Ngân hàng có phá sản được không?
Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Việt Nam cho phép ngân hàng và các tổ chức tín dụng được yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản. Một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách.
Trên thực tế, tại Việt Nam chưa có ngân hàng nào phá sản. Khi ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cơ cấu lại, mua với giá 0 đồng.
Ngân hàng phá sản, người gửi tiền có mất sạch tài sản?
Theo Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.
Bảo hiểm tiền gửi là sự đảm bảo hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho khách gửi tiền hoặc phá sản.
Theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Như vậy, nếu ngân hàng phá sản thì khách gửi tiền sẽ được nhận tối đa 125 triệu đồng (tiền bảo hiểm tiền gửi).
Bên cạnh đó, người gửi tiền còn có thể nhận được tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.
Tuy nhiên, theo Luật phá sản, tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản được ưu tiên chi trả lần lượt theo thứ tự: chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động cũng như thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; sau đó mới đến các khoản tiền gửi ngân hàng.
Tổng hợp