa tay và vệ sinh nếu có thể và chắc chắn là cần lau sạch các bề mặt có thể tiếp xúc với virus", trưởng nhóm nghiên cứu Shane Riddell cho biết.

Nghiên cứu liên quan đến việc làm khô virus trong chất nhầy nhân tạo trên một loạt các bề mặt với nồng độ tương tự như mẫu từ bệnh nhân COVID-19, sau đó phục hồi virus trong hơn một tháng. Các thí nghiệm được thực hiện ở 20, 30 và 40 độ C cho thấy virus tồn tại lâu hơn ở nhiệt độ lạnh, lâu hơn trên bề mặt nhẵn hơn là trên bề mặt phức tạp như bông, và lâu hơn trên tiền giấy so với tiền nhựa.

"Vì vậy, bước vào mùa hè chắc chắn sẽ là một yếu tố quan trọng khiến virus sẽ không tồn tại lâu, bởi nhiệt độ ấm hơn", Riddell nói, đề cập đến mùa hè sắp tới ở các quốc gia nằm tại Nam bán cầu.

Tất cả các thí nghiệm đều được thực hiện trong bóng tối để loại bỏ tác động của tia cực tím, vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng ánh sáng mặt trời trực tiếp có thể tiêu diệt virus.

Các nhà nghiên cứu cho biết rằng protein và chất béo trong dịch cơ thể cũng có thể làm tăng mạnh thời gian tồn tại của virus, và nghiên cứu của họ có thể giúp giải thích sự tồn tại và lây lan rõ ràng của virus trong các môi trường mát mẻ như các cơ sở đóng gói thịt đông lạnh.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Virology.

Tham khảo: Reuters