Nghiên cứu cho thấy: Tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có thể gây rối loạn cương dương

JJJ, Theo Helino 17:55 19/09/2019

Chất lượng không khí tồi tệ quả thật chẳng có gì tốt lành cho con người, ai ngờ còn ảnh hưởng tới cả chuyện giường chiếu.

Vài tháng trước, nhóm chuyên gia đến từ Đại học Quảng Châu, Trung Quốc, đã đăng tải một số kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Y học Tình dục (Journal of Sexual Medicine) về ảnh hưởng của khí thải xe cơ giới (VE) đối với hiệu suất cương dương.

Nghiên cứu cho thấy: Tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có thể gây rối loạn cương dương - Ảnh 1.

Kết quả cho thấy, không khí ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nói chung, đặc biệt là chức năng cương dương ở nam giới. Nhóm nghiên cứu chọn khí thải xe cơ giới vì đây là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các siêu đô thị.

Đối tượng nghiên cứu là những con chuột 12 tuần tuổi có thể trạng tốt. Chúng được chia thành 4 nhóm 10 cá thể, được tiếp xúc với các mức độ khác nhau của VE trong khoảng thời gian 3 tháng - nhằm đánh giá mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và chứng bất lực.

Khá đơn giản, những con chuột tiếp xúc với VE càng lâu thì chúng gặp càng nhiều vấn đề về sức khỏe.

Nghiên cứu cho thấy: Tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có thể gây rối loạn cương dương - Ảnh 2.

Cụ thể, 1 nhóm chuột không tiếp xúc với VE trong khi 3 nhóm còn lại phải đối mặt với không khí ô nhiễm trong 2, 4 và 6h mỗi ngày, 5 ngày/tuần.

Sau 3 tháng, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra chức năng phổi, chức năng cương dương của chuột bằng nhiều loại kích thích.

Kết quả cho thấy: Những con chuột tiếp xúc với VE trong 4 hoặc 6h/ngày đã giảm đáng kể chức năng cương dương.

Con số tương ứng với việc suy giảm chức năng cương dương sau tiếp xúc với VE là: 38,6% đối với nhóm chuột phải hít thở không khí ô nhiễm 4h/ngày; 45,6% với 6h/ngày.

Nghiên cứu cho thấy: Tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có thể gây rối loạn cương dương - Ảnh 3.

Dù từ trước tới nay đã có nhiều nghiên cứu đưa ra liên hệ tiêu cực giữa không khí ô nhiễm và chức năng sinh lý - nhóm chuyên gia đến từ Đại học Quảng Châu khẳng định cần phải có nhiều nghiên cứu hơn, đặc biệt là khi họ thí nghiệm trên chuột.

Tham khảo W.O.B