Khi con cái lớn lên, cha mẹ sẽ dần phát hiện ra rằng, đứa trẻ nghe lời và hiểu chuyện trước kia có vẻ như bắt đầu trở nên "nổi loạn" hơn. Đặc biệt, một số phụ huynh có thể ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, con cái ở độ tuổi 6 - 7 tuổi đã bắt đầu biết phản kháng lại cha mẹ.
Nhưng trên thực tế, những biểu hiện "nổi loạn" này, thực sự là những rào cản và thất bại trong việc giao tiếp của cha mẹ và con cái. Chúng đang sử dụng một cách đặc biệt để gửi đến cha mẹ một "tín hiệu cầu cứu".
Gần đây, một người bạn của tôi không khỏi đau đầu về vấn đề của con cái. Mối quan hệ giữa của cô và con trai trước đây vốn dĩ rất hòa thuận, nhưng gần đây cả hai thường xuyên không thể nói chuyện được với nhau một cách kiên nhẫn. Đứa trẻ luôn nói: "Dù sao thì mẹ cũng sẽ không..." khiến cô cảm thấy rất tổn thương.
Vào kỳ nghỉ hè vừa qua, cô muốn hiểu kỹ hơn về kế hoạch nghỉ hè của con. Nhưng không ngờ con trai cô chỉ lạnh lùng trả lời một câu: "Các bạn cùng lớp con định đi trượt băng, dù sao thì mẹ cũng sẽ không cho con đi đâu, tốt nhất mẹ đừng hỏi nữa".
Cuộc đối thoại của họ kết thúc một cách "cọc cằn" như vậy.
Là một người mẹ, cô cảm thấy rất thất vọng trước thái độ của con. Nghĩ vậy, cô đã vào phòng con để vặn hỏi vì sao con lại nói như vậy. Nhưng con trai cô chỉ đáp lại một cách dửng dưng: "Là lỗi của con hết, lại là lỗi của con".
Lần này, người bạn của tôi cảm thấy sự việc có vẻ nghiêm trọng hơn. Cô bắt đầu nghi ngờ liệu mình có phải mình đã trách mắng con vô cớ không? Liệu có lần nào cô đã vô tình vu oan cho con không?
Có một số trẻ em luôn chủ động nhận lỗi, trong khi một số khác lại đẩy trách nhiệm lên người khác.
Trên mạng từng có một đoạn video gây ra nhiều tranh cãi, một nữ sinh và mẹ đi cùng nhau bằng tàu điện ngầm. Trong khi mẹ cô tay xách nách mang, thì con gái lại thành thơi nhét 2 tay vào túi quần. Nhưng khi xuống ở một trạm gần đó, cô bé đã phát hiện mình đã xuống nhầm trạm, liền tức giận đá mẹ và trách móc rằng: "Tất cả là tại mẹ!".
Đây là biểu hiện điển hình của sự không hiểu chuyện và thiếu độc lập.
Khi nghe thấy con mình nói ra những "lời nói giận dữ", bất kỳ phụ huynh nào cũng sẽ cảm thấy tức giận, nhưng trước khi tức giận, hãy thử bình tĩnh lại và suy nghĩ kỹ về nguyên do thực sự đằng sau những lời này của trẻ em.
"Dù sao mẹ cũng không cho con đi"
Khi con nói "Dù sao mẹ cũng không cho con đi", phản ứng đầu tiên của phụ huynh có thể là thất vọng hoặc tức giận, cảm thấy rằng con mình hoàn toàn không tin tưởng vào bản thân mình.
Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, sau câu nói này là sự bất lực và kỳ vọng ẩn giấu trong lòng trẻ. Trẻ muốn làm một việc gì đó, nhưng do đã bị từ chối nhiều lần trong quá khứ, chúng đã mất đi niềm tin rằng cha mẹ có thể mở lòng trước mong muốn của mình.
Cách biểu đạt "dù sao thì..." này, là một phương tiện tự bảo vệ, nhằm mục đích tránh khỏi việc bị từ chối lại và cảm thấy tổn thương thêm một lần nữa.
Khi con cái nói ra những lời này, cha mẹ cần phải bình tâm, kiên nhẫn giao tiếp với con cái để hiểu được suy nghĩ thực sự của chúng. Có thể thử giải thích một cách tích cực những gì con cái mong muốn, hỏi xem chúng có thực sự muốn đi không, và nói cho chúng biết rằng cha mẹ sẵn lòng xem xét ý kiến của con. Phản hồi như vậy có thể dần dần xây dựng lại niềm tin của con cái vào cha mẹ.
"Tất cả là lỗi của con"
Câu "tất cả là lỗi của con", có vẻ như là trẻ em đang chủ động nhận lỗi, nhưng thực tế, đây có thể là dấu hiệu của sự phòng vệ của con. Bởi lẽ, chúng đã bị la mắng nhiều lần trong những tình huống tương tự trước đây.
Chúng nghĩ rằng dù giải thích như thế nào đi chăng nữa, cuối cùng chúng vẫn sẽ bị khiển trách, chúng vẫn sẽ phải nhận lỗi. Vì vậy con cái sử dụng cách này để kết thúc cuộc trò chuyện.
Trước tình huống này, cha mẹ cần quan tâm hơn đến tâm lý của trẻ, chủ động giao tiếp với trẻ và cho trẻ cơ hội giải thích.
Thông qua cách này, phụ huynh có thể giúp trẻ xây dựng lại nhận thức về sự đúng và sai, tránh cho trẻ rơi vào tâm trạng tiêu cực.
"Tất cả là tại mẹ"
"Tất cả là tại mẹ" là cách trẻ em bày tỏ cảm xúc khi gặp thất bại. Khi chúng cảm thấy bất lực hoặc thất vọng, chúng thường đổ lỗi cho người khác, trong đó thông thường là cha mẹ.
Chẳng hạn như khi xuống nhầm trạm xe, con sẽ bực tức vì lỗi lầm của mình, nhưng không muốn nhận mà đổ lỗi đó lên cha mẹ. Hành động này cho thấy trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc chịu trách nhiệm.
Nếu trẻ thường xuyên nói câu này, cha mẹ cần phải tự kiểm tra xem liệu mình đã cho trẻ đủ quyền tự chủ hay chưa. Để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình một cách thích hợp, như tự thức dậy đúng giờ vào buổi sáng để chuẩn bị đi học, tự chuẩn bị đồ dùng học tập…
Bằng cách tăng cường sự độc lập cho trẻ, cha mẹ có thể giúp con học được cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình, thay vì chỉ biết đổ lỗi cho người khác.
Khi trẻ thường xuyên sử dụng ba câu nói trên, rất có thể trẻ đang gửi đến cha mẹ một tín hiệu cầu cứu. Lúc này, cha mẹ cần phải bỏ qua nhãn mác "nổi loạn" của con cái để lắng nghe trái tim và thấu hiểu được nhu cầu cảm xúc của con.
Đầu tiên, cha mẹ cần phải giữ bình tĩnh, không nên ngay lập tức nổi giận khi con cái nói ra những lời này, mà là cố gắng hiểu được suy nghĩ thực sự đằng sau của con cái. Trong lời nói của trẻ có thể ẩn chứa sự bất lực, sự hoang mang và mong đợi từ phía cha mẹ.
Tiếp theo, cha mẹ cần phải cho con cái không gian riêng. Sự kiểm soát và can thiệp quá mức có thể khiến trẻ phản ứng lại, vì vậy việc buông tay một cách thích hợp không chỉ giúp con cảm nhận được sự tin tưởng từ phía cha mẹ, mà còn giúp nuôi dưỡng khả năng tự lập trong con.
Cuối cùng, cha mẹ cần phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Khi trẻ thể hiện những cảm xúc và thường xuyên sử dụng những lời nói tiêu cực, cha mẹ cần phải kịp thời can thiệp, dẫn dắt và hướng dẫn con theo hướng đúng đắn, giúp chúng vượt qua khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc.
Tổng hợp