Nghề kiếm tiền từ thói quen mua sắm “cả thèm chóng chán”: Hiểu rõ tâm lý khách hàng, bỏ túi trăm triệu/ tháng nhưng đi kèm rủi ro mất trắng

Như Ý/ Thiết kế: Thuỷ Tiên, Theo Thể thao và Văn hoá 10:39 09/02/2023

Cùng với nhu cầu của giới trẻ, ngày càng có nhiều cửa hàng cho thuê quần áo ra đời.

Không giống như thời “ông bà anh”, các cửa hàng cho thuê quần áo được mặc định chỉ là cho thuê đồ cưới, áo dài hay đồ diễn văn nghệ, dịch vụ cho thuê quần áo hiện tại trải dài nhiều phong cách, đa dạng kiểu dáng. Đặc biệt, có rất nhiều cửa hàng còn chuyên cho thuê những mẫu váy hot hit của các local brand nổi tiếng trên thị trường và rất đắt khách.

Kiếm trăm triệu mỗi tháng nhờ cho thuê đồ

“Cuối năm có nhiều tiệc, đám cưới và cả Tết mà một tiệc lại có 1 quy định riêng về chủ đề, màu sắc trang phục làm mình đổ mồ hôi hột khi mua sắm. Chưa kể mỗi chiếc váy mua tầm 1 - 3 triệu nhưng chỉ diện được 1, 2 lần là hết, đành xếp cất xuống đáy tủ chẳng bao giờ diện tiếp được vì không phù hợp với bối cảnh và tình huống hằng ngày. Đâu ai diện váy đuôi cá đính đá đi làm hay đi cà phê với bạn bè được, đúng không? Phải nói từ khi biết đến các dịch vụ cho thuê váy áo, túi tiền của mình đỡ tốn hơn hẳn vì giá cho thuê khá rẻ, mình cũng có thể lựa chọn và trải nghiệm rất nhiều mẫu váy từ các brand cao cấp, tha hồ sống ảo mỗi khi đi tiệc, đi chơi” - Thùy Trang (23 tuổi, Hà Nội) - một tín đồ của những dịch vụ cho thuê váy chia sẻ.

Giống như Thùy Trang, founder The Calista - một cửa hàng chuyên cho thuê quần áo ở TP. Hồ Chí Minh cũng từng tốn kém rất nhiều cho những chiếc váy mua về chỉ mặc 1 đôi lần rồi xếp xuống đáy tủ. Thế nên cuối năm 2022, cô nàng quyết định thử sức với mảng này. Với số vốn khoảng trên dưới 100 triệu, cô nàng chọn lựa kỹ lưỡng và mua khoảng 40 mẫu váy đang được nhiều người quan tâm của các local brand Việt Nam để bắt đầu việc kinh doanh của mình. Sau một thời gian ngắn hoạt động, hiện tại số lượng váy áo của cửa hàng đã lên đến 80 mẫu.

“Giá cho thuê váy của bên mình dao động từ trên 100k đến hơn 300k tùy theo các gói thuê. Các gói thuê bên mình phụ thuộc vào thời gian nhận váy - diện váy và trả váy của khách. Đặc biệt, nếu khách chỉ có nhu cầu nhận và trả váy trong ngày, cửa hàng mình sẽ giảm 10% giá thuê” - cửa hàng chia sẻ về giá dịch vụ.

Nghề kiếm tiền từ thói quen mua sắm “cả thèm chóng chán”: Hiểu rõ tâm lý khách hàng, bỏ túi trăm triệu/ tháng nhưng đi kèm rủi ro mất trắng - Ảnh 1.
 

Các cửa hàng cho thuê ghi điểm nhờ kiểu dáng váy trẻ trung, theo kịp xu hướng và có nhiều mẫu của các local brand nổi tiếng

Còn về phía Tiệm Thanh Xuân - một cửa hàng cho thuê váy khác ở TP. Hồ Chí Minh, hình thức hoạt động của cửa hàng là khách sẽ chọn mẫu và cọc lại giấy tờ hoặc 300k - 500k/ mẫu váy. Vì chuyên về các mẫu váy để đi du lịch nên phí thuê và thời gian thuê của tiệm Thanh Xuân có phần dễ thở hơn khi trải từ 120k - 200k/ cho thời gian 3 ngày. Ngoài ra, tiệm cũng có những gói thuê dài ngày và cả phụ kiện kết hợp với váy, đầm cho khách có thêm lựa chọn.

“Để thu hút được khách hàng, ngoài việc chú trọng vào mẫu mã, liên tục cập nhật thêm nhiều kiểu dáng mới, bên mình còn chăm chỉ sáng tạo những nội dung hay ho trên các nền tảng MXH để được nhiều người biết đến hơn. Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm hoạt động, số lượng váy của cửa hàng đã tăng từ 100 chiếc lên đến 4000 chiếc” - Yến Phan - founder của cửa hàng chia sẻ.

Nghề kiếm tiền từ thói quen mua sắm “cả thèm chóng chán”: Hiểu rõ tâm lý khách hàng, bỏ túi trăm triệu/ tháng nhưng đi kèm rủi ro mất trắng - Ảnh 3.
 

Sau 2 năm, số lượng váy ở đây đã lên đến 4000 chiếc

Với hình thức cho thuê không có gì khác biệt so với 2 địa chỉ trên, Rossie - một dịch vụ cho thuê đồ ở Hà Nội lại tạo được ấn tượng mạnh bằng việc chỉ cho thuê một kiểu đồ duy nhất: váy nàng thơ của các brand như Dear José, The Country boutiques, Chim Yến, Mauve, Xéo Xọ,... Nhờ định hình được rõ ràng phong cách, có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn cho các khách hàng cũ và chịu khó kết nối với những studio ảnh, mỗi tháng doanh thu của cửa hàng luôn lên đến con số trăm triệu. Trong những dịp cao điểm như Tết hoặc lễ lớn, con số này còn có thể nhiều hơn.

“Mỗi chiếc váy bên mình đều có giá từ 1,2 triệu cho đến chục triệu đồng và được cho thuê với mức giá chỉ từ vài trăm/ 3 ngày thuê nên hút được lượng khách rất lớn. Mỗi dịp lễ, Tết cửa hàng luôn trong tình trạng quá tải, có nhiều khách phải đặt lịch sẵn mới thuê được váy. Doanh số tăng, khách hàng nhiều đồng nghĩa nhân viên và mình đều phải chạy mệt bở hơi tai để quản lý đơn thuê cũng như bảo quản váy áo” - founder cửa hàng cho biết.

Đau đầu xử lý váy áo dơ - hỏng, khách không trả đồ

Với số lượng khách thuê đồ đông, bên cạnh chuyện liên tục phải theo dõi xu hướng, cập nhật mẫu mã để giữ chân khách, Tiệm Thanh Xuân cũng đau đầu về việc xử lý váy sau khi cho thuê. Được biết, tiệm có riêng một bộ phận chuyên phụ trách xử lý và phân loại váy áo sau khi khách trả váy. Quy trình này diễn ra với 2 bước là kiểm tra sơ bộ hiện trạng váy sau khi trả, sau đó là bước giặt ủi kỹ lưỡng và là phẳng trước khi treo lại cửa hàng để khách thử và thuê. Ngoài ra, tiệm cũng sử dụng phần mềm để theo dõi các đơn cho thuê tiện hơn.

Với số lượng khách đông, cửa hàng cho thuê phải sử dụng phần mềm riêng để kiếm soát đơn thuê

Ngoài những khó khăn đó, các tiệm cho thuê váy còn phải đối diện với vô số những tình huống dở khóc dở cười như khách làm dơ, hỏng váy, tự ý sửa lại form dáng hoặc lấy luôn váy không trả.

“Từng có một bạn khách bên mình thuê váy để chụp ảnh và kỳ kèo giảm giá cho một chiếc váy có giá hơn 10 triệu vì bạn ấy sẽ nhận và trả váy trong ngày. Vậy mà, sau khi thuê được váy, bạn lại bặt vô âm tín, bên mình gọi điện rất nhiều lần cũng không nghe máy. Cho đến khi bên mình làm căng, định công khai danh tính vì bạn cọc váy bằng CCCD thì bạn mới trả váy. Song, chiếc váy nhận về đã bị bạn ấy tự ý bóp ngực, cắt ngắn làm mất form dáng ban đầu. Trường hợp này, mình yêu cầu bạn bồi thường 100% giá trị váy và cũng mất rất lâu mới nhận được đủ số tiền ấy” - Rossie chia sẻ.

Vì đa số các mẫu váy đều có giá cao, phía cửa hàng luôn báo chi phí đền bù khi hỏng hóc, hư hại cho khách ngay từ đầu

May mắn không trải qua tình huống trớ trêu, thế nhưng The Calista cũng không ít lần nhận về những chiếc váy bị hư hỏng và làm dơ bởi khách:

“Váy áo khi khách trả hàng, sau khi kiểm tra và hoàn cọc thì shop mình sẽ mang đi giặt hấp để tránh hư hại nhiều đến form váy áo cũng như chất liệu. Nếu váy gặp sự cố nhỏ, có thể tự xử lý thì bên mình không thu thêm phí. Còn nếu váy bị rách hoặc hư không thể hồi phục, tùy theo hư hỏng bên mình sẽ tính 30-70% tiền cọc ban đầu của khách”.