Theo Sở Y tế TPHCM , nhân viên ngành y là những người có nguy cơ bị stress, trầm cảm, lo âu, kiệt sức cao hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác. Một kết quả khảo sát trầm cảm, lo âu, stress ở nhân viên y tế tại Bệnh viện Hùng Vương (năm 2021), trên tổng số 1.186 nhân viên cho thấy, có tới 16,5% nhân viên y tế bị stress, 42,2% bị trầm cảm và 24,3% có chứng rối loạn lo âu.
Hậu quả của tình trạng trên khiến ngành y tế TPHCM phải đối mặt với làn sóng nhân viên y tế liên tiếp nghỉ việc, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Đỉnh điểm của vấn đề về sức khỏe tâm thần nhân viên y tế phải đối mặt là cái chết bất thường tại phòng làm việc của Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Từ Dũ, xảy ra vào sáng 15/1 vừa qua.
Nhân viên y tế đang là những người chịu nhiều áp lực từ công việc. Ảnh: Vân Sơn
Theo phân tích của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, bên cạnh áp lực trong công việc và cuộc sống như những ngành nghề khác, nhân viên y tế luôn được người nhà bệnh nhân và người bệnh kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào những nỗ lực của các “thiên thần áo trắng” cũng mang lại hiệu quả như mong đợi.
“Lãnh đạo cơ sở y tế ít nhiều có ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế. Để không tạo quá nhiều áp lực cho nhân viên y tế trước những khối lượng công việc quá lớn, ngoài cách hành xử nhẹ nhàng, tế nhị thì người làm lãnh đạo cần chia nhỏ công việc, giao nhiệm vụ vừa sức và có thời gian cụ thể cho nhân viên. Thu nhập của nhân viên y tế là điều đặc biệt quan trọng. Họ không thể không căng thẳng, lo âu nếu đi làm mà không lo nổi cơm áo gạo tiền cho chi phí đời sống” - TS.BS Phan Thị Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM.
Mất mát của người bệnh, đau thương của gia đình bệnh nhân khiến những kỳ vọng trở thành áp lực rất lớn đối với nhân viên y tế. Do bản chất nghề nghiệp nhân viên y tế phải cất giấu đi cảm xúc của mình để tiếp tục hành nghề, những cảm xúc tiêu cực nếu không được giải tỏa sẽ trở thành stress, trầm cảm. Tình trạng trên kéo dài sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, cơ xương khớp, loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, nghiêm trọng hơn là hội chứng Burnout với ý định tự sát.
Xây dựng cẩm nang hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần
Trước những vấn đề nhân viên y tế phải đối mặt, từ năm 2023 Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế với nhiều hoạt động như: huấn luyện kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tâm thần bản thân; thiền trị liệu; hình thành mạng lưới các chuyên gia tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế; thiết lập phòng thư giãn cho nhân viên y tế; triển khai hệ thống cấp cứu trầm cảm.
Để tăng cường hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ nhằm ngăn chặn nguy cơ trầm cảm , tự tử của nhân viên y tế, Sở Y tế cho biết, trong tháng 4/2024 sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn về sức khỏe tâm thần dành cho nhân viên y tế. Tài liệu sẽ giúp nhân viên y tế biết cách tự phát hiện vấn đề và tự điều trị cho bản thân, cung cấp các địa chỉ để được tham vấn về tình trạng sức khỏe tâm thần.
Sở Y tế sẽ mở các lớp đào tạo dành cho các nhà lãnh đạo, quản lý y tế nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên. Ngành y tế TPHCM sẽ đưa mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế đi vào hoạt động trong quý 2 năm 2024.
Với những trường hợp có biểu hiện của vấn đề sức khỏe tâm thần, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị cần sắp xếp, bố trí công tác phù hợp cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, để giảm áp lực cho nhân viên y tế các cơ sở y tế sẽ tăng cường chuyển đổi số và cải cách hành chính, xây dựng văn hóa và môi trường thân thiện, bổ sung các chính sách phúc lợi xã hội.
Hiện nay, ngành y tế TPHCM đang tập trung xây dựng cẩm nang hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, triển khai hệ thống cấp cứu trầm cảm để kịp thời hỗ trợ các trường hợp trầm cảm nặng có ý định tự sát.