Đúng hẹn, cứ mỗi thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La) lại nhộn nhịp phiên chợ mang đậm bản sắc vùng cao. Các gian hàng tại đây được dựng nên từ những chiếc lán nhỏ làm bằng tre, nứa, mộc mạc giữa vườn mận nên thơ.
Ngoài 42 gian hàng với đa dạng sản vật đặc trưng của bà con đồng bào Mông, như thịt trâu gác bếp, măng muối chua, măng sấy khô, các loại rau, củ, quả, công cụ sản xuất, sản phẩm thổ cẩm và trang phục dân tộc... Chợ phiên Chiềng Đi 2 còn thu hút du khách bởi tiếng chày giã bánh rộn ràng, những trò chơi dân gian cùng tiếng khèn Mông gọi bạn vang vọng núi rừng.
Chị Lê Thị Lệ, du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Với chúng tôi, đến vùng cao thì đặc trưng nhất là những phiên chợ. Vậy nên chúng tôi rất háo hức, cả đoàn dậy từ sớm để đi chợ phiên. Người dân ở đây chân chất, thật thà, tôi và các bạn của mình rất vui khi đến đây".
Du khách đến tham quan, trải nghiệm ngày một nhiều, nên những chợ phiên như thế này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân bản địa thông qua việc tiêu thụ nông sản, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đồng thời, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào địa phương.
Ông Sồng A Nhà - Bí thư chi bộ bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ cho hay: "Tất cả các mặt hàng đều được sản xuất tại địa phương, do chính bàn tay đồng bào Mông làm ra. Bản đã giao cho mọi người làm theo vụ mùa để có hàng hóa bày bán, giới thiệu tại chợ phiên".
Khác với không khí náo nhiệt của chợ phiên, thác Nàng Tiên ở xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ lại đem đến cho du khách một cảm giác bình yên, thư thái, khi được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và rất đỗi nên thơ của vùng cao Tây Bắc. Ba tầng thác Nàng Tiên được bao bọc bởi thảm thực vật nguyên sinh, với lớp rêu xanh và cây dương xỉ vươn mình từ khe đá. Từ đỉnh thác, dòng nước chảy xuống mặt hồ tựa như dải lụa trắng thả mình mềm mại và nổi bật giữa đại ngàn. Làn nước mát lạnh, trong vắt, xanh màu ngọc bích vô cùng ấn tượng... Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, một vẻ đẹp tựa như nàng tiên đang say giấc.
Nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, huyện cửa ngõ Vân Hồ còn được biết đến với nhiều nét đẹp riêng có. Nếu như vào mùa xuân, Vân Hồ khoác lên mình sắc trắng tinh khôi của hoa mận, bạt ngàn nương cải cùng sắc hồng quyến rũ của cánh đào rừng; thì khi vào hạ, lại hấp dẫn bởi dòng nước mát lạnh của thác Nàng Tiên (Chiềng Khoa), thác Tạt Nàng (xã Chiềng Yên)...
Vân Hồ còn được biết đến là “xứ sở sương mù”, bởi dù là mùa nào trong năm, du khách cũng có thể thưởng thức “đặc sản” mây mù lãng đãng trôi, trong chốc lát có thể phủ kín cảnh vật. Vùng đất này cũng lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa như: di tích cấp quốc gia Hang mộ Tạng Mè (xã Suối Bàng), đền Hang Miếng (xã Quang Minh), đền Nàng Bẳng Mương (xã Chiềng Khoa), Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ... Cùng với đó, là sắc màu văn hóa đa dạng ở các bản du lịch cộng đồng của dân tộc Mông ở Hua Tạt, dân tộc Dao ở Nà Bai, dân tộc Thái ở Phụ Mẫu...
Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: "Ngoài nguồn đầu tư của nhà nước, chúng tôi cũng thực hiện xã hội hóa, giao cho các tổ chức, cá nhân đầu tư và khai thác các công trình di tích, danh lam thắng cảnh để phục vụ du lịch. Từ đầu năm đến nay, huyện đón trên 80.000 lượt khách, doanh thu trên 12 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với bà con phát huy những giá trị truyền thống, hỗ trợ phục dựng lại các lễ hội, gắn với trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ... để thu hút du khách, góp phần đa dạng hóa thêm các sản phẩm du lịch của huyện".
Nét đẹp thiên nhiên, sắc màu văn hóa, cùng bàn tay cần cù, sáng tạo của bà con vùng cao đã điểm tô cho bức tranh du lịch Vân Hồ, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua trong hành trình về miền Tây Bắc.