Người Đông Á thường ít bị béo phì hơn so với người Phương Tây, có lẽ bởi vì họ ăn nhiều cơm. Trái với trực giác của chúng ta cho rằng cơm là một loại thực phẩm giàu carbohydrate - thứ nhiên liệu sẽ bị phân giải thành đường sau khi vào cơ thể và khiến bạn tăng cân – một số nhà nghiên cứu bây giờ cho biết ăn cơm có thể giúp ngăn ngừa béo phì.
Kết quả được rút ra từ một nghiên cứu mới được trình bày tại Hội nghị Béo phì Châu Âu ở Glasgow, Scotland. Trong đó, các nhà khoa học đã xem xét mức độ tiêu thụ gạo ở 136 quốc gia, số gam mỗi người ăn mỗi ngày và tổng lượng calo mà họ đã nạp vào cơ thể.
Chỉ số BMI cũng được xem xét để đánh giá mức độ béo phì ở các quốc gia. Các yếu tố khác như lối sống và chỉ số kinh tế xã hội đã được loại trừ để đưa ra kết luận.
Nghiên cứu: Ăn nhiều cơm có thể giúp kiểm soát béo phì
Chúng ta biết chế độ ăn low-carb, hạn chế carbohydrate bao gồm cơm gạo, là một chiến lược giảm cân phổ biến ở các nước phát triển. Tuy nhiên, có vẻ như mối liên quan của cơm với béo phì không tuân thủ theo quy luật ấy.
Nghiên cứu trình bày tại Hội nghị Béo phì Châu Âu mới đây chỉ ra một thực tế, những quốc gia tiêu thụ nhiều gạo như Nhật Bản hoặc các nước Châu Á ít bị béo phì hơn so với những quốc gia nơi tiêu thụ ít gạo như Phương Tây.
Ở Anh, mỗi người dân chỉ tiêu thụ 19g gạo mỗi ngày, thấp hơn hàng chục quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế Anh lại là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân mắc béo phì. Các số liệu và mối tương quan tương tự cũng được tìm thấy ở Canada, Tây Ban Nha và Mỹ, nơi người dân chỉ ăn lần lượt 24g, 22g và 19g gạo mỗi ngày.
Trong khi đó, tỷ lệ béo phì ở nhóm các quốc gia tiêu thụ nhiều gạo như Bangladesh (473g/ngày), Lào (443g/ngày), Campuchia (438g/ngày) và Việt Nam (398g/ngày) rất thấp.
"Mối liên hệ được chúng tôi quan sát được cho thấy tỷ lệ béo phì thấp ở các quốc gia ăn cơm như một loại lương thực chính", Giáo sư Tomoko Imai, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Nghệ thuật Tự do ở Kyoto, Nhật Bản, cho biết.
"Vì vậy, một chế độ ăn kiểu Nhật Bản hoặc kiểu Châu Á nói chung - dựa chủ yếu trên cơm gạo -có thể giúp ngăn ngừa béo phì".
Các nhà nghiên cứu tính toán, bằng cách nâng mức tiêu thụ gạo trung bình lên 50g mỗi ngày, thế giới có thể giảm được 1% tỷ lệ dân số béo phì, nghĩa là từ 650 triệu người hiện nay xuống còn 643,5 triệu người.
"Tình trạng béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới, mọi người hãy ăn nhiều cơm hơn để bảo vệ mình và chống béo phì ngay cả ở các nước phương Tây", giáo sư Imai cho biết.
Thế giới có thể học người Châu Á kiểm soát béo phì bằng cách ăn một lượng vừa phải cơm gạo
Đưa ra những lý do có thể giải thích tại sao cơm gạo có thể giúp ích, bà cho biết loại lương thực truyền thống của Châu Á chứa rất ít chất béo. "Gạo cũng có thể còn giữa được chất xơ, chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật khác nếu xát nguyên cám, tất cả có thể làm tăng cảm giác no và ngăn ngừa mọi người ăn quá nhiều".
Các tác giả nghiên cứu kết luận: Các quốc gia ăn nhiều gạo hơn có tỷ lệ béo phì thấp hơn đáng kể, ngay cả khi đã loại trừ biến số nhiễu từ lối sống và các chỉ số kinh tế xã hội.
"Suốt hàng thế kỷ, chúng ta đã biết rằng người dân Phương Đông có xu hướng gầy hơn người Phương Tây vì gạo là loại thực phẩm chính của họ, nhưng ít chuyên gia béo phì nào có thể giải thích lý do tại sao", Tam Fry, Chủ tịch Diễn đàn Béo phì Quốc gia Anh nhận định.
"Nghiên cứu tiên phong này là nghiên cứu đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng chúng ta có thể kiểm soát béo phì bằng cách ăn một lượng vừa phải cơm gạo".
Tham khảo Bloomberg, Medicalxpress