Theo báo cáo tài chính quý I/2025, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.582 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý I năm nay cũng đánh dấu bước khởi đầu của HDBank trong việc vận hành mô hình tập đoàn tài chính.
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 9.205 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của HDBank đạt 711.311 tỷ đồng; huy động tiền gửi từ khách hàng đạt 465.321 tỷ đồng (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước); dư nợ tín dụng đạt 449.901 tỷ đồng (tăng 19,9%). Hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II duy trì ở mức trên 14,9%.
Lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số giúp HDBank vươn lên vị trí ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao thứ hai hệ thống, vượt qua ACB.
Trong khi đó, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 4.596 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ 2024. Đây là quý đầu tiên ACB ghi nhận tăng trưởng âm về lợi nhuận, trở thành ngân hàng thứ tư có kết quả đi xuống trong hệ thống, sau VIB, NCB, PGBank.
Một số mảng kinh doanh chủ lực của ACB có dấu hiệu chững lại. Thu nhập lãi thuần – nguồn thu chính – đạt 6.358 tỷ đồng, giảm nhẹ 5%. Lĩnh vực đầu tư chứng khoán báo lỗ hơn 1,4 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán chỉ đạt 23 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 196 tỷ đồng cùng kỳ 2024.
Dù vậy, cơ cấu thu nhập của ACB vẫn ghi nhận điểm sáng. Thu nhập ngoài lãi tăng 7,5%, chiếm 20% tổng doanh thu – tăng so với mức 18% cùng kỳ năm trước, cho thấy định hướng giảm phụ thuộc vào thu nhập lãi thuần. Mảng dịch vụ tiếp tục đóng góp tích cực, với thu phí tăng 17% và hoạt động kinh doanh thẻ tăng mạnh 161%.
Ngân hàng cho biết nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm đến từ việc chủ động triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, nhằm góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm, ACB vẫn duy trì ROE ở mức trên 20%.
Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của ACB đạt 819.674 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1%. Quy mô huy động vốn – bao gồm tiền gửi và giấy tờ có giá – đạt 664.000 tỷ đồng, tăng 4%.