Nghiên cứu gây sốc khi đặt mua mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử

Phạm Trang, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 16:33 25/07/2025
Chia sẻ

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, phần lớn các sản phẩm mỹ phẩm được bán bởi bên thứ ba trên các nền tảng như Amazon, eBay, TikTok và Vinted là hàng giả và có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nghiên cứu bất ngờ về các mỹ phẩm mua trên nền tảng trực tuyến

Các nhà nghiên cứu mô tả phát hiện này là “đáng báo động” và cảnh báo người mua, đặc biệt là những người bị hấp dẫn bởi mức giá giảm mạnh của các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng, có nguy cơ tiếp xúc với các thành phần “độc hại”.

Trong nghiên cứu, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Which? đã mua tổng cộng 34 sản phẩm trang điểm và chăm sóc da từ các nhà bán hàng từng bán hàng nghìn mặt hàng tương tự. Các sản phẩm này được quảng cáo là đến từ 8 thương hiệu nổi tiếng, bao gồm Charlotte Tilbury, La Roche-Posay, Maybelline, MAC và The Ordinary.

Tuy nhiên, các nhà điều tra từ Which? kết luận rằng 23 trong số 34 sản phẩm (chiếm 67%) rất có thể là hàng giả. Họ đã tiến hành kiểm tra bằng mắt thường bao bì và sản phẩm bên trong, so sánh với hàng thật được mua từ các nhà bán lẻ uy tín.

Cụ thể, 4/11 sản phẩm đặt mua từ Amazon được xác định là giả, 8/11 từ eBay, 5/6 từ TikTok Shop và toàn bộ 6 sản phẩm mua từ Vinted đều là hàng giả.

Nghiên cứu gây sốc khi đặt mua mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử- Ảnh 1.

Which? cho biết nhiều sản phẩm hàng giả được làm nhái tinh vi, khó nhận biết nếu không so sánh trực tiếp với hàng thật. Ví dụ, một chai xịt cố định lớp trang điểm Charlotte Tilbury Airbrush Flawless nhìn bên ngoài giống hệt hàng thật, nhưng khi ngửi kỹ, có mùi hoa nồng nặc khác biệt rõ rệt so với mẫu gốc.

Một thỏi son MAC Macximal dạng lì màu Ruby Woo mua trên Vinted với giá 15 bảng (khoảng 528.000 đồng), rẻ hơn 10 bảng (khoảng 350.000 đồng) so với giá niêm yết, có bao bì rất giống bản chính hãng. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, logo trên thân son bị nhòe và không trùng khớp với hàng thật.

Một tuýp serum La Roche-Posay Effaclar mua trên Vinted có mùi giống dầu gội, đồng thời phần chữ in trên hộp hoàn toàn khác với bản thật.

Khi Which? đặt mua serum tái tạo da CeraVe Resurfacing Retinol Serum từ Amazon, eBay và Vinted, cả ba đều có bao bì khác với hàng chính hãng và thiếu các dấu hiệu an toàn cần thiết. Các chai serum này còn gặp vấn đề khi lấy sản phẩm ra và chất serum có màu sắc, độ đặc khác thường.

Nghiên cứu gây sốc khi đặt mua mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử- Ảnh 2.

Riêng các sản phẩm của The Ordinary là những mặt hàng bán chạy nhất. Hai bài đăng trên eBay đã bán tổng cộng hơn 2.600 sản phẩm, trong khi TikTok Shop cũng ghi nhận gần 1.000 lượt mua. Điều này khiến các nhà nghiên cứu càng bất ngờ hơn, bởi đây là những sản phẩm có giá gốc vốn đã rất rẻ, thường dưới 10 bảng (khoảng 350.000 đồng).

Hậu quả khôn lường từ mỹ phẩm giả

Các bác sĩ cảnh báo hậu quả khi sử dụng mỹ phẩm giả có thể “nghiêm trọng”. Các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc tóc, nước hoa giả trước đây từng bị phát hiện chứa phân, nước tiểu động vật làm chất ổn định, các chất độc hại có khả năng gây ung thư như arsenic (thạch tín), chì và thủy ngân.

Bác sĩ da liễu Aamna Adel cho biết, việc không có quy chuẩn hay giám sát trong sản xuất hàng giả đồng nghĩa với việc công thức của sản phẩm có thể sai lệch, kể cả khi chúng có chứa thành phần hoạt tính giống hàng thật như glycolic acid hay retinol. Điều này có thể gây kích ứng da, nhiễm trùng da hoặc thậm chí bỏng hóa chất.

Ngược lại, các sản phẩm chính hãng đều phải trải qua quá trình kiểm định an toàn và được sản xuất trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt.

Ông Phil Lewis, Tổng Giám đốc Nhóm Chống hàng giả (Anti-Counterfeiting Group), cho biết ngay cả với các sản phẩm giả giá rẻ, lợi nhuận cũng rất cao. Chính vì vậy người tiêu dùng cần cảnh giác, kể cả khi mức giá “giảm” nghe có vẻ hợp lý.

Which? kêu gọi chính phủ cải cách hệ thống thực thi pháp luật và khuyên người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua sắm qua các sàn thương mại điện tử. Tổ chức này cho biết cách mua mỹ phẩm an toàn nhất là đặt trực tiếp từ website chính thức của thương hiệu hoặc từ các nhà phân phối, đại lý được ủy quyền.

Bà Rocio Concha, Giám đốc chính sách và vận động của Which?, nhấn mạnh: “Thật đáng báo động khi Which? có thể tìm thấy số lượng lớn mỹ phẩm giả có khả năng gây nguy hiểm trên các nền tảng mua sắm phổ biến, nơi giới trẻ rất dễ bị hấp dẫn bởi mức giá chiết khấu cao của các thương hiệu nổi tiếng.

Nghiên cứu gây sốc khi đặt mua mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử- Ảnh 3.

Người tiêu dùng đáng ra phải được yên tâm rằng những sản phẩm họ mua online an toàn không kém gì khi mua trực tiếp ngoài cửa hàng. Nhưng thực tế, họ đang đối mặt với nguy cơ mua phải hàng giả, chưa qua kiểm định, tiềm ẩn độc tố.

Chính phủ cần đảm bảo các nền tảng thương mại điện tử có trách nhiệm rõ ràng trong việc ngăn chặn hàng giả và phải cam kết cải cách khẩn cấp để hệ thống bảo vệ người tiêu dùng theo kịp với thời đại”.

Các nền tảng mua sắm trực tuyến đều khẳng định họ nghiêm cấm hành vi bán hàng giả và đã có các biện pháp nhằm ngăn chặn hàng nhái.

Người phát ngôn của Tập đoàn L’Oréal, công ty mẹ của CeraVe, La Roche-Posay, L’Oréal và Maybelline, cho biết:

“L’Oréal đặc biệt nghiêm túc trong việc đối phó với nạn hàng giả. Chúng tôi cam kết đấu tranh chống hàng nhái để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng cũng như uy tín thương hiệu. Thương hiệu cũng thường xuyên hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật toàn cầu và các nền tảng thương mại điện tử”.

Trong khi đó, Charlotte Tilbury và The Ordinary không phản hồi yêu cầu bình luận của nhóm nghiên cứu.

Nguồn: Daily Mail

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày