Chắc rằng không ít bậc cha mẹ đã đang và sẽ phải đối mặt với sự can thiệp thái quá của người thân trong việc nuôi dạy đứa con do chính mình sinh ra...
Tôi đã từng nghĩ, việc cho con đi nhà trẻ sẽ giúp mình nhẹ gánh hơn. Nhưng không ngờ, từ ngày bé Bi vào lớp mầm non, cuộc sống của tôi lại chìm trong những cuộc điện thoại phàn nàn từ giáo viên, những lời dị nghị của phụ huynh khác, và trên hết - là sự "quan tâm" đến nghẹt thở từ bà nội bé Bi.
Mẹ chồng tôi luôn tự cho mình quyền được kiểm soát mọi thứ liên quan đến cháu đích tôn. Bà không chỉ đưa đón cháu dù tôi đã nhờ cô giáo từ chối, mà còn thường xuyên đột ngột ghé lớp giữa giờ để kiểm tra xem cô có cho cháu ăn đúng giờ không.
Trường có camera nhưng về cơ bản là chỉ xem trực tuyến, trừ những khi có vấn đề phát sinh thì nhà trường mới trích suất lại. Thế nhưng hở chút là mẹ chồng tôi lại yêu cầu xem camera. Chỉ cần đi học về, bà thấy trên người cháu có vết xước nhỏ thôi cũng đùng đùng đòi xem lại camera cho bằng được, dù chỉ là do cháu tự cào khi ngứa.
Nhà trường nào cũng có quy định nghiêm ngặt về chuyện ăn uống nhưng mẹ chồng tôi thường xuyên tự ý mang đồ ăn vặt vào lớp dù nhà trẻ cấm, rồi lớn tiếng làm ầm ĩ trường lớp lên khi cô nhắc nhở.
Lần tệ nhất là khi bà tố cáo cô giáo đánh cháu chỉ vì thấy bé khóc khi đến lớp. Dù camera ghi rõ cảnh cô ân cần dỗ dành, bà vẫn khăng khăng: "Camera có thể chỉnh được, tôi tin vào mắt mình!" .
Các cô giáo dần dần ngại tiếp xúc bé Bi, sợ bị quy chụp vô cớ. Họ chỉ làm nhiệm vụ tối thiểu, không dám gần gũi cháu như những đứa trẻ khác.
Con tôi trở nên nhút nhát, mỗi lần bà nội xuất hiện ở cổng trường là lại bám lấy cô giáo sợ hãi.
Cứ thế trong mắt nhà trường và phụ huynh khác thì gia đình tôi là gia đình tai quái, lúc nào cũng chỉ biết đến bản thân, coi con cháu mình là vàng là bạc nên chẳng ai muốn dây vào. Họ thì thầm: "Gia đình đó khó tính lắm, tránh xa ra" .
Tôi biết mình cần đặt giới hạn với mẹ chồng nhưng mẹ chồng tôi đã đến cái ngưỡng "tuổi này khó bảo" nên đúng là tôi cũng không muốn dây vào bà thật.
Tôi sợ bị gán mác "con dâu bất hiếu". Bà luôn dùng áp lực gia đình: "Mày không thương con mày à? Để người ngoài hành hạ nó thì được à?" .
Đấy là chưa nói ông Chồng gi gỉ gì gi cái gì cũng mẹ của tôi luôn lựa chọn im lặng khi có mẫu thuẫn nảy sinh. Anh chỉ thở dài: "Mẹ già rồi, em chịu khó nhẫn nhịn bà đi" .
Cuối cùng thì người Tội nghiệp nhất là con tôi. Tôi sợ nếu xung đột, bé Bi sẽ thành "con tin" trong cuộc chiến này.
Sau nhiều đêm mất ngủ, tôi quyết định hành động.
Đầu tiên, tôi nói chuyện riêng với hiệu trưởng. Tôi xin lỗi và đề nghị nhà trường chỉ trao đổi thông tin về bé với tôi hoặc chồng, không tiếp nhận yêu cầu từ bà nội.
Tiếp đó, tôi phải ngồi nói chuyện nghiêm túc và diễn giải cho cho hiểu về vấn đề nếu bố mẹ không can thiệp thì bà sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến con mình. Tôi giải thích rõ tác hại với con, may mắn là anh đồng ý nói với mẹ: "Từ nay mẹ không được tự ý đến trường cháu nữa" .
Tôi bắt buộc phải lựa chọn chuyển trường cho con ở xa nhà hơn 1 chút, mỗi sáng vợ chồng cố gắng dậy sớm hơn đưa con đi học để hạn chế tối đa việc bà cứ rảnh rỗi lại đi bộ ra trường cháu.
Cuối cùng, theo lười khuyên của bác hàng xóm, tôi đăng ký cho bà lớp học trồng và chăm sóc các loại sen đá, cây lá mọng với hy vọng bà bớt tập trung vào cháu.
Sau khi tôi kiên quyết, mẹ chồng tuy vẫn giận nhưng ít sang trường hơn. Còn bé Bi? Cháu đã bắt đầu cười đùa vui vẻ trở lại khi không còn áp lực "bị giám sát" mỗi ngày.
May mắn là với sự kết hợp của nhiều biện pháp, giờ con tôi đã được yên ổn ở lớp học, không bị bà can thiệp nhiều như trước nữa.
Nuôi con trong thời hiện đại đã khó, nuôi con dưới "bóng ma" can thiệp của người già còn khó gấp bội. Nhưng xin hãy nhớ: "Là mẹ, bạn có quyền quyết định điều tốt nhất cho con" . Đừng để sự sợ hãi hay áp lực gia đình khiến đứa trẻ phải chịu thiệt thòi.