Khám phá những bức ảnh cũ hiếm hoi từ thời nhà Thanh qua ống kính của các nhiếp ảnh gia nước ngoài, từ cuộc sống của các quan lại, tới nghi lễ hôn nhân và cảnh ngộ khác biệt giữa các tầng lớp xã hội. Những hình ảnh này không chỉ phản ánh nét văn hóa đặc sắc mà còn là bằng chứng lịch sử sống động, giúp ta hiểu rõ hơn về quá khứ.
Những bức ảnh hiếm từ thời nhà Thanh
Những bức ảnh cũ là tài liệu quan trọng ghi dấu vết tích của thời gian đã qua. Phần lớn những bức ảnh cuối thời nhà Thanh đều do các nhiếp ảnh gia nước ngoài thực hiện, ghi lại những giai đoạn đặc biệt của thời kỳ này. Cho đến ngày nay, những bức ảnh vẫn còn rất quý. Thông qua những bức ảnh dưới đây, chúng ta có thể phần nào cảm nhận được nét đẹp, cảm xúc và phong tục tập quán của một thời đã xa.
Trong một bức ảnh, một người đàn ông chụp cùng với bảy người vợ của mình. Mỗi người phụ nữ này đều có nét riêng biệt, mặc trang phục truyền thống và toát lên thần thái khác nhau. Nếu quan sát kỹ, người phụ nữ ngồi cạnh người đàn ông không có đôi chân gót sen 3 tấc. Chi tiết này cũng khiến người ta liên tưởng đến những chuẩn mực về vẻ đẹp phụ nữ và những ràng buộc tàn khốc của xã hội thời bấy giờ. Trong số bảy người vợ, người phụ nữ trẻ nhất trông chỉ khoảng hai mươi tuổi, trong khi người đàn ông đã ngoài 50. Có thể thấy, việc lấy vợ trẻ không hề hiếm gặp vào thời đó, phản ánh phong tục hôn nhân xã hội lúc bấy giờ.
Bức ảnh khác chụp một vị quan già cùng những đứa cháu của mình.
Cô bé ngồi giữa có vẻ ngoài xinh đẹp, thần thái và bộ trang phục tinh tế đều cho thấy cô đến từ một gia đình quyền quý. Tuy nhiên, cô bé vẫn không thể thoát khỏi số phận gót sen ba tấc, dù mặc lộng lẫy nhưng bàn chân vẫn bị ràng buộc bởi phong tục thời bấy giờ. Cô bé bên phải trong ảnh là thị nữ thân cận của cô bé, với trang phục không lộng lẫy như tiểu thư, cho thấy địa vị thấp kém của cô. Còn cô bé đứng bên trái, với đôi chân trần và quần áo rách rưới là người hầu trong nhà, và số phận của họ hoàn toàn trái ngược với tiểu thư, tạo nên một sự đối lập nổi bật.
Cuộc sống thực của quan lại thời nhà Thanh
Tiếp theo là bức ảnh chụp một người mẹ và cô con gái ở sân nhà họ. Ảnh cho thấy người phụ nữ trung niên có thân hình to lớn, còn đôi chân đã bị bó theo phong tục thời đại, là minh chứng cho sự tàn phá cực đoan mà xã hội gây ra cho phụ nữ. Phong tục bó chân bắt đầu từ thời nhà Tống, phổ biến trong cộng đồng người Hán và chỉ chấm dứt hoàn toàn vào năm 1952.
Vào thời nhà Thanh, gia đình nào có một con lừa là có của ăn của để, họ có thể được xem là tầng lớp trung lưu. Lừa không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là nguồn sức kéo, do đó một số người thích chọn cưỡi lừa hơn là ngồi xe ngựa bởi vì cách này phù hợp với những gia đình không giàu có. Vào thời đó, người dân có nhiều cách di chuyển khác nhau như đi bộ, ngồi xe, đi thuyền...
Những người dân nghèo khổ, quần áo rách nát, dù họ làm việc cật lực nhưng vẫn không thể che giấu được cuộc sống khó khăn. So với ngày nay, cuộc sống thời bấy giờ thật sự rất gian khổ.
Bức ảnh này cho thấy hình ảnh của những cao thủ đại nội vào cuối thời nhà Thanh. Họ trông rất oai phong, uy nghiêm, khiến người ta liên tưởng đến hình tượng các cao thủ đại nội trong các bộ phim truyền hình. Những cao thủ này không chỉ có vẻ ngoài hào nhoáng, qua những bức ảnh này, chúng ta dường như có thể cảm nhận được bầu không khí bí ẩn của thời đại đó.
Ở thời nhà Thanh, việc di chuyển của quan lại tam phẩm rất hoành tráng. Trong các bộ phim truyền hình thường có cảnh mở đường cho quan lại với nhiều người hầu và tiếng trống rền vang, nhưng những bức ảnh lịch sử thực tế lại cho thấy một khung cảnh khác biệt.
Bức ảnh này phản ánh cuộc sống thực của các quan lại thời nhà Thanh. Chỉ có các quan từ tứ phẩm trở lên mới được đeo chuỗi hạt châu, và những người này có địa vị không hề thấp. Trang phục của các quan lại không lộng lẫy như trong phim, những bộ trang phục sặc sỡ chỉ dành cho những quan cao cấp thực sự, còn người phần lớn những người khác chỉ mặc quần áo làm từ vải lanh màu xanh, cực kỳ giản dị. Sau khi hình thực tế cao thủ đại nội, quan lại thời nhà Thanh được công bố khác hoàn toàn phim ảnh đã khiến không ít cư dân mạng ngỡ ngàng.
Trong một bức ảnh khác, một người đàn ông trẻ bị trói ở góc phố chợ, phía sau là vài người cảnh sát và thậm chí có cả một quân nhân phương Tây. Các chữ trên tấm biển gỗ đã mờ nhạt, không thể đọc được nội dung cụ thể. Từ bức ảnh này, chúng ta phần nào cảm nhận được thái độ lạnh nhạt của một bộ phận người dân đối với các vụ việc bạo lực thời đó, thậm chí có phần khá giống với tâm lý thích theo dõi sự kiện náo nhiệt của một số người ngày nay.
Hình ảnh của các vương gia thời nhà Thanh, như bức chân dung của Thuần Thân vương Dịch Hoàn và phu nhân của ông, thể hiện phong cách quý tộc của họ. Nhìn từ phía sau, bộ đồ nội thất bằng gỗ gụ tinh xảo, có lẽ không chỉ là một món đồ trang trí bình thường. Giá trị của nó không thể tưởng tượng được, đặt vào ngày nay, có lẽ có thể đổi lấy một căn nhà.
Trong thời nhà Thanh, lễ cưới diễn ra như sau: anh trai của chú rể cõng cô dâu lên kiệu. Cô dâu sẽ cuốn chân lên, và người đàn ông giữ chặt cổ chân cô từ phía sau. Nghi lễ đặc biệt này của lễ cưới phản ánh văn hóa và nghi thức hôn nhân độc đáo của thời đại đó.
Cuối cùng, bức ảnh cho thấy diện mạo thực của các lính thời cuối nhà Thanh, với khuôn mặt tái nhợt và thân hình gầy còm, phần nào cho thấy biểu hiện của tình trạng thiếu dinh dưỡng. Lúc này, sự thịnh vượng của nhà Thanh đã không còn, những gì còn lại chỉ là sự hoang tàn và suy thoái của thời đại, tăng cảm giác bi thương cho sự thăng trầm của lịch sử trỗi dậy.
Nguyệt Phạm (Theo Sohu, Sina)