Nghịch lý ở "thành phố iPhone": Làm ngoài giờ vừa là phần thưởng, vừa là hình phạt

Minh.T.T, Theo VNReview 07:57 13/09/2019
Chia sẻ

Hầu hết công nhân tại nhà máy iPhone lớn nhất của Apple có đời sống thiếu thốn đến mức không được tăng ca chẳng khác gì một hình phạt đối với họ - và tình trạng tăng ca sản xuất mọi mẫu điện thoại khác đã tăng vọt trong những tháng sau khi mẫu iPhone mới nhất của Apple ra mắt.

Theo trang QZ, đó là kết luận từ một cuộc điều tra kéo dài cả năm trời do Tổ chức Giám sát Lao động Trung Quốc (CLW) tiến hành, với các nhà điều tra hoạt động ngầm tại nhà máy iPhone lớn nhất của Foxconn ở Trung Quốc – nhà máy Hongfujin ở trung tâm Trịnh Châu. Đây là một trong ba công ty con trong khu vực này hoạt động dưới sự điều hành của Foxconn, hay Hon Hai Precision Industry, và tính đến tháng 8 năm nay đã có 150.000 công nhân.

Bản báo cáo đến từ tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại New York này mang đến cho người đọc một cái nhìn chi tiết hiếm có về những vấn đề liên quan tình trạng làm việc quá mức ở Trung Quốc, vốn đã thu hút sự chú ý trong nhiều tuần qua sau khi Netflix tung ra bộ phim tài liệu American Factory – một bộ phim được tài trợ bởi nhà Obama – nói về một nhà máy Mỹ dưới sự tiếp quản của ban quản lý mới từ Trung Quốc. Apple đã và đang phải đối mặt với những chỉ trích về vấn đề sử dụng người lao động trong chuỗi cung ứng của hãng suốt nhiều năm qua, và đã đưa ra một số bản báo cáo "trách nhiệm của nhà cung ứng" nhằm cho thấy những động thái của hãng trong việc huấn luyện và đảm bảo an toàn lao động.

Nghịch lý ở thành phố iPhone: Làm ngoài giờ vừa là phần thưởng, vừa là hình phạt - Ảnh 1.

Bản báo cáo của CLW lột tả bức tranh về những vấn đề đang diễn ra. Các nhà điều tra, bao gồm một người làm việc tại nhà máy trong hơn 4 năm, đã nêu chi tiết phương thức nhà máy Foxconn sử dụng các giờ làm tăng cả như một phần thưởng, và như một yêu cầu bắt buộc. Các công nhân thường muốn làm tăng ca bởi mức lương cứng hàng tháng của họ, khoảng 300 USD, là quá thấp, trong khi mỗi giờ làm tăng ca sẽ được trả lương gấp 1,5 lần so với mức lương thường ngày.

Một trong những trường hợp mà làm tăng ca được sử dụng để trừng phạt có liên quan đến việc giới thiệu. Từ năm 2016, các công nhân trong nhà máy được yêu cầu phải làm sao để giới thiệu những người khác đến làm việc tại đây. Bản báo cáo nói rằng giới thiệu là hoạt động bắt buộc phải thực hiện khi nhà máy cần công nhân nhất – thường rơi vào tháng 8 đến tháng 10, hay khoảng thời gian mà Apple tung ra các mẫu iPhone mới mỗi năm. "Nếu một công nhân từ chối giới thiệu người khác đến làm việc tại nhà máy, họ sẽ ít được làm tăng ca hơn trong những tuần tiếp theo. Nhiều công nhân xem việc này là một hình phạt, bởi mức lương cứng là rất thấp" – bản báo cáo cho biết.

"Công việc rất mệt mỏi nhưng chúng tôi vẫn hi vọng được làm tăng ca vì đó là cách duy nhất chúng tôi có thể kiếm được hơn 420 USD mỗi tháng. Ai mà muốn sống một cuộc đời kiệt quệ như vậy chứ? Thứ khiến chúng tôi phải làm tăng ca không phải là nhà máy mà là chính cuộc sống" – một công nhân nói với nhà điều tra.

Foxconn quy định khoản tiền thưởng dành cho trưởng dây chuyền sản xuất tùy thuộc vào việc công nhân do anh/cô ấy quản lý có đạt được hạn mức giới thiệu hàng tháng hay không – thường là từ 6-7 lượt giới thiệu mỗi người. Người trưởng này lại truyền áp lực đó sang các công nhân trong dây chuyền, đe dọa sẽ cắt giảm thời gian tăng ca đối với những người không đạt được hạn mức. "Một số công nhân sẽ cùng quẫn và trả tiền cho người khác để họ được thuê vào nhà máy nhằm đạt được hạn mức, từ đó bản thân họ có thể được làm tăng ca" – báo cáo nói.

Nghịch lý ở thành phố iPhone: Làm ngoài giờ vừa là phần thưởng, vừa là hình phạt - Ảnh 2.

Nỗi lo sợ thường trực không thể làm việc tăng ca đảm bảo các công nhân nhà máy không có hành vi quá trớn. "Các công nhân phải rất thận trọng khi trò chuyện trong giờ làm. Họ không được phép trò chuyện quá lộ liễu" – báo cáo nói. Bên cạnh đó, công nhân đi vệ sinh quá nhiều, ví dụ như hơn 2 lần mỗi sáng, có thể bị giao cho các công việc nặng nhọc hơn, hoặc không được phép làm tăng ca. Các công nhân làm ít nhất 100 giờ tăng ca mỗi tháng trong suốt mùa cao điểm sản xuất, trong khi luật lao động Trung Quốc quy định công nhân hiện nay được làm hơn 36 giờ tăng ca. Một trong các nhà điều tra báo cáo rằng anh đã làm tổng cộng 130 giờ tăng ca để sản xuất chiếc iPhone XS trong tháng 10/2018.

Tuy nhiên, không phải lúc nào làm tăng ca cũng được đền đáp xứng đáng. Ví dụ, các công nhân đôi lúc buộc phải làm việc không lương để hoàn thành hạn mức sản xuất đã được giao cho ca của họ - mỗi ca phải sản xuất 11.000 chiếc iPhone trong các mùa cao điểm và khoảng 3.000 chiếc trong các thời gian còn lại.

Bản báo cáo còn phát hiện ra hơn một nửa trong số 150.000 công nhân của nhà máy là các công nhân "điều động" – tức những công nhân không ký hợp đồng với Foxconn mà với các công ty lao động địa phương. Con số này cao hơn 5 lần so với số công nhân thời vụ được phép trong một công ty theo luật lao động Trung Quốc.

Apple nói rằng họ đã tìm hiểu những phàn nàn mà CLW đưa ra, và đã phát hiện ra "hầu hết những cáo buộc là sai", nhưng thừa nhận rằng cuộc điều tra của riêng họ cho thấy tỉ lệ công nhân thời vụ vượt quá mức tiêu chuẩn của công ty và đang làm việc với Foxconn để giải quyết vấn đề. "Chúng tôi xác nhận rằng mọi công nhân đang được trả lương phù hợp, bao gồm mọi khoản lương tăng ca và thưởng, mọi hoạt động tăng ca đều là tự nguyện và không có bằng chứng ép buộc lao động" – tuyên bố của Apple nêu rõ.

Foxconn cho biết họ đã tiến hành đánh giá xác định "một số vấn đề tuân thủ luật lao động" tại Trịnh Châu và đang giải quyết tình hình. "Chúng tôi tìm thấy bằng chứng rằng việc sử dụng các công nhân điều động và số giờ làm tăng ca của các công nhân, dù luôn là hoạt động tự nguyện, nhưng không tuân thủ nguyên tắc của công ty". Hãng nói rằng không tìm thấy bằng chứng lao động ép buộc, và rằng tiền lương và các lợi ích hãng dành cho công nhân "vượt đáng kể" những quy định trong luật Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên các hoạt động trong nhà máy của Foxconn bị soi xét. Một làn sóng tự tử tại các nhà máy của hãng xảy ra vào năm 2010 đã lần đầu thu hút sự chú ý của toàn cầu đối với điều kiện lao động trong các công xưởng gia công iPhone tại Trung Quốc. Gần đây nhất, vào tháng 1 năm ngoái, một công nhân thời vụ 31 tuổi đã nhảy lầu tự tử từ một tổ hợp căn hộ tại nhà máy ở Trịnh Châu này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày