"Con không được dạy là lỗi của cha", cha mẹ không chỉ cần chăm sóc con cái về mặt đời sống mà còn phải chăm lo cho con về mặt tư tưởng. Người cha là người thầy đầu tiên của con, trước khi đến trường, con cái luôn coi cha như một tấm gương, và một số thói quen của người cha có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của con.
Những thói quen tốt có thể mang lại ảnh hưởng tích cực cho con, khiến con trở nên ưu tú hơn. Ngược lại những thói quen xấu của người cha cũng sẽ tác động nhiều đến con theo mặt tiêu cực, gây ảnh hưởng lâu dài đến suy nghĩ, cách sống và tương lai của con sau này.
Dưới đây, hãy cùng nói về 3 thói xấu của người cha có thể khiến tương lai con cái tăm tối:
Trong một gia đình, thông thường người cha sẽ là trụ cột, chịu trách nhiệm kiếm tiền, đảm đương phần lớn chi phí sinh hoạt, học tập của con cái. Họ phải làm việc chăm chỉ, gặp nhiều áp lực ở nơi làm việc, với sếp, với đồng nghiệp.
Một số người cha có thể kiểm soát cảm xúc của mình rất tốt. Họ có thể bỏ hết bao bộn bề, lo toan bên ngoài cánh cửa gia đình, là một người cha vui vẻ, ấm áp, tươi cười khi bước chân vào nhà. Nhưng một số lại khác, họ mang những cảm xúc tiêu cực từ nơi làm việc về nhà, tỏ ra cáu bẳn, bực tức, đổ lỗi vì vợ con mà mình mới phải làm việc vất vả.
Khi con học chưa tốt, họ quát tháo, thậm chí đánh đòn con vì cho rằng con chưa xứng đáng với đồng tiền cha vất vả kiếm được. Người cha kiểu này không chỉ phá hoại không khí gia đình, khiến nhà trở thành "tổ lạnh" mà còn để lại bóng ma tâm lý cho lớn cho con cái. Nhiều đứa trẻ được nuôi dạy bởi những người cha như này khi trưởng thành cũng trở nên cục cằn, thô lỗ, thiếu kiên nhẫn, làm khổ vợ con.
Việc cha uống chút rượu cũng không có gì đáng nói nhưng có những người cha uống với tần suất quá nhiều, uống đến mức say mèm mấy lý trí. Nếu uống rượu xong, về nhà đi ngủ luôn thì không sao. Có những người uống rượu xong là bắt đầu quát tháo, lè nhè, mắng chửi vợ con, thậm chí còn nảy sinh hành vi bạo lực.
Một chàng trai từng chia sẻ trên mạng xã hội về câu chuyện của gia đình mình. Bố anh rất thích uống rượu, mỗi khi uống say là lại chửi mắng vợ con. Sau đó ông bị bệnh gan, vợ con phải chăm lo rất vất vả, tiền trong nhà đều dốc vào mua thuốc men cho bố. Đến giờ anh đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa lấy vợ, dù từng trải qua một vài mối tình vì đằng gái khi đến nhà anh đều tỏ ra ái ngại hoàn cảnh.
Có thể thấy, hành vi nát rượu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người bố mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần, cuộc sống của người con.
Một số người cha cho rằng trách nhiệm của mình chỉ là kiếm tiền, cho con cái một cuộc sống đầy đủ vật chất là được, còn việc dạy dỗ, chăm nom nên để cho người mẹ. Với suy nghĩ ấy, khi về đến nhà, họ không quan tâm đến con cái, chỉ nằm ườn ra bấm điện thoại di động. Khi con nhờ kèm bài tập hoặc rủ bố chơi đồ chơi, đọc sách cho nghe, người cha liền tỏ ra thiếu kiên nhẫn, sốt ruột.
Cả cha và mẹ đều phải có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con, không ai được vắng mặt. Việc cha đổ hết chuyện dạy con cho mẹ sẽ khiến tình cảm cha con xa cách, lạnh nhạt. Không chỉ vậy, trẻ còn có thể hình thành những suy nghĩ, quan niệm sai lầm về trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, bé trai có thể nghĩ rằng, đàn ông không cần nhúng tay vào công việc gia đình, không cần phụ giúp vợ con. Bé gái thì lại cho rằng, phụ nữ phải ôm đồm hết tất cả mọi việc.
Ngoài ra, nếu cha cứ cắm mặt vào điện thoại di động suốt ngày thì con cũng sẽ bắt chước thói quen xấu này. Cha không chịu làm gương thì sao có thể nhắc con buông điện thoại xuống và tập trung học hành?