Làm nhiều việc cùng lúc
Với mong muốn tự chủ tài chính và học cách quản lý cuộc sống từ sớm, Nguyễn Thùy Trang - sinh viên năm nhất của Học viện Ngoại giao đã lựa chọn không nghỉ ngơi hoàn toàn trong kỳ nghỉ hè như nhiều bạn bè đồng trang lứa. Thay vào đó, Trang dành thời gian để làm thêm nhiều công việc khác nhau, từ gia sư, trợ giảng cho đến cộng tác viên hậu cần sự kiện, mỗi công việc đều đem đến cho cô bạn những trải nghiệm quý báu ngoài sách vở.
"Em bắt đầu làm gia sư từ khoảng 8 tháng trước, ban đầu là để thử sức và kiếm thêm chút thu nhập. Không ngờ, công việc lại phù hợp với thời gian biểu và sở trường nên em duy trì đến tận bây giờ. Hè này, nhu cầu học của học sinh vẫn nhiều, nên em có thêm thời gian để nhận thêm lớp mới", Trang chia sẻ.
Trang làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh. Ảnh: NVCC
Bên cạnh công việc gia sư, Trang còn làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh. Nữ sinh có cơ hội rèn luyện kỹ năng sư phạm, kỹ năng tổ chức lớp học và giao tiếp với phụ huynh, những điều mà không phải lúc nào trong môi trường đại học cũng được học một cách thực tiễn.
Những ngày cuối tuần, khi có sự kiện lớn cần người hỗ trợ, Trang lại tham gia với vai trò cộng tác viên hậu cần. Công việc có thể vất vả, nhưng đổi lại, cô được mở rộng mối quan hệ, học thêm về kỹ năng làm việc nhóm và xử lý tình huống.
Nhờ sắp xếp thời gian hợp lý, Trang không chỉ đảm bảo được sức khỏe và việc học, mà còn tiết kiệm được một khoản đủ để chi trả cho những nhu cầu cá nhân, bao gồm cả các chuyến du lịch ngắn ngày trong hè. "Khoản thu nhập từ các công việc làm thêm đủ để tự lập về tài chính khiến em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều", Trang cho biết.
Với Trang, làm thêm không đơn thuần là để có thu nhập, mà còn là cách để hiểu rõ hơn về chính mình, trân trọng công sức lao động và rèn luyện sự chủ động trong cuộc sống. Mỗi công việc đều là một trải nghiệm sống, góp phần giúp em trưởng thành, vững vàng hơn trên hành trình chinh phục những ước mơ tương lai.
Theo nghiên cứu về "Ảnh hưởng của việc lựa chọn công việc làm thêm đối với việc học tập của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội", tỉ lệ sinh viên đã và đang đi làm thêm chiếm 94,18% tổng số người được khảo sát.
Một khảo sát khác về việc đi làm thêm của sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận tỉ lệ tương tự. Những con số cho thấy xu hướng làm thêm trong quá trình học của sinh viên đang tăng cao trong những năm trở lại đây.
"Chạy đà" trước khi bước ra thị trường lao động
Không chỉ dừng lại ở mục tiêu kiếm thêm thu nhập, ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn công việc làm thêm trong dịp nghỉ hè với định hướng rõ ràng, đó là tích lũy kinh nghiệm trong chính lĩnh vực mình đang theo học. Sự chủ động này không chỉ phản ánh tinh thần cầu tiến của sinh viên thế hệ mới, mà còn cho thấy sự thay đổi tích cực trong cách họ hoạch định tương lai nghề nghiệp của mình.
Anh Trí Dũng - người sáng lập Agency Muối Media cho biết, mỗi mùa hè đến, lượng sinh viên nộp đơn ứng tuyển vào các vị trí thực tập hoặc cộng tác viên tại công ty đều tăng mạnh.
Đáng chú ý, các bạn không đơn thuần tìm việc vì nhu cầu tài chính, mà có định hướng rất rõ ràng: Được thử sức, học hỏi và cọ xát trong môi trường làm việc thực tế đúng với chuyên ngành đang theo học, như truyền thông, marketing, thiết kế đồ họa, sản xuất nội dung số...
"Tôi đánh giá cao sinh viên vì các bạn là nhóm nhân sự trẻ trung, giàu năng lượng và đặc biệt là không ngại học hỏi. Điều đáng quý là nhiều bạn chủ động tìm hiểu kỹ về công việc, chủ động đề xuất ý tưởng, thậm chí sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành dự án" - anh Dũng cho biết.
Anh Trí Dũng (hàng đầu bên trái) cùng cộng sự là các bạn sinh viên, nhân viên trẻ.
Anh Dũng cũng nhấn mạnh rằng, việc tuyển dụng sinh viên vào những vị trí mang tính chuyên môn không chỉ giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm mà còn tạo ra "lợi thế kép" cho cả hai phía.
Về phía sinh viên, họ có thêm cơ hội cọ xát với thực tế công việc, nắm bắt quy trình vận hành của một doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về yêu cầu của ngành nghề, từ đó xác định rõ hơn hướng phát triển sau này.
"Một bạn sinh viên năm hai, nếu có cơ hội thực tập sớm và tích lũy kinh nghiệm ngay từ bây giờ, đến năm cuối, bạn ấy không chỉ nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng mà còn tự tin hơn rất nhiều về năng lực bản thân," anh Dũng chia sẻ thêm.
Đối với doanh nghiệp, những sinh viên đã có kinh nghiệm hoặc kỹ năng chuyên môn như quay phim, dựng hình, sử dụng phần mềm chỉnh sửa… sẽ giúp tiết kiệm đáng kể thời gian đào tạo. Những bạn này có thể nhanh chóng bắt nhịp công việc, tham gia hỗ trợ các dự án đang chạy, thậm chí đóng góp những góc nhìn sáng tạo phù hợp với xu hướng của giới trẻ, điều mà các doanh nghiệp luôn tìm kiếm.