Theo nhiều thống kê, hàng năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa được đổ ra biển. Bất chấp nỗ lực của con người, con số ấy vẫn không thể giảm đi, qua đó khiến hệ sinh thái biển gặp rất nhiều rắc rối.
Nguồn gốc của số rác này hiển nhiên là đất liền. Nhưng cụ thể chúng trôi ra biển từ những đâu?
Một nghiên cứu mới đây cuối cùng đã có đáp án, và tiếc rằng nhiều người sẽ sốc vì điều này. Theo đó, 90% số rác nhựa đang trôi nổi hiện nay đến từ 10 con sông của châu Á và châu Phi. Con số ước tính có thể lên tới hàng tỉ tấn.
Rác bị vứt tràn lan bên bờ sông
Cụ thể, các chuyên gia tại Viện nghiên cứu môi trường Helmholtz (Đức) đã đưa ra kết luận rằng các hệ thống sông lớn là nguồn cơn chính của số rác này.
"Có một điểm chắc chắn là tình trạng này không thể tiếp diễn được nữa," - trích lời tiến sĩ Christian Schmidt - chuyên gia địa chất thủy văn.
"Nhưng rõ ràng chúng ta không thể nào giải quyết hết được số rác đang trôi nổi trên các đại dương. Thay vào đó, cần phải đi trước một bước, đó là nhắm đến nguồn gốc của số rác ấy."
Nhóm nghiên cứu đã phân tích số liệu về rác thu thập được từ 57 con sông trên thế giới - cả các loại rác vi nhựa (kích cỡ nhỏ hơn 5mm) và rác lớn hơn. Kết quả, sông Trường Giang của Trung Quốc phải chịu trách nhiệm lớn nhất, khi thải tới 1,5 triệu tấn rác nhựa vào Hoàng Hải mỗi năm.
Top 10 con sông gây ô nhiễm biển nhất thế giới
1. Sông Trường Giang
2. Sông Ấn
3. Sông Hoàng Hà
4. Sông Hải Hà
5. Sông Nile
6. Sông Hằng
7. Sông Châu Giang
8. Hắc Long Giang
9. Sông Nigger
10. Sông Mekong.
Và theo Schmidt, bằng việc giải quyết rác ngay từ sông, chúng ta có thể giảm được phân nửa số rác đang thải ra các đại dương mỗi năm.
"Chỉ cần giảm một nửa số rác này cũng là một hành công rực rỡ rồi. Để làm được, chúng ta cần cải thiện quy trình quản lý rác, đồng thời nâng cao nhận thức của từng người."
Sông Hằng tại Ấn Độ cũng là một nguồn xả rác nghiêm trọng, lên tới hơn 600.000 tấn mỗi năm. Ngoài ra các con sông như Hoàng Hà, Hải Hà, Châu Giang... cũng có "đóng góp" vô cùng lớn.
"Chúng tôi mong rằng nghiên cứu này sẽ giúp nhân loại đưa ra được những giải pháp cho vấn đề rác thải trên đại dương trong dài hạn." - Schmidt chia sẻ.
Trên thực tế, các chuyên gia vốn đã đoán được rằng nước sông chảy từ đất liền sẽ mang theo rác ra đại dương. Tuy nhiên, mật độ thế nào, quy luật ra sao lại là ẩn số, cho đến khi nghiên cứu này ra đời.
"90% số rác đến từ 10 con sông lớn của châu Á và châu Phi."
"Những con sông nhiều rác nhất chảy qua những nơi tập trung đông dân cư. Như sông Trường Giang, lượng cư dân sống quanh đây phải đến 500 triệu người."
Theo Schmidt, rác nhựa đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Rác có mặt ở gần như mọi biển và sông trên thế giới với số lượng lớn. Kèm theo đó là các vấn đề nghiêm trọng xảy ra cho môi trường.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology