Một quốc gia tuyên bố sở hữu 'kho báu' lớn thứ 3 thế giới, vừa chi hơn 150 triệu USD để phá thế thống trị của Trung Quốc

Y Vân, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 20:25 25/07/2025
Chia sẻ

Mặc dù được đánh giá sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ 3 thế giới nhưng cho đến nay, Ấn Độ mới chỉ khai thác chưa đến 20%.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ Jitendra Singh, nước này hiện đang có khoảng 7,23 triệu tấn đất hiếm.

Ngoài ra, khoảng 1,29 triệu tấn đất hiếm khác được xác định nằm trong các mỏ đá cứng tại 2 bang Gujarat và Rajasthan, ông Singh cho biết trong văn bản trả lời chất vấn tại kỳ họp quốc hội ngày 24/7.

Một quốc gia tuyên bố sở hữu 'kho báu' lớn thứ 3 thế giới, vừa chi hơn 150 triệu USD để phá thế thống trị của Trung Quốc- Ảnh 1.

Đất hiếm là nguyên liệu chiến lược được sử dụng trong các lĩnh vực then chốt như quốc phòng, điện tử và pin cho xe điện. Theo ông Singh, Tổng cục Khoáng sản Ấn Độ đã xác định được 482,6 triệu tấn quặng chứa đất hiếm tại 34 dự án trên cả nước. Dù được đánh giá là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 3 thế giới, nhưng cho đến nay Ấn Độ mới chỉ khai thác chưa đến 20%.

Đầu tháng này, Ấn Độ đã triển khai gói hỗ trợ trị giá 156 triệu USD nhằm phát triển ngành công nghiệp nam châm đất hiếm. Đây là lĩnh vực mà Trung Quốc đang dẫn đầu với khoảng 60% thị phần toàn cầu.

Chương trình trợ cấp mới nhằm hỗ trợ cả khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước trong việc xây dựng năng lực sản xuất nam châm đất hiếm nội địa, bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ khai thác, chế biến đến sản xuất thành phẩm.

Động thái của New Delhi diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm từ tháng 4/2025. Theo quy định mới, các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải xin giấy phép và nộp tờ khai mục đích sử dụng xác nhận rằng kim loại đất hiếm sẽ không được sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng hoặc được tái xuất sang Mỹ.

Trước những thay đổi về chính sách thương mại của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết đang tích cực làm việc với các bên liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hạn chế xuất khẩu nam châm đất hiếm của một số quốc gia.

 (Tham khảo: RT)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày