Năm học 2019 - 2020: Lễ khai giảng ra sao sau tâm thư “không thả bóng bay”?

Quang Anh, Theo Gia đình và Xã hội 08:16 03/08/2019

Trước thềm năm học mới, nữ sinh Nguyễn Nguyệt Linh (năm nay học lớp 6, Trường Marie Curie, Hà Nội) đã có bức thư gửi hiệu trưởng nhà trường và một số trường khác về thông điệp "Không thả bóng bay trong lễ khai giảng" nhằm bảo vệ môi trường.

Năm học 2019 - 2020: Lễ khai giảng ra sao sau tâm thư “không thả bóng bay”? - Ảnh 1.

Nhiều trường học tại Hà Nội cho biết, lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 sắp tới sẽ không có màn thả bóng bay. Ảnh minh họa: Q.Anh

Bức tâm thư lay động lòng người

Nhân dịp trước ngày khai giảng, em Nguyễn Nguyệt Linh học sinh lớp 5M2 Trường Marie Curie (Hà Nội) năm nay lên lớp 6 của trường đã gửi bức thư cho thầy Hiệu trưởng đề nghị nhà trường hạn chế hoặc không thả bóng bay vào ngày khai giảng. Trong thư, nữ sinh Nguyệt Linh viết: "Khi thả bóng bay lên thì các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển, những chú rùa biển sẽ bị nhầm với sứa". Trước đó, Nguyệt Linh cũng đã tự mình làm những video kêu gọi mọi người giảm tối đa việc sử dụng rác thải nhựa.

Đáp lại lời kiến nghị của cô học trò, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie nơi nữ sinh Nguyệt Linh đang theo học đã có thư phúc đáp như lời nhắn nhủ: "Chắc chắn thầy và tất cả các thầy cô Trường Marie Curie ủng hộ triệt để đề nghị của con. Lễ khai giảng sắp đến, sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều". Thầy Khang đã quyết định đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019-2020 là "Lễ khai giảng Nguyệt Linh".

Bức thư của Nguyệt Linh cùng lời hưởng ứng của người thầy Hiệu trưởng nhanh chóng được lan truyền như một lời kêu gọi về ý thức bảo vệ môi trường. Hiện tại, không chỉ có Trường Marie Curie, tại Hà Nội cũng có thêm nhiều trường phổ thông công lập, tư thục cũng đã có thư gửi Nguyệt Linh, hoặc đồng tình ủng hộ kiến nghị này của em. Đồng thời, các trường cũng đều khẳng định, sẽ không thả bóng bay hoặc hạn chế sử dụng bóng bay trong ngày khai giảng.

Không chỉ các nhà trường ủng hộ, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã vừa gửi thư đến nữ sinh Nguyệt Linh về đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới. Việc không thả bóng bay đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa… "Bác hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng lớn hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu từ hành động nhỏ của con", Bộ trưởng Trần Hồng Hà viết.

Lễ khai giảng cần thân thiện, ý nghĩa hơn

Năm học 2019 - 2020: Lễ khai giảng ra sao sau tâm thư “không thả bóng bay”? - Ảnh 2.

Bức thư khen ngợi của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi nữ sinh Nguyễn Nguyệt Linh.

Không chỉ mang thông điệp về bảo vệ môi trường, bức thư của nữ sinh Nguyệt Linh còn được đón nhận như một dịp cùng nhìn lại về buổi lễ sắp tới, khi mà chỉ còn 1 tháng nữa thôi là diễn ra, song vẫn còn nhiều điều cần bàn tới, bởi khai giảng năm học mới những năm qua vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Đó là sự rườm rà trong tổ chức, nhiều trường bắt học sinh tập dượt quá nhiều về các tiết mục biểu diễn, một số nơi bắt học sinh ngồi cả giờ ngoài nắng nóng chỉ để nghe báo cáo thành tích, diễn văn dài lê thê, đại biểu phát biểu dài dòng…

Chia sẻ về lễ khai giảng sắp tới của con, phụ huynh Nguyễn Hương Dung (Khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Ngày 1/8 các con đã tập trung rồi, nên đi học cả tháng mới diễn ra khai giảng tôi thấy học sinh không hồi hộp đón nhận và mong ngày khai giảng như trước đây nghỉ trọn 3 tháng hè nên gặp lại bạn bè, thầy cô ai cũng thích thú chờ mong. Bây giờ, có điều kiện nên các con không phải ngồi nắng nữa mà hầu như các trường đều có dù lớn che nắng. Đã bớt đi các phần rườm rà, song tôi thấy khai giảng vẫn còn diễn ra thiếu sinh động, đa số vẫn là các kịch bản cũ, dẫn đến học sinh trừ lớp mới vào, còn lại hầu như không hào hứng lắm".

"Một số trường mua bóng bay ôxy để giao cho học sinh hoặc phụ huynh mua ngoài cổng trường tôi thấy cũng là lãng phí, các cháu chơi nghịch chẳng may làm nổ, hay tuột bay lên trời… gây mất trật tự và tiềm ẩn nguy hiểm nữa. Ngay cả việc học sinh mỗi em phải mua hoa, cờ để vẫy chào, xong rồi vứt bừa bãi ngoài sân trường cũng là hết sức tốn kém. Khai giảng ở thành phố còn bày vẽ chương trình đắt tiền như thuê mướn loa đài, sân khấu, mời cả đoàn xiếc về biểu diễn nữa… trong khi ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, học sinh đi học còn lo thiếu thốn về sách vở, quần áo… chi bằng tiết kiệm phần nào được thì nên tiết kiệm, để học sinh ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng cao", phụ huynh Lê Hải Yến (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay.

Chia sẻ với báo chí về bức thư của nữ sinh Nguyệt Linh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, rất ấn tượng và xúc động khi đọc bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh. Bộ GD&ĐT hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng xuất sắc, thiết thực của em Nguyệt Linh và mong muốn có thêm nhiều hơn nữa những ý tưởng bảo vệ môi trường, góp ý cho lễ khai giảng được sinh động, thiết thực và ý nghĩa hơn. Bộ sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần đổi mới lễ khai giảng trong dịp khai giảng tới đây, để ngày khai giảng thực sự là ngày vui, ngày hội đến trường của mỗi học sinh và mỗi thầy cô giáo, trong đó nhấn mạnh các hoạt động vì môi trường.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Lễ Khai giảng những năm gần đây bao gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn, tránh rườm rà nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước… Phần Hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng. Lễ khai giảng được tổ chức trang trọng, nhưng không được rườm rà ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh. Bộ GD&ĐT cho biết, sắp tới sẽ có hướng dẫn cụ thể gửi các trường, các địa phương về việc tổ chức khai giảng năm học mới 2019 - 2020, trong đó nhấn mạnh các hoạt động vì môi trường.