Ở nhiều nước phương tây, hay gần hơn là các nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, văn hóa xếp hàng đã là hành động quá đỗi quen thuộc. Dù chỉ mua đồ ăn, chứ chưa nói tới mua quần áo giày dép, xa hơn nữa là đồ điện tử, họ cũng không ai bảo ai, xếp hàng ngay ngắn theo lề lối. Đáng tiếc ở nước ta, thói quen vốn dĩ rất tốt này, lại chưa được hình thành và nhân rộng.
Ấy vậy mà, đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, chỉ khoảng hơn một năm trở lại đây, giới trẻ Việt không chỉ biết đuổi theo những trào lưu làm đẹp hay thời trang, mà họ còn theo cả trào lưu xếp hàng. Nhờ đâu? Nhờ sự có mặt của hàng loạt sự kiện thời trang lớn nhỏ. Vậy nên nếu giờ có ai nói rằng, thời trang chỉ là thứ phù phiếm, vốn chẳng giúp ích được gì cho xã hội hiện đại, thì có lẽ cần xem lại rồi.
Phát súng mở màn, xin được dành cho Zara...
Zara - đại diện tiêu biểu của lứa thời trang nhanh (fast fashion) nói chung và của nhà Inditex nói riêng, thực ra đã rất quen mặt với nhiều bạn trẻ, thậm trí từ trước khi họ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên ở đất nước hình chữ S. Sau bao ngày dền dứ, nhử fan với hàng loạt tin đồn lớn nhỏ, cuối cùng Zara cũng chịu mở cánh cổng đầu tiên với các tín đồ thời trang Việt Nam tại TTTM Vincom Center Đồng Khởi, Tp.HCM.
Ngày Zara khai trương cũng là ngày cả Sài Thành mắt tròn mắt dẹt thấy già trẻ lớn bé, ai nấy đều nép mình gọn gẽ trong những hàng dài tít tắp. Sải bước vào bên trong, dân tình lại một lần nữa bất ngờ khi thấy thêm một đoàn người trật tự xếp hàng chờ thanh toán, không chen lấn, không la hét ồn ào. Người Việt xếp hàng chỉn chu để đi mua đồ, điều hiếm thấy như nhật thực cuối cùng cũng xảy ra.
Mà cái điều lạ lùng ấy, nào chỉ xảy đến một lần. Trong không khí nô nức như đi trẩy hội vào ngày Zara giảm giá đồng loạt đến 50%, người ta vẫn cần mẫn xếp hàng, có người đứng chờ tới 3 tiếng đồng hồ để tới lượt mua đồ. Cám cảnh chợ vỡ năm nào đã không còn xảy ra nữa...
Tiếp tới, xin được tặng vài tràng pháo tay cho H&M
Thói đời thú vị ở chỗ: Zara cứ mở ở đâu, H&M ngay lập tức sẽ đóng quân tại đó. Và năm 2017 này, các fan của thương hiệu Thụy Điển đã được dịp thỏa mãn với 2 buổi khai trương rầm rộ, tại cả ở Tp.HCM lẫn thủ đô Hà Nội. Mở cửa vào một ngày nắng nóng đầu tháng 9, chẳng ai nghĩ, H&M sẽ thực sự "vỡ trận" ở Sài Thành.
Vậy mà, thực tế lại chẳng hề như chúng ta nghĩ. Thông báo mở cửa vào 11h sáng nhưng từ 7h sáng, đoàn người xếp hàng đã dài tít tắp. Thậm chí, có người còn cẩn thận tới từ 10h đêm hôm trước, chuẩn bị sẵn sàng cho lần mục sở thị store đầu tiên của H&M. Cứ thế cứ thế, hàng người cứ ngày một dài thêm, dài như giấc mơ chẳng bao giờ có hồi kết thúc. Thậm chí đi tới bên trong, hết quầy thanh toán cho tới khu thử đồ, người ta cũng nghiêm chỉnh đứng chờ nhau, như tuân thủ luật lệ một cách đúng nhất.
Rồi khi người ta vẫn còn đang chưa tỉnh cơn mê ở Sài Gòn, H&M tiếp tục "chơi lớn", mở luôn store tại Hà Nội chỉ ngay 2 tháng sau đó. Và một lần nữa, người ta lại ngả mũ bái phục trước thành tích của H&M Hà Nội. Hơn 13,000 lượt khách, không chỉ trẻ mà có cả già, cứ đến rồi đi nhưng không quên xếp hàng ngay ngắn từ đêm hôm trước cho tới tận tối muộn ngày khai trương.
Bỗng chốc, người ta phải đặt một câu hỏi: Là H&M có sức ảnh hưởng quá lớn hay thực sự, thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt đã tự động thay đổi?
Và cuối cùng, xin dành tặng lời khen ngợi cho Sole Ex 2017
Không kém cạnh những sự kiện khai trương của Zara hay H&M, Sole Ex 2017 cũng là một sự kiện thú vị dành cho sneakerhead và các con chiên ngoan đạo của đế chế streetwear. Nói một cách hoa mỹ và cẩn thận, Sole Ex giống như sân chơi, nơi mọi tín đồ thời trang trẻ tới giao lưu, học hỏi, là cơ hội cho họ săn được những món đồ LE với giá đặc biệt. Còn nếu chỉ hiểu nôm na và đơn thuần, Sole Ex giống như hội chợ bán đồ, cùng lắm họ có thêm chương trình đấu giá mới mẻ. Nhưng điểm khác nhau của Sole Ex với những "hội chợ" đơn thuần là gì? Xin thưa, là hình ảnh hơn 1000 bạn trẻ xếp hàng dài ngay ngắn từ sáng sớm, giữa cái tiết trời đầu đông lạnh như muốn cứa da thịt.
Có lẽ, số lần người ta thấy giới trẻ xếp hàng đi những sự kiện thế này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quen thuộc nhất vẫn là hình ảnh hỗn độn, họ chen lấn xô đẩy, nhiều khi là giẫm đạp lên nhau, chỉ để mua được tấm áo hay chiếc quần vừa ý. Vậy mà, cách tổ chức quy củ của Sole Ex đã khiến mọi thứ thay đổi. Dù bạn có là ai, dù bạn có dùng bao nhiêu đồ LE trên người, bạn vẫn phải xếp hàng chờ đợi, vẫn phải đi qua cổng an ninh để đội ngũ nhân viên rà soát cẩn thận.
Tạm kết
Như đã nói ở trên, xếp hàng đi mua sắm có lẽ vẫn là vấn nạn muôn thuở ở Việt Nam, nơi mà thứ văn hóa này vẫn chưa được nhân rộng. Nhưng chỉ nhờ những sự kiện thời trang, tuy chưa nhiều, nhưng đủ sức lan tỏa này, sự nề nếp và chỉn chu bắt đầu đi sâu vào tiềm thức các tín đồ nước nhà. Thôi thì, better late than never - muộn còn hơn không.
"WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.
Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.
Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoiceAwards 2017 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.
Hãy truy cập Wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2017.