Thuý Ngân (29 tuổi) đã cùng chồng mua 1 căn nhà cũ vào cuối năm 2020. Diện tích sàn căn nhà là 42m2, diện tích sử dụng 102m2 bao gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lửng và 1 lầu ở TP Hồ Chí Minh. Cô chia sẻ rằng bản thân đã muốn cải tạo nhà từ khi mua nhà để có một không gian mới phù hợp với lối sống của gia đình hơn. “Tuy nhiên, trong thời gian thi công đúng lúc phải giãn cách nên việc cải tạo bị trì trệ đến tháng 11/2021 mới dọn về được”.
Vợ chồng Thuý Ngân đã chi ra khoảng 200 triệu đồng để sửa lại căn nhà. Những phần trong nhà được cải tạo là: sửa toàn bộ khu bếp, thay toàn bộ thiết bị 2 nhà vệ sinh; lát gạch phòng khách, hành lang, 1 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh và ban công; lát gỗ phòng ngủ lớn, phòng ngủ nhỏ thứ 2; lát đá lại cầu thang và sơn nước toàn nhà.
Ngôi nhà trước khi cải tạo
Khi được hỏi tại sao chọn nhà cũ rồi chi một số tiền không hề nhỏ như vậy, cải tạo khá nhiều phần trong nhà thay vì mua mới, Thuý Ngân chia sẻ “Để mua được 1 căn nhà mới có cùng diện tích giá sẽ khá cao. Do vậy, mình mua nhà cũ cải tạo sẽ phù hợp với ngân sách hơn. Hơn nữa, do làm trong ngành xây dựng nội thất, mình hiểu rõ là nếu đã ở thì nên cải tạo ngay từ đầu. Còn sau này vào ở rồi mới cải tạo sẽ rất phức tạp và không được như ý do bất tiện nhiều vấn đề về sau”.
Thuý Ngân đã gần như là người lên kế hoạch cải tạo ra sao, mua thêm những nội thất gì. Cô chia sẻ rằng bởi vì bản thân đã làm việc trong ngành này nên cũng dễ nắm được quy trình cũng như được đúng ý mình nhất. Tuy nhiên, với những người không có kinh nghiệm, và đủ ngân sách cô cho rằng nên thuê thiết kế vì bên đó sẽ lo từ A-Z.
Góc bếp sau khi cải tạo
Hiện nay, nhiều người cho rằng việc chi tiêu nhiều tiền để cải tạo nhà là không đáng. Trong câu chuyện này, Thuý Ngân cho rằng điều này phụ thuộc vào nhu cầu và quan điểm cũng như tài chính của mỗi người. Còn về cách lên ngân sách, cô xác định bằng cách lên tất cả các hạng mục cần mua từ những cái to nhất đến nhỏ nhất: Chi phí nhân công phần thô và vật tư cải tạo, mua nội thất, gạch, thiết bị điện tử, và chi phí phát sinh dự kiến.
“Từ khi mua nhà, mình xác định sẽ sửa nhà để ở thì mỗi tháng chỉ trích một khoản mua 1-2 món để đó trước, như thiết bị vệ sinh, thiết bị điện tử. Mua trước như vậy sẽ giúp mình chia nhỏ dòng tiền ra không phải bỏ một khoản tiền lớn khi vô thi công. Cho nên đến khi tổng kết chi phí, mình không bị phát sinh”, Thuý Ngân chia sẻ.
Những góc xinh xắn khác trong nhà
Theo kinh nghiệm cá nhân, Thuý Ngân cho rằng nhà sẽ hiếm khi xuống cấp quá nhanh, chỉ có sơn nhà là 4-5 năm nên sơn lại một lần. Tuy nhiên, phong cách thiết kế nhà cửa mỗi năm sẽ có những thay đổi đáng kể, do vậy khiến nhiều người có cảm giác nhàm chán và muốn cải tạo lại nhiều.
“Mình nghĩ rằng trước khi cải tạo nhà, có 5 yếu tố, chủ nhà cần phải cân nhắc. Đầu tiên, xác định được bản thân muốn cải tạo để đem đến giá trị gì và phong cách nhà cửa bản thân yêu thích là gì. Cái thứ 2 không kém phần quan trọng là xác định ngân sách của bản thân. Tiếp đến, đưa ra danh sách cụ thể những phần trong nhà cần cải tạo, thời gian thi công. Cuối cùng, điều này có ảnh hưởng nhiều đến hàng xóm không để có chuẩn bị ngay từ đầu”, quan điểm của Thuý Ngân trong câu chuyện chuẩn bị trước khi cải tạo nhà.
Ảnh: NVCC