Nghề nghiệp là “những ngọn đồi” và đây là đôi dòng tiếp thêm động lực cho những ai muốn nhảy việc

Old Fashioned, Theo Nhịp Sống Việt 23:38 22/08/2020

Để giúp người trẻ có thêm sức mạnh và động lực để vượt qua nỗi sợ nhảy việc, mới đây, Shark Liên đã chia sẻ đôi dòng ngắn nhưng vô cùng sâu sắc.

“Nhảy việc” hai chữ nói ra nghe thật dễ dàng nhưng để thực hiện không phải ai cũng có đủ can đảm. Đối với nhiều cá nhân với nhiều hoàn cảnh và điều kiện tác động khác nhau, nhảy việc mang tới cho họ khá nhiều nỗi sợ, đặc biệt là vấn đề nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Người đang có sự nghiệp được đánh giá là thành công, nhưng vì chán nản, mệt mỏi, làm hoài một việc khiến họ muốn “dứt áo ra đi”. Tuy nhiên, họ sợ bước sang lĩnh vực mới thì phải làm lại từ con số 0, và cũng không có gì đảm bảo đoạn đường tiếp theo họ lựa chọn sẽ mang tới cho họ đúng những gì họ mong muốn.

Nghề nghiệp là “những ngọn đồi” và đây là đôi dòng tiếp thêm động lực cho những ai muốn nhảy việc - Ảnh 1.

Sinh viên mới ra trường, làm đúng chuyên ngành, nhưng vì lý do gì đó đến lúc này đây mới cảm thấy “mình học sai ngành”, lĩnh vực này không thuộc về mình. Họ cũng muốn nhảy việc, bước vào “mảnh đất” mới thú vị hơn cho họ đủ động lực và tình yêu để đi làm mỗi ngày. Đáng tiếc, họ sợ sang lĩnh vực mới với đôi bàn tay trắng, không có nền tảng tri thức, cố gắng liệu có đủ để thành công?

Trên chỉ là 2 trường hợp mô tả lại các nỗi sợ phổ biến trong rất nhiều trường hợp và nỗi sợ của những người muốn nhảy việc từ lĩnh vực này đến lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cốt lõi của tất cả các nỗi sợ ấy chính là: Sợ phải làm lại từ đầu!

Có lẽ, hiểu được tâm lý này vì bản thân đã và đang làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời cũng muốn giúp người trẻ có thêm sức mạnh và động lực để vượt qua nỗi sợ nhảy việc, mới đây, Shark Liên đã chia sẻ đôi dòng ngắn nhưng vô cùng sâu sắc trên trang fanpage của mình như sau:

Nghề nghiệp là “những ngọn đồi” và đây là đôi dòng tiếp thêm động lực cho những ai muốn nhảy việc - Ảnh 2.

Shark Liên.

“Nghề nghiệp giống như những ngọn đồi, đừng nghĩ khi đang ở ngọn đồi này bước sang ngọn đồi khác (làm lĩnh vực khác) chúng ta phải làm lại từ đầu và vứt bỏ hết những kinh nghiệm, kỹ năng đã qua.

Chúng ta hoàn toàn có thể chắt lọc, khéo léo áp dụng nó để giúp cho lĩnh vực mới chúng ta lựa chọn có thể tiến xa hơn”.

Thật vậy, người sợ nhảy việc khác lĩnh vực đều hiểu lầm rằng, bước qua một lĩnh vực mới mà trước đó mình chưa biết rõ về nó, chưa được đào tạo tri thức thì chẳng khác nào leo lên một ngọn núi đầy sương. Thành công hay thất bại, đều mờ mịt khôn lường.

Tuy nhiên, về cơ bản, tất cả các công việc, nghề nghiệp dù liên quan đến nhau hay không đều mang đến cho bạn những kỹ năng nhất định. Những kỹ năng này sẽ là hành trang theo bạn suốt cuộc đời dù sau đó bạn có làm gì, ở lĩnh vực nào đi chăng nữa.

Nghề nghiệp là “những ngọn đồi” và đây là đôi dòng tiếp thêm động lực cho những ai muốn nhảy việc - Ảnh 3.

Chẳng hạn, làm sale ở lĩnh vực bảo hiểm sẽ cho bạn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục khách hàng vô cùng tốt. Nghỉ làm bảo hiểm sang làm ở công ty marketing, với kỹ năng giao tiếp sẵn có, đoạn đường phải đi thật sự không khó như bạn nghĩ. Giao tiếp tốt, thuyết trình hay đã là một cái gì đó ghi điểm với cấp trên rồi, không phải sao?

Và giao tiếp hay tính toán hay khả năng viết lách thực chất chỉ là vài kỹ năng trong nhiều kỹ năng mà các công việc âm thầm bổ trợ cho bạn, chỉ có điều không mấy người nhận ra mà thôi. Hiểu được nó, biết cách chắt lọc khéo léo để vận dụng ở lĩnh vực mới như Shark Liên chia sẻ, đồng thời không ngừng kiên trì học hỏi những kiến thức mới, tin chắc rằng ai cũng có thể nhanh chóng hòa nhập và tiến xa hơn nữa.

Nghề nghiệp là “những ngọn đồi” và đây là đôi dòng tiếp thêm động lực cho những ai muốn nhảy việc - Ảnh 4.

Một nhà văn bỏ nghề đi kinh doanh cà phê sẽ luôn có những bài viết quảng cáo cửa hàng của mình thật thu hút trên Facebook; một bartender làm nhà tư vấn tâm lý sẽ luôn biết cách làm người tổn thương phải mỉm cười bằng các câu chuyện thú vị; một cô giáo đi làm nghề thuyết minh sẽ luôn biết cách truyền tải thông tin ngắn gọn và hay ho nhất; một bác sĩ đi làm đầu bếp, không những nấu ra được các món ăn ngon mà còn tốt cho sức khỏe của khách hàng... Tại sao không?

Khoảnh khắc bạn lóe lên ý định nhảy việc trong đầu, tức là bạn thật sự đang gặp vấn đề với công việc hiện tại. Nếu nó khiến bạn đủ vui và hạnh phúc, chắc chắn không bao giờ ngập ngừng muốn “dứt áo ra đi”.

Chính vì vậy, thay vì sợ hãi và cố gắng chịu đựng một công việc đã không còn mang đến cho mình giá trị tinh thần (có thể là cả vật chất), hãy can đảm nhé, đừng ngại việc leo lên một ngọn đồi từ đầu để đi tìm những gì mình xứng đáng nhận được.