Trận đấu quyết định giữa Đội tuyển Việt Nam và Yemen diễn ra vào 23h tối nay (16/1) hiện đang được rất nhiều người dân mong ngóng vì đây là cơ hội mở ra cánh cửa lọt vào vòng 1/8 của đất nước ta tại Asian Cup 2019. Chính nhờ trận đấu này mà nhiều người bắt đầu để ý tìm hiểu về quốc gia nằm ở Tây Á đang chìm trong khói lửa nội chiến này.
Từ năm 2015 tới nay, cuộc khủng hoảng chính trị ở Yemen bùng phát thành nội chiến giữa chính phủ Hadi và phiến quân Houthi, nhấn chìm quốc gia vốn đã nghèo nhất Trung Đông. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có tới 21 trong tổng số 27,5 triệu dân Yemen cần hỗ trợ nhân đạo. Và một trong những nạn nhân vô tội chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất phải kể đến những đứa trẻ. Trẻ em Yemen đang sống tại một nơi tệ hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất này, khi các em phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nặng và có thể tử vong bất cứ lúc nào. Không được đi học, những đứa trẻ này cũng mất trắng tuổi thơ và cả một tương lai tươi sáng phía trước.
Học sinh Yemen giờ chỉ còn có thể chơi đùa trong đống đổ nát của trường học.
Học sinh Yemen giờ chỉ còn có thể chơi đùa trong đống đổ nát của trường học. Theo Quỹ bảo trợ trẻ em Liên Hợp Quốc (UNICEF), ít nhất 2 triệu trẻ em Yemen không được học hành, và hơn 3000 trường học phải ngừng hoạt động vì bị hư hại. Mặc dù tại một số khu vực, trường học vẫn hoạt động, nhưng công việc dạy học chịu nhiều ảnh hưởng do quá tải và giáo viên thường xuyên đình công do nợ lương. Nhiều phụ huynh không dám cho con đến trường vì lo sợ đến tính mạng của con em mình.
“Nếu thế hệ hiện tại thất học, hậu quả lâu dài sẽ là một thế hệ khác kéo dài vòng xoáy bạo lực” – báo cáo tháng 11/2016 của UNICEF cho biết. Hệ quả là “cả một thế hệ trẻ có nguy cơ mất đi tương lai” – phát ngôn viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Yemen, Shabia Mantoo nhận xét.
Roua là một trong hàng trăm nghìn trẻ em Yemen phải nghỉ học kể từ khi chiến sự leo thang
Vào đầu năm 2019, đàm phán hòa giải giữa chính quyền Sanaa do Arab Saudi hậu thuẫn và phiến quân Houthi rơi vào bế tắc, dập tắt tia hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng triệu trẻ em Yemen đang sống trong cảnh đói khát, thiếu thốn và thất học.
Dưới đây là những con số biết nói khiến cả thế giới xót xa cho nền giáo dục và tương lai của hàng triệu đứa trẻ tại đất nước lớn thứ nhì Nam bán đảo Ả Rập này:
1. Mỗi ngày có khoảng 2 triệu trẻ em Yemen phải chịu cảnh bơ vơ thất học vì lý do thiếu thốn cơ sở vật chất, trường học bị phá huỷ hay quá nguy hiểm để đến trường.
2. Giao tranh nội chiến khiến hơn 3000 trường học Yemen phải đóng cửa, trong đó có 1.640 trường ngừng hoạt động, 1.470 trường bị phá hủy, hư hại và nhiều trường khác bị chuyển thành trại tạm cư hoặc đồn trú của các tay súng.
3. Từ 3/2015 đến nay, UNICEF thống kê có 212 vụ tấn công trực tiếp nhằm vào các trường học, trong đó nhiều vụ không kích gây thiệt mạng học sinh. Học sinh có thể bị mất mạng ngay trên đường tới trường, hoặc bị trúng bom khi đang ngồi trong lớp học.
4. Những trẻ nghỉ học dễ trở thành con mồi của những kẻ cực đoan – phe đang chiếm ưu thế trong cuộc xung đột tại Yemen và đã củng cố kiểm soát tại nhiều phần đất phía Nam và Đông. Theo UNHCR (Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn) đã có khoảng 1500 trẻ em được tuyển mộ cầm súng, hầu hết bởi quân Houthi.
5. UNICEF ước tính phải cần ít nhất 34 triệu USD (gần 800 tỷ VNĐ) để vực lại nền giáo dục của Yemen, trong đó bao gồm việc xây dựng lại các trường học, đào tạo giáo viên, cung cấp sách vở và đồ dùng cho học sinh.
6. Trong khoảng từ năm 1999–2013 khi chưa xảy ra nội chiến, giáo dục Yemen đang ở trong giai đoạn phát triển vô cùng mạnh mẽ và đột phá. Con số học sinh được phổ cập giáo dục tăng từ 71,3% lên đến 97,5% sau rất nhiều nỗ lực đầu tư của chính phủ. Tuy nhiên con số này đã giảm xuống chỉ còn 1/3 ngay sau khi chiến tranh diễn ra, theo tổng kết từ trang The World Bank.
7. Tháng 7/2015, UNICEF đã kết hợp với Bộ giáo dục tại Yemen để đào tạo đặc biệt 50 giáo viên/ nhân viên xã hội với mục đích giúp các học sinh bị sang chấn tâm lý do chiến tranh gây nên. Nhiều học sinh sau khi trường học bị đánh bom rơi vào tình trạng sợ sệt và hoảng loạn, luôn ám ảnh về các đợt không kích.
Những lớp học tạm bợ nhằm níu giữ chút kiến thức cho thế hệ tương lai
Một cậu bé ngồi giữa đống đổ nát - hoang tàn như chính tương lai của bản thân