Nếu “đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”?

Bài viết: Nhi. T Y Hà, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/10/2019

Xã hội văn minh càng phát triển thì vai trò của người phụ nữ càng được tôn trọng hơn trước kia. Đã xa rồi thời phụ nữ không cần học nhiều, không sự nghiệp, lấy chồng sinh con và nội trợ. Trên thực tế, thậm chí có rất nhiều gia đình mà thu nhập của người vợ hơn chồng.

Ngày càng có nhiều phụ nữ học lên Thạc sĩ, tiến sĩ. Và nhiều người trong số họ cũng sẽ ít hy sinh sự nghiệp để dành thời gian cho con cái hơn. Họ sẽ tận dụng sức trẻ để nắm bắt những cơ hội thăng tiến, kiếm nhiều tiền hơn thế hệ trước. Bởi vậy có không ít cặp đôi, gia đình đi ngược lại những quy tắc ngầm của xã hội, khi mà người đàn bà trong mối quan hệ có thu nhập cao, sự nghiệp thành công hơn đàn ông.

Không có luật lệ và quy định nào về chuyện này nhưng từ lâu nay, ở bất kỳ xã hội nào cũng có những chuẩn mực "ngầm" về quan hệ hôn nhân, đôi lứa, rằng người đàn ông thường thành đạt, kiếm được nhiều tiền hơn và sẽ bao bọc, lo lắng cho người phụ nữ cùng các con. Thế nhưng xã hội cũng lại muôn hình vạn dạng và với xu thế phát triển của nó, có những gia đình sẽ "hoạt động" khác với số đông thông thường, hay ít nhất là khác với thế hệ trước đó mà họ từng chứng kiến khi còn nhỏ.

Nếu “đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”? - Ảnh 1.

Một người phụ nữ đi làm 10 tiếng hoặc nhiều hơn một ngày đơn giản là không thể về nhà sớm để lo chuyện cơm nước, dọn dẹp, con cái. Chưa hết, việc phân phối lại vai trò và trách nhiệm trong một gia đình không đơn giản như người ta chỉ cần nói: "Anh đi vứt rác, em sẽ quét nhà". Con người cần nhìn vào niềm tin nhận thức cốt lõi của mình để tự ý thức về hình ảnh người đàn ông/đàn bà trưởng thành mà họ muốn trở thành. Tuy nhiên hình ảnh một anh chồng nhận phần lớn trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ con cái, cơm nước gia đình để chờ vợ đi làm về vẫn thật hiếm hoi, nếu không muốn nói là ngoài sức tưởng tượng ít nhất là ở xã hội Việt Nam. Đó là chưa kể tới việc liệu người phụ nữ thành công, kiếm ra nhiều tiền lúc đó còn cảm thấy hứng thú và tôn trọng chồng của mình?

Những người đàn ông dù kiếm ít tiền hơn, không thành công bằng vợ mình cũng sẽ không thấy vui nếu thiếu vắng bàn tay đàn bà cho ngôi nhà, con cái của họ. Dù rằng không phải người đàn bà thành đạt nào cũng hoàn toàn dành ít thời gian cho gia đình nhưng nếu họ có thể gồng lên để cân đối thành công của cả gia đình lẫn sự nghiệp, thì chẳng phải quá mệt và bất công cho họ hay sao? Lúc ấy thì vị trí người đàn ông là thế nào và có còn ý nghĩa không? Đây chính là lý giải cho nhiều mẫu phụ nữ thành đạt nhưng lại là mẹ đơn thân. Có thể đôi lúc họ vẫn thấy cô đơn nhưng nếu người đàn ông ở bên không thể hiểu cùng họ cân bằng cuộc sống một cách vui vẻ, thì độc thân vẫn là lựa chọn đúng đắn hơn cả.

Nếu “đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”? - Ảnh 2.

Khi được hỏi mẫu bạn đời lý tưởng trong mắt họ thế nào, số đông có lẽ sẽ mong chờ mẫu số chung cho câu trả lời "Đảm đang, tháo vát, chăm lo cho gia đình" từ đàn ông và "Chăm chỉ làm việc, tài chính tốt, có sự nghiệp" từ đàn bà. Bởi vậy theo tâm lý chung, cả hai giới đều sẽ ngại phải thừa nhận người có thu nhập tốt hơn trong mối quan hệ là người phụ nữ. Nếu lên mạng tìm kiếm chủ đề này bằng tiếng Anh, chúng ta cũng nhận được những bài viết hay kết quả tương tự ở các nước phát triển. Đây không đơn giản chỉ là vấn đề bình đẳng giới, mà nó xoáy sâu vào tâm lý và tinh thần của mỗi người nói riêng. Phụ nữ thời nay cần bình đẳng ở nơi công sở, vị trí trong xã hội, chuyện gia đình với người bạn đời nhưng không chắc số đông họ cần cảm giác chiến thắng rằng mình mạnh mẽ hơn người đàn ông của mình. Những chuyên gia tư vấn hôn nhân ở Anh, Mỹ đã đưa ra nhiều bài viết, nghiên cứu về chủ đề này và khẳng định mối quan hệ có thể bất ổn định hơn nếu người phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn người đàn ông.

Nếu “đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”? - Ảnh 3.

Nhưng người đàn ông không có lỗi trong việc kiếm ít tiền hơn bạn đời. Anh học vừa đủ, kiếm được một công việc ổn định vừa đủ và duyên kiếp run rủi cho anh yêu hay kết hôn với một người phụ nữ giỏi giang hay thậm chí giàu có. Thật khó cho anh để sống với kỳ vọng của xã hội rằng đàn ông phải chu toàn được cho người đàn bà của mình, phải gánh vác được gia đình v.v.v Một anh chàng bình thường lấy một cô nàng con nhà giàu cũng đã có thể chịu những điều tiếng khác với việc một cô nàng bình thường lấy một chàng nhà giàu. Và đối với xã hội, đàn ông chi trả phần lớn chi phí trong cuộc sống là chuyện bình thường nhưng nếu đàn bà đóng vai trò ấy, chuyện lại không còn là bình thường nữa. Nói thế mới thấy hai chữ "bình đẳng" đối với giới nào cũng chỉ mang tính tương đối và đôi khi là hên xui mà thôi.

Nếu “đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”? - Ảnh 4.

Tất nhiên vẫn có những gia đình dung hòa được vấn đề này và sống vui vẻ hạnh phúc. Ta luôn có xác suất lớn, nhỏ trong mọi chuyện. Nếu là một trong số này, chúng ta chỉ còn cách duy nhất là phải trao đổi nhau. Mà không chỉ giao tiếp bình thường, phải nói ra những nguyện vọng, những giới hạn riêng mỗi cá nhân rồi từ đó tìm ra một giao điểm chung mà ở đó hai người có thể tạm hài lòng nhận trách nhiệm của mình mà không phải quan tâm tới việc ai kiếm nhiều hơn ai.