Sinh viên là những người đang đứng ngay trước ngưỡng cửa của thị trường lao động, là thế hệ trẻ nhất, được kỳ vọng nhiều nhất bởi sự năng động, nhạy bén và sáng tạo. Thế nhưng liệu họ có thể đáp ứng được những đòi hỏi của công việc trong môi trường thực tế gấp rút, nhiều áp lực hay không lại là một vấn đề không thể kết luận ngay được. Bởi một thực tế hiện nay rất nhiều sinh viên giỏi những thứ "đâu đâu" trong khi kỹ năng thiết yếu và cơ bản nhất thì lại không có.
Cứ thử hỏi một bạn sinh viên bất kỳ mà xem, có lẽ ai cũng có thể nói cho bạn chuyện gì đang hot dạo này, cách sử dụng app mới nhất, trend thời trang bây giờ là gì, Facebook đang có ai hot, Tiktok có trò gì vui... Ai cũng biết rất rõ và cũng khá giỏi trong việc cập nhật tin tức, cập nhật mọi chuyện diễn ra xung quanh mình, nhưng không phải ai cũng biết cách "cập nhật" bản thân lên một phiên bản tốt hơn.
Mọi chuyện đều am hiểu là thế nhưng khi làm việc và được hỏi đến những kỹ năng cơ bản nhất phục vụ cho công việc thì lại khá loay hoay. Người thì không thành thạo tin học văn phòng, người thì không biết cách làm việc nhóm, bạn thì kém hoàn toàn mảng quản lý thời gian và công việc cá nhân thế nên gặp việc gì cũng thấy khó, làm không được là nản lòng.
Học Đại học rồi nhưng thực tế có nhiều bạn trình bày một văn bản cũng không thành, font chữ sai lung tung, không căn chỉnh lề, không nắm rõ những quy tắc tối thiểu về font và cỡ chữ.
Một công cụ khác mà gần như ai cũng phải biết - Excel. Nhiều bạn sinh viên biện minh rằng trường phổ thông và đại học không hề dạy về Excel. Thế nhưng nó là một công cụ phổ biến đến mức dù nhà trường không dạy thì bản thân cũng phải tự học để biết cách làm chứ không thể nói với người khác rằng mình không biết nên không làm là xong. Excel không hề khó, chỉ cần tập trung một chút là có thể sử dụng những tính năng cơ bản nhất để làm một báo cáo hay tính toán các số liệu nhưng nhiều bạn cứ mặc định nó rất nhiều hàm và công thức rắc rối nên bỏ qua, đến lúc cần đến thì không biết phải làm như thế nào.
Rồi cả chuyện mở ứng dụng Paint và Power Point nhưng không biết làm thế nào để thao tác, cắt ghép và chỉnh sửa hình ảnh một cách đơn giản hay làm slide siêu màu mè, bố cục khó hiểu, nhìn đã thấy rối và đau mắt thì làm sao người nghe, người theo dõi bên dưới có thể hứng thú quan sát và lắng nghe.
Gửi mail cũng là cả một câu chuyện dài. Gửi CV ứng tuyển như trêu ngươi nhà tuyển dụng khi apply vào công ty A thì đề kính gửi công ty B. Tiêu đề thư nhiều bạn còn copy nguyên cả 1 đoạn văn dài 3, 4 dòng. Thậm chí còn forward từ những email đã gửi trước đó. CV rải khắp 1 vòng từ Hà Nội đến Sài Gòn.
Buồn hơn là nhiều bạn nói chuyện phiếm thì rất năng nổ, say sưa và cuốn hút nhưng khi phải trình bày, thuyết trình thì thực sự rất chán: không biết cách thu hút sự chú ý của người khác, diễn đạt lủng củng, khó hiểu, mất tự tin khi đứng trước đám đông. Khi làm việc nhóm thì không chủ động, không biết cách phối hợp hiệu quả cùng mọi người, lúc nào cũng để bị than phiền, đốc thúc.
Thậm chí nhiều bạn sinh viên còn rất kém khoản quản lý thời gian cá nhân nên lúc nào cũng rơi vào tình trạng rối bời, quay cuồng với deadline, bài tập, nhiệm vụ phải nộp đến nơi rồi mới nhớ ra, lúc thì chậm muộn, lúc thì tạo ra những sản phẩm vội vàng, không đâu vào đâu.
Có rất nhiều sinh viên rất giỏi và năng động, có khả năng làm việc rất tập trung nhưng số lượng những sinh viên chỉ quan tâm những việc "đâu đâu", bản thân thiếu trầm trọng các kỹ năng cần thiết cũng đông đảo không kém. Lúc phỏng vấn sinh viên mới ra trường ai cũng đòi môi trường làm việc chuyên nghiệp, sếp tâm lý, đồng nghiệp thân thiện, lương cao nhưng mấy ai chịu nhìn lại bản thân xem những thứ cơ bản như Word, Power point, Excel, Paint chẳng hề thành thạo.
Con người lúc nào cũng cần chủ động thay đổi, chủ động học hỏi và không ngừng "cập nhật" những kỹ năng để bản thân tốt lên thì mới đáp ứng công việc được chứ cứ dậm chân tại chỗ, không biết đâu là điều cần ưu tiên, không biết bản thân mình thiếu thứ gì thì thực sự rất nguy hiểm. Những sinh viên như vậy khi bước vào môi trường làm việc sẽ trở thành những cỗ máy chậm chạp, người khác phải đẩy mới chạy.
Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, dù bạn có thiếu nhiều kỹ năng nhưng vẫn rất may mắn vì đó là lúc bạn còn nhiều thời gian để thay đổi và được phép sai để rút kinh nghiệm. Vậy nên đừng lãng phí quãng thời gian quý giá đó, hãy nhìn lại bản thân mình đã có và còn thiếu điều gì để thay đổi ngay từ bây giờ. Dưới đây là những kỹ năng "không thể thiếu" của mọi sinh viên mà ai cũng cần trang bị để có thể tự tin bước vào môi trường làm việc cạnh tranh sau này:
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng quản lý thời gian
- Kỹ năng làm việc nhóm
- Sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ công việc
- Thành thạo ít nhất một ngoại ngữ
- Biết tiếp thu và thay đổi
- Khả năng tự học, tự tìm tòi cái mới
Cơ hội và thời gian dành cho mỗi người là như nhau, chỉ có hành động và quyết tâm của bạn mới là yêu tố quyết định bạn sẽ là ai và đứng ở đâu trong một thế giới có quá nhiều người giỏi như bây giờ. Đừng để bản thân mình trở thành một người giỏi những thứ không cần thiết trong khi lại thiếu những điều thiết yếu nhất.