Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh là hai ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc, là niềm mơ ước của biết bao thế hệ học sinh. Mỗi năm, trường Đại học Thanh Hoa chỉ tuyển khoảng 3.500 sinh viên, trong đó chỉ có khoảng 1.000 thí sinh được tuyển thẳng. Điều kiện tuyển thẳng vô cùng khắt khe, cơ hội dành cho các thí sinh lại càng hiếm hoi. Vậy mà, một "học bá" đến từ Hồ Bắc (Trung Quốc) đã dũng cảm từ chối suất học thẳng vào ngôi trường danh giá này. Điều gì khiến cậu nam sinh ấy đưa ra một quyết định táo bạo như vậy?
Nam sinh đó là Hạ Duy Nghệ. Ngay từ khi bước chân vào cấp ba, cậu đã nổi tiếng là một học bá "vừa học vừa chơi". Nam sinh họ Hạ có thể dành cả ngày để học tập.
Chuyện Hạ Duy Nghệ mải học quên ăn quên ngủ xảy ra như cơm bữa. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phải nhắc nhở cậu ăn uống điều độ. Chính sự kiên trì và tinh thần ham học hỏi ấy đã giúp Hạ Duy Nghệ luôn đạt thành tích học tập xuất sắc.
Trong kỳ thi tuyển sinh cấp ba, Hạ Duy Nghệ đã bộc lộ năng lực học tập vượt trội khi đạt điểm xuất sắc ở tất cả các môn và đỗ vào ngôi trường chất lượng cao.
Suốt những năm tháng cấp ba, thành tích của Hạ Duy Nghệ luôn đứng đầu lớp, khiến bạn bè vô cùng nể phục. Dần dần, nam sinh trở tự tin, bản lĩnh. Đối với bố mẹ, Hạ Duy Nghệ là một đứa con ngoan ngoãn và luôn cầu tiến.
Trong vấn đề học tập, bố mẹ Hạ Duy Nghệ luôn tôn trọng ý kiến của con. Họ luôn tâm niệm không can thiệp quá sâu vào việc học của con mà để con tự do phát triển. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Hạ Duy Nghệ trở thành học bá "con nhà người ta" trong mắt mọi người.
Còn trong mắt thầy cô, Hạ Duy Nghệ là một cậu học trò "khó nhằn". Cứ mỗi lần tan học là cậu lại đến hỏi bài. Thậm chí, cậu còn thường xuyên tranh luận với giáo viên về cách giải bài tập.
Nhờ có thành tích học tập xuất sắc, Hạ Duy Nghệ giành được cơ hội tuyển thẳng vào khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa. Đây là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nhưng trái với suy nghĩ của số đông, nam sinh này từ chối được tuyển thẳng.
Bất chấp những lời khuyên nhủ của thầy cô, Hạ Duy Nghệ vẫn kiên quyết với quyết định của mình. Nam sinh tuyên bố: "Em không muốn học Vật lý. Em muốn học kinh tế!".
Hạ Duy Nghệ hiểu rằng ngôi trường cậu theo học rất quan trọng, nhưng ngành học còn quan trọng hơn. Cậu biết mình muốn gì, cần phải làm gì để hiện thực hóa giấc mơ của bản thân.
Quyết định từ bỏ suất học thẳng của Hạ Duy Nghệ khiến nhiều người hoài nghi. Có người nhận xét cậu còn quá trẻ và bồng bột.
Ngày 7/6/2013, Hạ Duy Nghệ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học như nhiều thí sinh khác. Sáng ngày 23/6/2013, điểm thi đại học của tỉnh Hồ Bắc được công bố. Kết quả là nam sinh đạt 689 điểm, thủ khoa của tỉnh năm đó! Tin vui nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Gia đình Hạ Duy Nghệ nhận được vô số lời chúc mừng từ bạn bè, người thân.
Lúc này, tất cả mọi người phải thừa nhận cậu bé này đã có quyết định đúng đắn. Với số điểm này, cậu có thể tự chọn chuyên ngành mình yêu thích.
Tháng 9/2013, Hạ Duy Nghệ chính thức trở thành tân sinh viên trường Đại học Thanh Hoa. Cánh cổng đại học danh giá đã mở ra, chào đón cậu bằng chính năng lực, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân. Bước chân vào giảng đường đại học, Hạ Duy Nghệ vẫn giữ thói quen chăm chỉ, khiêm tốn, ham học hỏi.
Đến năm ba đại học, với thành tích học tập xuất sắc, Hạ Duy Nghệ được nhà trường cử đi du học trao đổi tại Đại học Wisconsin (Mỹ).
Trải qua quá trình học tập và rèn luyện tại nước ngoài, Hạ Duy Nghệ ngày càng trưởng thành và chín chắn hơn. Cậu vẫn luôn kiên định với mục tiêu và lý tưởng của bản thân.
Năm 2017, Hạ Duy Nghệ tốt nghiệp trường Đại học Thanh Hoa. Bỏ qua những lời mời chào hấp dẫn từ các tập đoàn lớn, Hạ Duy Nghệ quyết định không đi du học hay học lên thạc sĩ như bạn bè đồng trang lứa.
Thay vào đó, cậu muốn vận dụng những kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian đi học để tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Sau khi tốt nghiệp, Hạ Duy Nghệ lựa chọn làm việc trong lĩnh vực kinh tế tại một tập đoàn lớn ở Hồng Kông (Trung Quốc). Giờ đây, Hạ Duy Nghệ vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp, tỏa sáng theo cách riêng của mình.
Hạ Duy Nghệ từ một cậu học sinh trung học luôn kiên trì bảo vệ chính kiến, từ chối suất học thẳng đã chứng minh năng lực của bản thân. Mỗi bước đi của cậu đều in dấu sự dũng cảm, dám nghĩ dám làm.
Theo Sohu