Nếu rác nhựa gây khủng hoảng như thế thì tại sao không cấm dùng đồ nhựa luôn? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ đâu

T.O.P, Theo Helino 22:15 17/07/2018
Chia sẻ

Đơn giản là vì dùng nhựa đã trở thành thói quen khó từ bỏ của xã hội rồi. Việc cấm đoán cứng nhắc sẽ phản tác dụng, thay vì giúp giảm rác nhựa.

*Bài viết được thực hiện theo quan điểm của Kim Borg - chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu phát triển bền vững thuộc ĐH Monash (Úc).

Úc là quốc gia phải chịu trách nhiệm cho 13 ngàn tấn rác thải nhựa mỗi năm trên toàn thế giới. 

Và bởi con số này có xu hướng ngày càng tăng nên vào tháng 6/2018, chính phủ Úc đã ra một quy định mới liên quan đến việc xử lý rác thải nhựa. Nổi bật nhất trong đó là mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các vật dụng nhựa dùng một lần (single-use) đến năm 2023.

Nếu rác nhựa gây khủng hoảng như thế thì tại sao không cấm dùng đồ nhựa luôn? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ đâu - Ảnh 1.

Úc phải chịu trách nhiệm cho 13.000 tấn rác nhựa mỗi năm

Nói cách khác, nó không khác gì một lệnh cấm sử dụng đồ nhựa vào năm ấy, và điều này sẽ mang đến tác động rất lớn đến xã hội Úc - một trong những nơi sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần đã trở thành thói quen khó bỏ.

Khi rác nhựa trở thành một cuộc khủng hoảng rác thải, thì dĩ nhiên cấm dùng chúng cũng là một lựa chọn. Vấn đề chỉ là có nên làm hay không thôi?

Nếu chỉ dùng công nghệ, đó không phải là giải pháp 

Trước tiên, cần làm rõ rằng nhựa không hề xấu. Trái lại, nó tạo ra một bước ngoặt lớn cho xã hội loài người. Linh hoạt, bền, chống thấm nước, và rẻ tiền - quá nhiều lợi điểm.

Vấn đề duy nhất ở đây là cách chúng ta vứt và xử lý rác nhựa. Do quá linh hoạt, nhựa được áp dụng lên rất nhiều sản phẩm chỉ dùng 1 lần, và điều này tạo ra một cuộc khủng hoảng đồ nhựa. 

Nếu rác nhựa gây khủng hoảng như thế thì tại sao không cấm dùng đồ nhựa luôn? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ đâu - Ảnh 2.

Khủng hoảng rác nhựa đang xảy ra ở nhiều quốc gia

Hiện tại trên thế giới, rất nhiều nhà khoa học đã và đang tìm cách vận dụng công nghệ để giải quyết câu chuyện này. Giải pháp được đưa ra là rất nhiều, từ công nghệ tái chế rác mới, đến loại nhựa mới có khả năng phân hủy sinh học cao được làm từ tảo. Thậm chí, đã có chuyên gia tìm cách sử dụng sâu bướm hoặc một loài vi khuẩn đột biến để tiêu hóa số nhựa ấy.

Tất cả đều rất hay, chỉ có điều chúng khá đắt tiền, hiệu quả lại chậm. Trong khi đó, nhân loại còn rất nhiều vấn đề môi trường cần quan tâm, như giảm thiểu khí thải nhà kính chẳng hạn. 

Vậy nếu cấm sử dụng nhựa dùng 1 lần thì sao? Như đã nêu, nó sẽ tạo ra một thay đổi quá lớn trong xã hội, rất dễ gây hậu quả tiêu cực. Thách thức thực sự là giúp mọi người nhận ra rằng có nhiều lựa chọn để thay thế cho các vật dụng này và làm sao để họ dùng chúng, thay vì đưa ra một lệnh cấm cứng nhắc. 

Nếu rác nhựa gây khủng hoảng như thế thì tại sao không cấm dùng đồ nhựa luôn? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ đâu - Ảnh 3.

Nhưng nếu cấm luôn, sẽ tạo ra một tác động rất tiêu cực

Mọi người cần biết có thứ gì dùng để thay thế cho đồ nhựa

Liệu rằng nỗ lực của chính phủ trong công tác tuyên truyền đã đủ để giúp mọi người thay đổi thái độ đối với môi trường? Liệu nó đã đủ để các doanh nghiệp cân bằng lợi ích giữa môi trường và kinh tế?

Trong nghiên cứu của Kim Borg, kết quả chỉ ra rằng nếu chỉ đơn giản là cung cấp thông tin qua các đợt tuyên truyền thì luôn là không đủ. Thông tin có rất nhiều, vấn đề là người ta không chịu đọc. Thay vào đó, cái nên làm và có thể làm là giúp họ thực sự nhìn ra vấn đề.

Nếu rác nhựa gây khủng hoảng như thế thì tại sao không cấm dùng đồ nhựa luôn? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ đâu - Ảnh 4.

Điều quan trọng là phải giúp họ hiểu được có những sản phẩm nào dùng để thay thế, như ống hút bằng tre chẳng hạn.

Một chiến dịch thành công là phải giúp từng cá nhân nhận ra hiệu quả của sự thay đổi. Chúng ta phải nhận ra rằng việc thay đổi có thể thực sự giúp giải quyết vấn đề, và chúng ta không làm điều đó một mình. 

Ví dụ, có thể sử dụng túi giấy hoặc túi bằng sáp ong, thay vì túi nylon. Rất nhiều cửa hàng cafe có chế độ tặng thưởng cho khách hàng nếu đến mua nước bằng cốc mang sẵn.

Các cửa hàng bán lẻ cũng cần phải thay đổi. Như người Nhật, họ đã tăng tỷ lệ từ chối dùng túi nylon thêm 40% sau 6 tháng, đơn giản chỉ bằng cách thu ngân hỏi thêm một câu: "Bạn có cần túi không?" thôi. 

Hoặc đồ uống sẽ không được bổ sung ống hút, trừ phi khách hàng yêu cầu. Điều này sẽ góp phần hạn chế đáng kể lượng ống hút nhựa thải ra mà không cần phải cấm đoán. Nhất là khi những người khuyết tật đôi lúc phải thực sự cần dùng chúng.

Khi thói quen tiêu dùng thay đổi, các nhà sản xuất cũng sẽ phải tìm cách đưa ra các sản phẩm thuận tiện hơn, nhưng có thể tái sử dụng nhiều lần. Ví dụ như ống hút bằng kim loại có thể co ngắn và gắn vào móc khóa chẳng hạn?

Sẽ không có giải pháp phù hợp cho tất cả

Mỗi tình huống sẽ cần giải pháp khác nhau. Các hàng cafe dùng cốc tái sử dụng có thể phù hợp với các khu văn phòng, nơi khách hàng sẽ quay trở lại thường xuyên. Nhưng nếu ở cửa hàng đặt trong triển lãm thì không thể hiệu quả được, vì khách hàng mỗi ngày là khác nhau. 

Nếu rác nhựa gây khủng hoảng như thế thì tại sao không cấm dùng đồ nhựa luôn? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ đâu - Ảnh 5.

Điều này có nghĩa rằng sẽ phải có nhiều giải pháp để tiếp cận vấn đề, và phải ở mức độ thay đổi thói quen của toàn bộ xã hội, chứ không thể trông chờ vào một giải pháp đơn thuần. Ví dụ như nếu muốn cả quốc gia không còn rác nhựa, phải bắt đầu từ những chiến dịch thực sự hiệu quả, hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm thay thế

Và rồi khi cả cộng đồng bắt đầu thay đổi quan điểm, đó là lúc có thể áp một khoản phí nhỏ lên các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Và sau khi tất cả cùng quen thuộc với điều đó, lệnh cấm ban ra sẽ là hợp lý để "giải quyết" nốt những kẻ cứng đầu không chịu thay đổi. 

Tham khảo: Science Alert
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày