Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp, ngày 18/5 đã trở thành ngày tháng 5 nóng nhất từ trước tới nay. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục tại nhiều địa phương, đặc biệt ở phía Đông và Tây Nam nước Pháp, như tại các thành phố Toulouse là 33,4 độ C, Montélimar là 33,8 độ C hay Le Cap Ferret lên đến 35 độ C.
Các chuyên gia nhận định, nước Pháp đang trải qua một mùa Xuân với thời tiết bất thường, khi nắng nóng đến sớm hơn, nhiệt độ tăng cao, kéo dài và diễn ra trên rộng. Ngày 18/5 cũng là ngày thứ 37 liên tiếp, nhiệt độ đo được luôn cao hơn mức trung bình hàng năm.
Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp, tình trạng thời tiết hiện nay chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt nắng nóng đang diễn ra tại Bắc Phi và nhất là vấn đề biến đổi khí hậu kéo theo sự sự nóng lên của Trái Đất. Không chỉ nước Pháp, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới cũng đang trải qua đợt nóng chưa từng có như tại Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay khu vực Mỹ Latin.
Nắng nóng sớm kéo dài đang dẫn tới tình trạng khô hạn, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Pháp. Theo các số liệu thống kê, lượng mưa tại Pháp trong tháng 4/2022 đã giảm 25% và có nguy cơ kéo dài sang tháng 5, gây thiếu hụt lượng nước tích trữ dùng để tưới tiêu cho các cánh đồng lúa mì. Trong khi đó, giai đoạn tháng 5 và tháng 6 hàng năm được coi là quan trọng nhất đối với sự phát triển của cây lúa mì.
Bộ Nông nghiệp Pháp mới đây đã cảnh báo sản lượng lúa mì tại Pháp vụ mùa tới đây có thể giảm 10% năng suất, thậm chí là 40% nếu thời tiết khô hạn kéo dài trong cả tháng 6/2022.
Theo ông Cédric Burg, Tổng giám đốc công ty lương thực Moulins Viron của Pháp, giá lúa mì tăng gần như gấp đôi kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và xu hướng tăng này dự kiến sẽ còn kéo dài.
“Giá lúa mì leo thang đến từ rất nhiều nguyên nhân, nhất là điều kiện khí hậu trong giai đoạn hiện nay không thực sự thuận lợi. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ tuyên bố hạn chế xuất khẩu đã đẩy giá lúa mì lên cao mức đỉnh điểm 430 euro như hiện nay”, ông Cédric Burg nói.
Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (Insee) dự báo chi phí sản xuất nông nghiệp tại Pháp sẽ tăng 27%, riêng sản xuất ngũ cốc có thể tăng đến 70% và tiếp tục góp phần đẩy giá lương thực leo thang.