Trẻ em không phải "công cụ" quảng cáo
Trước đó, Báo Giáo dục và Thời đại đã có bài viết phản ánh về việc sản phẩm sữa Milo đóng hộp uống liền của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nestlé Việt Nam) lấy Viện Dinh dưỡng đưa vào quảng cáo có đảm bảo quy định pháp luật? Bên cạnh đó, Viện Dinh dưỡng có những căn cứ khoa học ra sao về kiểm nghiệm lâm sàng đối với sản phẩm này?
Được biết, năm 2022-2023, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”. Sản phẩm dùng trong thử nghiệm được công ty tự công bố sản phẩm năm 2020 tại Chi cục thực phẩm Đồng Nai (nay là Phòng An toàn thực phẩm – Sở Y tế Đồng Nai).
Ngày 14/5, Bà Phạm Thị Thuý Lệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Yên, Ninh Bình xác nhận là có cuộc thử nghiệm nêu trên đối với một số học sinh của trường.
Ngày 15/5, ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, liên quan đến sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo, sở đang tiến hành kiểm tra và sẽ có thông tin cụ thể trên website của Sở Y tế Đồng Nai.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Đoàn luật sư TPHCM nhìn nhận, học sinh tiểu học là người chưa thành niên, thuộc nhóm đối tượng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương và chịu sự bảo vệ đặc biệt của pháp luật.
Theo Luật Trẻ em 2016, mọi hoạt động liên quan đến trẻ em phải đảm bảo quyền được bảo vệ về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và đặc biệt là quyền được tham gia một cách tự nguyện, có sự đồng thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.
Luật sư cũng lưu ý thêm, với mục đích và tính chất thương mại của nghiên cứu, mặc dù được giới thiệu là nghiên cứu khoa học, nhưng việc sử dụng kết quả nghiên cứu để quảng cáo sản phẩm có mục tiêu thương mại có thể bị xem là lạm dụng nghiên cứu khoa học cho mục đích tiếp thị trá hình.
“Trẻ em không phải công cụ marketing, càng không phải “chuột bạch” cho các chiến dịch tiếp thị trá hình đội lốt nghiên cứu khoa học.
Trong một xã hội văn minh, trẻ em phải được bảo vệ, không bị lợi dụng vì bất kỳ lý do nào, đặc biệt là để phục vụ mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc này không chỉ cần lên án, mà cần phải được xem xét theo quy định pháp luật để làm gương, bảo vệ trẻ em và giữ vững chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu và quảng cáo”, chuyên gia pháp lý nêu quan điểm.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh), việc tên Viện Dinh dưỡng – một cơ quan y tế uy tín trực thuộc Bộ Y tế xuất hiện trong quảng cáo sản phẩm thương mại như sữa Milo dễ khiến người tiêu dùng hiểu rằng sản phẩm đã được Bộ Y tế hoặc cơ quan chuyên môn xác nhận, chứng nhận hoặc khuyến nghị sử dụng.
Trong bối cảnh người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, thường đặt niềm tin cao vào các tổ chức y tế, việc xuất hiện tên viện trong quảng cáo có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai sản phẩm có giá trị dinh dưỡng vượt trội hoặc có tác dụng y học đặc biệt, trong khi thực tế không có thẩm định nào khẳng định như vậy.
“Ngay cả khi Viện Dinh dưỡng thực hiện thử nghiệm khoa học trên sản phẩm, việc trích dẫn hoặc gắn tên Viện Dinh dưỡng vào quảng cáo mà không giải thích rõ ràng hoặc khiến người dân hiểu sai về mức độ chứng nhận đều tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quy định pháp luật và đạo đức truyền thông”, Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà nhìn nhận, việc đưa hình ảnh Viện Dinh dưỡng cùng với các thông tin như "được kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng trên học sinh" là hành vi dễ khiến người dân hiểu rằng sản phẩm đã được Bộ Y tế hoặc đơn vị quản lý Nhà nước xác nhận hiệu quả hoặc khuyến nghị sử dụng. Trong khi trên thực tế, không phải bất kỳ nghiên cứu nào cũng được tiến hành tại cơ sở y tế đều mang tính khuyến nghị hay có giá trị quảng bá.
Chịu trách nhiệm liên đới nếu quảng cáo không đúng sự thật
Tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 9, Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm để công tác quản lý, kiểm soát đối với nội dung và hoạt động quảng cáo được chặt chẽ.
Viện Dinh dưỡng xuất hiện trên sản phẩm sữa Milo của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam
Một vấn đề nữa đại biểu nêu, qua các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện vừa qua cho thấy, các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả.
“Vậy, việc yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, KOLS có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hoá liệu có thực sự khả thi?, đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị, cần quy định rõ hơn trong luật cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người truyền tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng. Có thể bổ sung thêm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai.
“Các quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo tính trung thực trong hoạt động quảng cáo. Người nổi tiếng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo để tránh các hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Nếu người nổi tiếng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định hợp lý, dựa trên giấy tờ, hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp, thì thông thường họ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối, mà chủ doanh nghiệp/sản xuất sẽ chịu trách nhiệm chính”, đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.
Cũng liên quan vấn đề trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề cập việc quảng cáo trên nền tảng số có sự tham gia của người nổi tiếng và đề nghị sửa luật lần này cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo tính răn đe, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Bên cạnh đó cần bổ sung, rà soát các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, pháp lý của người có ảnh hưởng. Bà Huỳnh Thị Phúc cho rằng, có cơ chế quản lý riêng với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng là cần thiết vì họ làm việc trong các cơ quan tổ chức, khi họ quảng cáo sai sự thật thì cơ quan tổ chức đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ.
“Về quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, việc quản lý quảng cáo với nhóm sản phẩm này phải đặt trong mối liên hệ bảo vệ sức khỏe cộng đồng với an toàn xã hội, tránh lợi dụng kẽ hở của pháp luật để quảng cáo sai lệch, nhất là trên các nền tảng truyền thông mới theo hướng căn cứ theo hợp đồng quảng cáo để tính tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính”.