"Mốc", "Cậu Vàng" là cái tên thân thuộc mà gia đình và tập thể lớp 12 Lý 1 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dùng để gọi Đinh Anh Dũng, chàng trai sinh năm 1999 vừa giành HCV Vật lý châu Á 2017. Nam sinh là thí sinh xuất sắc giúp Việt Nam ghi tên vào bảng thành tích cao sau 1 năm vắng bóng HCV ở môn thi này.
Trở về từ thành phố lạnh gia Yakutsk (thuộc CHLB Nga), Anh Dũng đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi. Niềm vui sướng vẫn còn hiện rõ trên nét mặt thông minh của chàng trai trường Ams.
Anh Dũng chia sẻ: "Mình khá vui vì lần thi này đã mang thành tích cao về cho đất nước. Sự chào đón nồng nhiệt của gia đình và bạn bè đã là món quà lớn nhất đối với mình rồi. Có một điều khá thú vị đó là mọi người ở Việt Nam biết kết quả thi còn trước bọn mình ở Nga. Lúc mới biết tin, không hiểu sao mình thấy hoang mang, rồi sau đó mới vỡ òa hạnh phúc".
HCV kỳ thi khoa học trẻ quốc tế IJSO 2014
Giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý lớp 12
HCV kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2017
Đinh Anh Dũng hạnh phúc khi là học sinh duy nhất của đoàn Việt Nam đoạt HCV Olympic Vật lý châu Á.
Từng làm qua rất nhiều dạng bài và tham khảo đề thi Olympic qua nhiều năm để chuẩn bị cho cuộc thi lần này, Anh Dũng nhận định đề Vật lý năm nay khó nhất trong tất cả mọi năm. Vì vậy, thí sinh chỉ cần đạt 26/50 điểm là đã được HCV.
"Mình và các bạn đều thấy đề năm nay vừa khó lại vừa dài. Đề thực hành có một bài nhưng phải làm đến 5 tiếng. Thí sinh phải trả lời rất nhiều ý và vẽ rất nhiều đồ thị. Còn đề thực hành có 3 bài và cũng phải làm trong 5 tiếng và thậm chí người làm còn phải trả lời nhiều ý hơn", Anh Dũng nhận xét.
Bài thực hành chàng trai trường Ams làm khá ổn, được 9/10 phần của đề. Còn bài lý thuyết có một số chỗ cậu bị mắc, mất khá nhiều thời gian, không làm hết được nên chỉ hoàn thành được 7/10 yêu cầu của đề. Anh Dũng được 27,5 điểm chung cuộc.
9X đã cố gắng hết sức để hoàn thành đề thi vừa dài vừa khó.
Theo Anh Dũng, sự khác biệt lớn nhất giữa một đề thi Vật lý ở trường và đề thi tìm kiếm học sinh giỏi châu Á nằm ở chỗ: "Đề kiểm tra ở lớp không có nhiều tính ứng dụng, thường là những dạng bài lặp đi lặp lại rồi thay đổi số liệu. Còn đề thi Olympic dựa trên những vấn đề nóng trong giới khoa học, ví dụ: rác thải vũ trụ. Những đề thi kiểu như vậy không phải cứ 1-2 tháng là nghĩ ra được nên thường không được áp dụng trong các kỳ kiểm tra thông thường".
9X nhận được tin báo kết quả của mình và cả đội khi đang nghỉ trong khách sạn. Cậu bạn được mẹ và chị gái báo tin qua mạng nhưng do sóng ở Yakutsk rất yếu nên tin được, tin không dẫn đến tâm lý hoang mang. Đó là lý do vì sao Anh Dũng lại cảm thấy lo lắng trước khi vỡ òa vì biết mình đã cầm chắc chiếc HCV Vật lý châu Á năm nay.
"Lúc đó mình quá bất ngờ, cũng chả kịp chia sẻ với ai cả, chỉ kịp nhắn tin cảm ơn mọi người vì đã gửi lời chúc mừng qua messenger mà thôi", 9X nói gương mặt vẫn khấp khởi vui.
Kỳ thi chọn đội tuyển đi quốc tế của trường kết thúc vào cuối tháng 3 thì cũng là lúc Anh Dũng và các bạn bắt đầu dồn sức ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi Olympic Vật lý tại Nga. Tất cả gói gọn trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, các học sinh đã được chuẩn tâm lý từ 3 đến 4 tháng trước vì đề thi chọn đội tuyển của trường đã khó tương đương đề quốc tế.
Anh Dũng chỉ có 1 tháng để ôn luyện chuẩn bị cho kì thi Vật lý châu Á.
Năm nay, trường Ams có hai đại diện tham dự Olympic Vật lý châu Á, gồm Đinh Anh Dũng và Nguyễn Đình Bách (cùng lớp với Dũng), nhưng Bách chỉ nhận được bằng khen từ BTC.
Ngoài Bách, Phan Tuấn Linh (học sinh lớp 12, THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An) cũng không giữ vững phong độ. Vì lý do thời tiết, Linh chảy máu mũi suốt 2 ngày liên tục và không hoàn thành được bài thi.
Anh Dũng không để những yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến mình. 9X chia sẻ: "Theo mình biết thì bạn ấy có chảy máu mũi nhưng ảnh hưởng đến việc làm bài thi là ít, và bạn ấy cũng đã làm hết sức có thể. Bọn mình cũng có hỗ trợ giấy và thuốc men cho bạn ấy trước và sau khi thi cũng như khi ở khách sạn. Ở Yakutsk có hệ thống sưởi ở khắp nơi nên trong khách sạn và nơi thi khá ấm, hầu như không ảnh hưởng đến năng suất của ai cả".
"Việc đến thành phố lạnh nhất thế giới để thi không hẳn là một thử thách, trái lại nó là một trải nghiệm rất tuyệt vời cho các bạn học sinh khắp nơi, đặc biệt là với những bạn trẻ sống ở những nơi chưa từng có tuyết như Việt Nam. Mình đã tranh thủ tận hưởng cái lạnh trước khi đối mặt với những mùa hè như lò nướng ở Hà Nội", chàng trai hài hước nói thêm.
Anh Dũng sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là giảng viên trường Đại học Mỏ - Địa chất. Bố Anh Dũng dạy môn Điện nên từ nhỏ, cậu bạn đã được tiếp xúc với rất nhiều đồ điện tử. Niềm đam mê với các môn Khoa học Tự nhiên lớn dần trong chàng trai hiếu động, ham học hỏi từ đầu năm cấp 2, sau một thời gian dài cậu theo dõi các kênh về khoa học như Discovery và National Geographic Channel.
Năm lớp 9, Anh Dũng định thi chuyên Hóa, nhưng mẹ khuyên cậu vẫn nên học Lý. Kỳ thi vào cấp 3, cậu bạn đậu cả 2 trường top của Hà Nội là chuyên Lý của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với số điểm gần như tuyệt đối 9.75 và chuyên Hóa KHTN.
Anh Dũng học giỏi đều các môn, đặc biệt là Khoa học Tự nhiên.
"Mình đã bắt đầu học theo chuyên Lý. Trong quá trình học, mình biết thêm rất nhiều hiện tượng mới và càng cảm thấy tò mò", 9X nói.
Suốt 3 năm học tại ngôi trường điểm, Anh Dũng là niềm tự hào của bạn bè, thầy cô. Trước khi giành HCV Olympic Vật lý châu Á, cậu bạn đã xuất sắc đoạt HCV tại kì thi Olympic khoa học trẻ quốc tế (IJSO) được tổ chức tại Argentina với điểm số rất cao. Năm ấy, Anh Dũng mới vào lớp 10.
Thành tích cao tại IJSO 2014 đã tạo cho Anh Dũng động lực để tiếp tục học tập, nỗ lực vươn lên dẫn đầu lớp với bảng điểm hoàn hảo. 9X vinh dự trở thành học sinh hai lần nhận được nhận học bổng Odon Vallet vào năm 2015, 2016. Ngoài Vật lý, Anh Dũng còn học giỏi Toán, Hoá học và cả tiếng Anh. Cậu bạn thi ACT (American College Testing) được 35/36 điểm, một thành tích rất cao.
Anh Dũng khiêm tốn nhìn lại quá trình học tập với nhiều thành tích cao đã qua. Câu bộc bạch: "Thật ra kỳ vọng ban đầu của mình và bố mẹ thực ra không có gì to tát. Mình nỗ lực học với suy nghĩ chỉ cần kiếm được việc làm là vui rồi. Mình thấy có những anh, bạn, em học giỏi hơn mình rất nhiều. Bản thân không nghĩ sẽ đi xa được đến như thế này".
Chủ nhân của chiếc HCV chia sẻ kinh nghiệm học tất cả môn Tự nhiên: "Thường thì mình học trên lớp và đôi khi học hỏi ở các bạn. Nếu nói về tài liệu tham khảo thì theo mình, các bạn nên tìm đọc sách trên mạng, nhất là các sách của nước ngoài (đặc biệt là những sách của các trường ĐH lớn như MIT), vì sách của họ (trích lời Bách - người giúp em tìm đọc một số tư liệu nước ngoài) có những bài rất sáng tạo và thậm chí truyền đạt được cả tư tưởng của người viết sách".
Tấm HCV lần này sẽ là nguồn động viên to lớn cho cậu học trò hiếu học trong hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức tương lai.
Nói về Anh Dũng mà quên rằng cậu cũng là một "cao thủ" chơi game thì quả là thiếu sót lớn. Sau giờ học, cậu thường giải trí bằng những trò game trí tuệ, trò nào càng hại não với người khác thì càng bổ não với cậu bạn. Tình yêu lớn với game thể hiện ngay trên Facebook cá nhân của chàng trai 18 tuổi, ảnh chân dung chỉ có 1 tấm nhưng ảnh trong game thì... vô vàn.
Hiện tại, Anh Dũng và 4 học sinh khác đang tích cực ôn tập để chuẩn bị bước vào kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế sẽ được tổ chức ở Indonesia vào tháng 7 tới. Sau khi hoàn thành mục tiêu lớn này, cậu bạn sang Singapore (hoặc có thể HongKong) để học Đại học. Tiêu chí chọn trường của chàng trai Việt tài năng này là khả năng đào tạo sinh viên của trường và khả năng chi trả học phí của mình.
Anh Dũng là cậu học trò khiêm tốn, vui tính, thật thà.
9X đề cao vai trò của việc tiếp thu bài giảng trên lớp và học từ bạn bè.
Anh Dũng thích đọc sách được viết bởi các GS nổi tiếng nước ngoài vì có những bài rất sáng tạo và thậm chí truyền đạt được cả tư tưởng của người viết sách.
Phần thưởng cho những nỗ lực của Anh Dũng là chiếc HCV sáng chói.
Cậu bạn tạm xếp niềm vui hiện tại lại để phấn đấu cho những chiếc huy chương lấp lánh trong kỳ thi quốc tế sắp đến.
Anh Dũng sẽ rời Việt Nam du học để theo đuổi niềm đam mê tri thức và tình yêu với các môn Khoa học Tự nhiên.