Có một sự thật không mới nhưng luôn đúng: Trẻ con không chỉ cần giỏi Toán, giỏi Văn mà còn cần biết cách nói lời tử tế, biết cách xử lý cảm xúc và hòa nhập với thế giới xung quanh. Nói cách khác, EQ (trí tuệ cảm xúc) và IQ (trí tuệ logic) đều quan trọng như nhau như hai cánh của cùng một chiếc máy bay mang con đến tương lai.
Nhưng làm sao để cả EQ lẫn IQ đều "nở rộ"? Câu trả lời đôi khi không nằm ở việc nhồi thêm sách vở, mà là ở môi trường sống và trải nghiệm hàng ngày. Dưới đây là 5 "bãi đáp" lý tưởng, nơi con có thể cất cánh với cả đầu óc sắc bén lẫn trái tim tinh tế.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng trẻ cần được tiếp xúc với mâu thuẫn để học cách… bình tĩnh giữa sóng gió. Đó có thể là mâu thuẫn nhỏ khi tranh giành đồ chơi với bạn, cãi nhau vì thứ tự chơi cầu trượt hay đơn giản là "Con không chịu ăn rau!". Vấn đề không nằm ở việc ngăn xung đột, mà là cách người lớn phản ứng. Nếu bố mẹ chỉ cần bước tới, hỏi "Chuyện gì xảy ra? Con cảm thấy thế nào?", rồi cùng con tìm cách giải quyết, con sẽ học được kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc và ra quyết định – những nền tảng cực quan trọng của EQ.
IQ cũng không bị bỏ quên trong môi trường này. Khi trẻ học cách lý luận: "Con lấy trước", "Không, tớ đã chờ lâu hơn", đó là logic. Khi trẻ đưa ra giải pháp: "Hay là mình chơi chung?", đó là sáng tạo. Đơn giản vậy thôi, IQ và EQ cùng được rèn chỉ từ một lần cãi nhau công viên.
Nơi có đủ ông bà, bố mẹ và các anh chị em họ chính là một "trường học sống" cho con. Khi chơi với ông bà, con học cách lắng nghe, nhường nhịn và thấu hiểu sự khác biệt về tuổi tác, phát triển sự đồng cảm (một chỉ số cốt lõi của EQ). Khi chơi với anh chị lớn hơn, con học cách quan sát, bắt chước và cố gắng bắt kịp, từ đó IQ được kích thích tự nhiên.
Đặc biệt, trẻ thường hay đặt những câu hỏi "trên trời rơi xuống" khi nói chuyện với ông bà: "Ngày xưa không có wifi, ông làm gì?" hay "Bà ơi, sao ngày xưa người ta không biết trái đất tròn?". Những câu hỏi ấy chính là dấu hiệu não bộ đang hoạt động, tư duy phản biện đang nảy mầm. EQ giúp con muốn tìm hiểu, IQ giúp con xử lý thông tin. Một combo quá hời!
Đừng ngại cho con lấm lem bùn đất, trèo cây, nhặt sỏi hay ngắm mây bay. Thiên nhiên là người thầy vĩ đại nhất, giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, tò mò và khám phá. Đây chính là những yếu tố thúc đẩy IQ. Khi con nhìn thấy một đàn kiến tha mồi, đó là cơ hội để con học về tổ chức xã hội. Khi con đặt câu hỏi "Tại sao lá cây lại xanh?", đó là lúc logic được khơi mở.
EQ cũng "ăn ké" môi trường này rất giỏi. Trẻ em tiếp xúc với thiên nhiên thường bình tĩnh hơn, ít cáu gắt hơn và có khả năng phục hồi cảm xúc tốt hơn. Những khoảnh khắc ngồi lặng ngắm hoàng hôn, lắng nghe tiếng mưa rơi hay cảm nhận gió thổi qua má sẽ dạy con biết trân trọng hiện tại và lắng nghe chính mình.
Nếu IQ là một thanh kiếm sắc, thì EQ chính là cách bạn dùng nó bằng cách chọn hướng tấn công hay bảo vệ. Môi trường làm việc nhóm chính là nơi trẻ học cách sử dụng cả hai. Ở đó, con buộc phải lắng nghe người khác, trình bày ý kiến, thuyết phục, nhường nhịn và đôi khi… chấp nhận mình sai.
Trong một nhóm, bạn sẽ thấy một đứa trẻ lặng lẽ ghi chép, một đứa khác nói thao thao bất tuyệt, một đứa cố kết nối mọi người lại. Mỗi vai trò đều cần kỹ năng và sự nhạy bén. Trẻ nào càng được tiếp xúc với những nhóm đa dạng khác tuổi, khác tính cách thì khả năng thích nghi xã hội và xử lý tình huống càng mạnh. Đó là cách EQ và IQ "rèn trong lửa đỏ, thử trong gian nan".
Một đứa trẻ có quyền chọn quần áo mình mặc, chọn sách mình đọc, chọn lớp học thêm mình thích... sẽ lớn lên với cảm giác mình có giá trị và có quyền quyết định . Điều đó nuôi dưỡng sự tự tin - nền tảng cốt lõi của EQ, đồng thời thúc đẩy não bộ logic đưa ra lựa chọn hợp lý, thứ được coi là nền tảng của IQ.
Dĩ nhiên, tự do phải đi kèm giới hạn. Trẻ có thể chọn ăn gì trong số 3 món mẹ nấu, nhưng không phải muốn ăn bánh kem thay cơm là được. Vấn đề là cho con cơ hội được suy nghĩ, cân nhắc và chịu trách nhiệm với lựa chọn. Khi trẻ chọn lớp học coding thay vì học múa chỉ vì "con thấy cái này giúp con làm robot cho em chơi", IQ đang nhảy múa rồi.
EQ và IQ không phải là hai đường đua tách biệt. Chúng đan xen, bổ trợ và cùng nhau xây dựng một con người toàn diện. Điều tuyệt vời là chúng ta không cần phải ép con học thêm 10 lớp kỹ năng mềm hay mua thêm sách luyện trí nhớ. Chỉ cần ném con vào đúng môi trường , để con được trải nghiệm thật, sống thật và cảm thật , mọi chỉ số sẽ tự động bật lên như một phản ứng dây chuyền. Đôi khi, việc làm tốt nhất của người lớn là… lùi lại một bước và để thế giới dạy con theo cách của nó.