Nestlé Việt Nam phản hồi về việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Dinh dưỡng trên các sản phẩm MILO

Thuý Hạnh, Theo An ninh Tiền tệ 23:15 16/05/2025
Chia sẻ

Nestlé MILO đang đối mặt với nghi ngờ liên quan đến việc sử dụng kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng trong truyền thông sản phẩm, buộc doanh nghiệp phải lên tiếng làm rõ tính hợp pháp và minh bạch của các thông tin đã công bố.

Nestlé Việt Nam phản hồi về việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Dinh dưỡng trên các sản phẩm MILO- Ảnh 1.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vừa lên tiếng về việc sử dụng kết quả nghiên cứ của Viện Dinh Dưỡng trong truyền thông sản phẩm Nestlé MILO.

Theo đó, Nestlé Việt Nam cho rằng các sản phẩm của Nestlé đều đảm bảo tuân thủ đúng theo các quy định liên quan về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Nestlé Việt Nam cho biết, trong năm 2022-2023, Viện Dinh Dưỡng đã hợp tác với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam để triển khai đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nghiên cứu hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với việc sử dụng sản phẩm Nestlé MILO đối với tình trạng dinh dưỡng, sức mạnh thể chất và trí lực của trẻ em tại Việt Nam.

Nghiên cứu được thực hiện theo Quyết định số 1016/QĐ-VDD năm 2022 của Viện Dinh Dưỡng về việc phê duyệt đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở, và “Chứng nhận chấp thuận của Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu y sinh” số 545/VDD-QLKH. Nghiên cứu đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ cấp cơ sở vào năm 2023 theo Quyết định số 400/QĐ – VDD do viện trưởng ký sau khi hoàn tất nghiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở theo Quyết định số 486/QĐ – VDD.

Một trong những nội dung chính của nghiên cứu là đánh giá việc sử dụng sản phẩm Nestlé MILO kết hợp với chương trình thể chất theo giáo án góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, sức mạnh thể chất và trí lực cho trẻ em sau 3 tháng tham gia, đặc biệt là trẻ có yếu tố nguy cơ khó khăn về khả năng phát triển vận động.

"Kết quả nghiên cứu của Nestlé MILO và Viện Dinh Dưỡng là dữ liệu khoa học được kiểm định nghiêm ngặt, khách quan, tuân thủ các yêu cầu của nghiên cứu khoa học.

Với mong muốn đem lại thông tin chính xác và khách quan đến người tiêu dùng, các kết quả nghiên cứu đã được Nestlé MILO xem xét để truyền thông đến công chúng", văn bản của Nestlé Việt Nam nêu.

Nestlé cho rằng việc truyền thông kết quả nghiên cứu do Viện Dinh Dưỡng thực hiện là tuân thủ các quy định liên quan. Lý do công ty này đưa ra là vì "quy định về việc các nội dung có liên quan đến công dụng của sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa trua lúa mạch Nestlé MILO không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định tại Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và cũng không thuộc trường hợp bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo".

Nestlé Việt Nam phản hồi về việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Dinh dưỡng trên các sản phẩm MILO- Ảnh 2.

Trước đó, ngày 21/4/2025, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản số 368 gửi Nestlé Việt Nam về việc “rà soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong truyền thông”, trong đó nêu rõ yêu cầu “Công ty kiểm tra, rà soát các nội dụng truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm, nếu có bất lỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định nêu trên, đề nghị gỡ bỏ ngay nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cho cộng đồng”.

Sau văn bản của Viện Dinh dưỡng, Nestlé Việt Nam cũng đã có văn bản số 23 ngày 24/4/2025 trả lời Viện Dinh dưỡng, trong đó cam kết “ngay lập tức tiến hành rà soát lại các hoạt động quảng cáo đang thực hiện, đồng thời sẽ nhắc nhở các đối tác để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành”.

Theo Luật sư Vũ Quang Vượng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), căn cứ theo Điều 7, Nghị định 15/2018 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, mọi nội dung quảng cáo thực phẩm phải trung thực, chính xác, không gây hiểu nhầm, đặc biệt không được sử dụng tên, hình ảnh, uy tín của cơ sở y tế, cán bộ y tế để quảng cáo sản phẩm nếu không được phép.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 của Nghị định này cũng quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày