Nam sinh 20 tuổi ngón tay sưng đỏ, chân đi khập khiễng vì bệnh gút do nhiều thói xấu của người trẻ

Mỹ Diệu, Theo Trí thức trẻ 14:05 20/04/2023
Chia sẻ

Đối tượng mắc bệnh gút ngày càng trẻ hóa, thậm chí có những bệnh nhân chỉ mới học cấp 3 đã phải đối mặt với các cơn đau "thấu xương" do nó gây ra. Nguyên nhân gây bệnh phần nhiều xuất phát từ các thói quen thường ngày của nhiều người.

Ngày 20/4 hàng năm được đặt là "Ngày bệnh gút thế giới". Trước đây, bệnh nhân tăng axit uric máu và bệnh gút chủ yếu là người trung niên trên 40, 50 tuổi. Hiện nay xu hướng người trẻ tuổi mắc bệnh này ngày càng cao, có cả sinh viên đại học ở độ tuổi 20, 30, thậm chí là học cấp 3.

Tiểu Vương (20 tuổi, Trung Quốc), một chàng trai khôi ngô, khập khiễng đến phòng khám cùng với mẹ của mình vào ngày hôm đó. Bác sĩ hỏi kỹ bệnh sử, Tiểu Vương là sinh viên của một trường đại học ở Thượng Hải, trong những ngày nghỉ, cậu hoàn toàn buông thả, cắm trại, nướng thịt, ca hát, khiêu vũ cùng bạn bè. Một ngày trước khi đến gặp bác sĩ, Tiểu Vương đã ăn một món lẩu hải sản tự chọn, vào sáng sớm ngày hôm sau, ngón tay cái bên trái của cậu đột nhiên sưng đỏ, chân đau đến mức không thể chạm đất. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe, cậu đi khám thì bác sĩ nghi ngờ Tiểu Vương mắc bệnh gút - căn bệnh mà cậu không bao giờ ngờ rằng mình có thể gặp phải sớm như vậy.

Nam sinh 20 tuổi ngón tay sưng đỏ, chân đi khập khiễng vì bệnh gút do nhiều thói xấu của người trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sohu

Bác sĩ đã yêu cầu Tiểu Vương xét nghiệm axit uric và creatinine trong máu, đồng thời siêu âm thận và khớp B. Kết quả là axit uric cao tới 706umol/L, và creatinine trong máu cũng tăng lên 158umol/L (giá trị bình thường 50 -110umol/L). Siêu âm B ở bàn chân trái cho thấy dấu hiệu rõ ràng của sự lắng đọng axit uric.

Dựa theo các kết quả này, Tiểu Vương được chẩn đoán mắc bệnh gút, không chỉ gây ra viêm khớp do gút mà còn gây tổn thương cho thận, chức năng lọc của cầu thận cũng suy giảm, cần phải nhập viện càng sớm càng tốt.

Sau khi nhập viện, bác sĩ hỏi thêm về tiền sử bệnh, tuy trông Tiểu Vương không béo nhưng lại là một tín đồ cuồng nước ngọt có ga. Khi còn học trung học, cậu phải chịu rất nhiều áp lực, niềm vui khi mỗi lần uống một chai nước ngọt khiến cậu cảm thấy thư thái, về sau, cậu hình thành thói quen uống nước ngọt như nước lọc mỗi ngày. Trong lần khám sức khỏe cách đây vài năm, axit uric được phát hiện là 480umol/L, nhưng do không có triệu chứng nên không tái khám.

Cuối cùng, bệnh của Tiểu Vương được chẩn đoán là viêm khớp thống phong, bệnh thận urat cấp tính. Sau khi điều trị, bệnh đau khớp của Xiaowen đã thuyên giảm, tổn thương thận cấp tính về cơ bản đã hồi phục, creatinine huyết thanh giảm từ 158umol/L xuống 92umol/L. Sau điều trị hạ axit uric, axit uric cũng được kiểm soát trong khoảng 320-350umol/L. Tuy nhiên, ngoài việc cải thiện lối sống và thói quen ăn uống, cậu cũng phải tạm biệt thói quen xấu uống nước có ngọt ga - loại nước chứa nhiều đường fructose, không chỉ thúc đẩy quá trình sản sinh axit uric mà còn ức chế quá trình bài tiết axit uric, có thể gây tăng axit uric máu và thậm chí là bệnh gút.

Tiểu Vương không phải trường hợp duy nhất!

Không ít bệnh nhân như Tiểu Vương mắc bệnh gút từ khi còn trẻ, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya, lười vận động, ăn uống quá độ, nạp nhiều đường fructose và đồ uống có ga đã khiến bệnh nhân mắc bệnh gút ngày càng trẻ hóa. Dễ thấy ở các phòng khám ngoại trú, bệnh nhân gút nhỏ tuổi nhất chỉ mới 15 tuổi.

Lấy đơn cử như đất nước tỉ dân Trung Quốc, những năm gần đây, chứng tăng axit uric máu ở quốc gia này có xu hướng tăng rõ rệt và ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ chung là 13,3%, số bệnh nhân khoảng 177 triệu người, cao thứ 4 sau đường huyết và tăng mỡ máu. Theo thống kê, bệnh nhân tăng axit uric máu trẻ tuổi và bệnh gút ở độ tuổi 18-35 ở Trung Quốc chiếm tới 60% số bệnh nhân ngoại trú.

Bệnh gút không xa lạ

Tăng axit uric máu là cơ sở của bệnh gút, khi axit uric lắng đọng ở các khớp và gây ra hiện tượng viêm tương ứng, tổn thương xương khớp thì bệnh gút xảy ra, còn gọi là viêm khớp thống phong. Mỗi cơn gút cấp là sự kích hoạt trạng thái viêm của cơ thể, phản ứng viêm sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, các cơn gút tái phát sẽ gây tổn thương mô không hồi phục.

Axit uric cao không chỉ gây viêm khớp gút mà còn hình thành cục tophi ở khớp và dưới da, gây biến dạng khớp, nhiễm trùng nặng thậm chí phải cắt cụt chi. Ngoài ra, nếu các tinh thể urat lắng đọng trong ống thận và kẽ thận cũng có thể gây ra bệnh thận urat cấp tính và bệnh thận urat mãn tính, ảnh hưởng đến chức năng cô đặc và pha loãng của thận và chức năng lọc của cầu thận, cuối cùng gây ra urat cấp tính và mãn tính. Khi các tinh thể urat lắng đọng ở thận, các tinh thể này tập trung tăng dần lên sẽ dễ hình thành sỏi thận urat, khi sỏi thận to ra hoặc làm tắc nghẽn niệu quản sẽ gây ra hiện tượng tiểu máu đại thể kèm theo đau dữ dội, trường hợp nặng sẽ gây thận ứ nước và niệu quản giãn ra, suy thận xảy ra. Tinh thể urat cũng có thể lắng đọng trong tim, mạch máu, tuyến tụy và các cơ quan khác gây ra các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và các bệnh khác.

Quan điểm hiện nay cho rằng ranh giới giữa tăng axit uric máu và bệnh gút ngày càng mờ nhạt, mặc dù nhiều bệnh nhân tăng axit uric máu không lên cơn gút nhưng thực chất các tinh thể urat đã lắng đọng tại khớp mà không ai để ý khiến khớp và xương bị tổn thương.

Nam sinh 20 tuổi ngón tay sưng đỏ, chân đi khập khiễng vì bệnh gút do nhiều thói xấu của người trẻ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Sina

5 thói quen xấu gây bệnh gút cần tránh

Những thói quen xấu thường ngày có thể chính là nguyên nhân gây ra bệnh gút, bạn nên tránh chúng càng nhiều càng tốt.

1. Thích ăn thực phẩm giàu đạm

Khi cơ thể tích trữ quá nhiều chất đạm sẽ khiến nồng độ axit uric máu tăng cao, không có đủ thời gian để đào thải chúng ra khỏi cơ thể, từ đó sẽ gây ra bệnh gút.

Thịt, nội tạng động vật, hải sản... là những thực phẩm giàu đạm mà bạn cần tránh ăn quá nhiều, quá thường xuyên để không gây ra bệnh gút.

2. Thường xuyên uống bia rượu

Bia rượu và các đồ uống có cồn mang lại nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, và bệnh gút cũng là một trong những hệ lụy đó. Thực tế, ethanol có trong rượu bia thúc đẩy sự chuyển đổi các nucleotide adenine và làm tăng axit uric. 

Bên cạnh đó, quá trình oxy hóa ethanol cũng làm tăng nồng độ axit lactic trong máu, khiến cho axit uric máu tăng và tinh thể urat kết tủa.

3. Tập thể dục cường độ cao một cách đột ngột

Tập thể dục tốt cho sức khỏe, điều này ai cũng nắm được. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi bạn duy trì một chế độ tập luyện thường xuyên với cường độ phù hợp, việc đột nhiên tăng cường độ tập luyện lên mức cao, đặc biệt là ở những người không thích vận động, xương khớp có thể đã tích tụ tinh thể urat ở một mức độ nhất định, sẽ khiến bạn bị đau mỏi khắp người, vô tình "châm ngòi" cho bệnh gút tiềm ẩn lâu nay tấn công bằng một trận đau cấp tính.

4. Làm việc quá sức

Căng thẳng, mệt mỏi có thể là nguyên nhân gây bệnh gút. Điều này là bởi việc làm việc quá sức sẽ khiến sức đề kháng của cơ thể yếu dần đi, các triệu chứng viêm trong cơ thể sớm phát sinh và tấn công bạn bất cứ lúc nào.

5. Thói quen nhịn tiểu

Axit uric được thận trực tiếp bài tiết theo đường nước tiểu. Do đó, việc nhịn tiểu sẽ vô tình kéo dài thời gian axit uric có trong nước tiểu được giữ lại trong cơ thể con người, gây ra tình trạng "hấp thụ ngược" và lắng đọng tại khớp gây ra cơn đau gút. 

Nguồn: QQ, Bản tin buổi tối Thượng Hải

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày