Trong mắt những người xung quanh, có những khoản chi tiêu của dân văn phòng bị đánh giá là lãng phí, không cần thiết. Tuy nhiên, chính chủ lại nhận định những khoản chi này tiết kiệm đến không ngờ.
Trần Hạnh (24 tuổi, TP.HCM) là nhân viên văn phòng ngành Marketing, đồng thời làm Affiliate Marketing. Cô nàng thường xuyên bị mọi người xung quanh “phê bình” là tốn kém tiền cho các món đồ công nghệ. Tuy nhiên, với Trần Hạnh thì đó là chi tiêu xứng đáng, bởi chúng phục vụ cho công việc và khiến cuộc sống thoải mái hơn.
“Có đợt trong 2 tháng, mình chi gần 70 triệu đồng để thay mới đồ công nghệ, bao gồm 1 điện thoại giá 35 triệu đồng, 1 macbook giá 30 triệu đồng, 1 ipad giá 15 triệu đồng, 1 tripod giá 2 triệu đồng. Với mình, đây là khoản tiền rất xứng đáng vì giúp công việc tốt lên, có đồ công nghệ mới cũng khiến thao tác văn phòng nhanh gọn hơn.
Ngoài ra, mình đang làm sáng tạo nội dung về review sản phẩm, có gắn Affiliate Marketing. Hàng tháng, mình thường trích 20% tiền lương từ công việc văn phòng để mua mới sản phẩm. Điều này khiến mình tốn khá nhiều tiền, nhưng bù lại là sự gia tăng chất lượng cho nội dung của kênh”, Trần Hạnh chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Trần Hạnh cũng cho rằng, với cô nàng thì tiền đầu tư vào bản thân, nhất là trong công việc chưa bao giờ là lãng phí. Trần Hạnh cho biết thêm: “Ngoài khoản tiền mua đồ công nghệ, mình cũng thường xuyên đăng ký khoá học, gần nhất là 1 khóa học về Marketing và 1 khoá học dạy livestream, tổng cộng hết 20 triệu đồng. Một số người xung quanh cho rằng mình chi tiền học tập là tốn kém, tuy nhiên mình nghĩ về sau này sẽ có lợi cho công việc nhiều hơn. Những khóa học này thường không mang lại kiến thức ngay lập tức tuy nhiên về lâu sẽ có lợi cho mình ở mảng Marketing".
Thuý Hạnh (25 tuổi, Hà Nội) cho biết cô từng là một người kém tự tin, bởi làn da nhiều mụn đỏ. Đó là hệ quả của nội tiết tố, kết hợp với thói quen ăn ngủ kém khoa học trong suốt thời gian dài.
“Trước đó, mình từng cố gắng vừa kết hợp dưỡng da bằng mỹ phẩm và makeup nhưng làn da ngày càng kém đi. Do da nhiều mụn nên dù đắp trên mặt bao nhiêu đồ mỹ phẩm thì mình cũng thấy bản thân không xinh đẹp. Có một thời gian dài, mình tự ti đến mức không muốn đi cafe với bạn bè hoặc lo sợ khi có ai đó nhìn thẳng vào mặt", cô nàng nhớ lại.
Sau đó, Thuý Hạnh quyết tâm thay đổi hoàn toàn làn da. Cô hạn chế trang điểm, bù lại dồn hết tiền chuyển sang chăm sóc da mặt. Bên cạnh đó, cô còn chi 40 triệu đồng để theo đuổi gói lăn kim, tách sẹo kết hợp uống thuốc để giảm thiểu các nốt mụn.
Ảnh minh hoạ
“Thời gian đầu mình khá vất vả để theo đuổi lộ trình, vì da mặt vừa đau mà còn phải tuân thủ chế độ sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe khoa học. Thêm nữa, 40 triệu đồng là số tiền lớn với mức lương dưới 20 triệu đồng của mình".
Tuy nhiên, sau khi kết thúc liệu trình chăm sóc, Thuý Hạnh cảm thấy đây là khoản chi tiêu vô cùng xứng đáng. Bởi làn da đã dần cải thiện độ căng bóng, cũng như giảm rõ rệt 80% mụn và vết thâm do mụn. Nhờ đó, cuộc sống và tinh thần của Thuý Hạnh bước sang một trang mới.
Hiện, cô nàng vẫn duy trì thói quen trích 20-30% lương hàng tháng cho liệu trình chăm sóc da mặt ở spa. Đây là món tiêu dùng lớn so với ngân sách của Thuý Hạnh tuy nhiên cô nàng cho rằng đó là khoản chi xứng đáng. “Nhìn thấy làn da đẹp lên giúp mình có năng lượng để làm việc, cũng như tự tin giao tiếp với mọi người hơn. Đã có thời điểm da mình xuống sắc tệ đến mức cả cuộc sống và công việc đều đi xuống. Do đó, mình không muốn tiết kiệm tiền đầu tư cho bản thân, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và hiệu suất công việc".
Mạnh Hùng (23 tuổi, Hà Nội) cho biết: Anh chàng không đồng tình với quan điểm đi du lịch là khoản chi tiền “tiêu sản". Chỉ riêng năm ngoái, Mạnh Hùng đã đi du lịch 7 lần, gồm 2 lần ra nước và 5 lần đi du lịch trong nước.
Anh chàng chia sẻ: “Mình chưa bao giờ hối hận khi thường xuyên trích hơn 40% lương để đi du lịch. Mình sinh ra ở Hà Nội và đang ở cùng bố mẹ nên tiết kiệm được phần nào cho phí hàng tháng. Do đó, so với bạn bè xung quanh, mình thấy bản thân dễ dàng có tiền cho chi tiêu cá nhân, nên muốn tận dụng chúng để thoả ước mơ đi du lịch trải nghiệm.
Những chuyến đi giống như liều thuốc tinh thần, giúp mình thấy thoải mái và xử lý công việc tốt. Đó là một khoản chi tiêu mà bản thân không bao giờ sinh lời, nhưng có nhiều tiền thì chưa chắc mua được. Mình cũng tin vào quan điểm: Trải nghiệm đi du lịch khi bản thân ở đầu độ tuổi 20 sẽ khác và tuyệt vời hơn nhiều so với khi mình bước sang tuổi 25”.
Ảnh minh hoạ
Ranh giới giữa chi tiêu hợp lý và tiêu tiền hoang phí đối khi rất mong manh, đặc biệt khi nhiều người đưa ra tiêu chuẩn dựa trên cảm giác riêng của phần lớn mọi người.
Còn với Mạnh Hùng, câu trả lời của anh chàng khi đạt được các mục tiêu trong quản lý tài chính cá nhân đề ra, thì tức là bạn đang không chi tiêu hoang phí. Anh chàng giải thích: “Mục tiêu thứ nhất của mình là sức khoẻ tinh thần được đảm bảo và đa dạng trải nghiệm khi còn trẻ. Thêm nữa, dù mình có dành nhiều tiền cho đi du lịch song vẫn đáp ứng có 20% tiền lương để dành tiết kiệm hàng tháng, chứ tuyệt đối không bao giờ tiêu hết số tiền kiếm được. Hơn nữa, trước mỗi chuyến đi, mình sẽ luôn tích góp đủ từ thu nhập, chứ tuyệt đối không vay mượn từ ai".
Trong khi đó, Trần Hạnh cho hay cô nàng cũng lập ngân sách cá nhân theo tháng và có thói quen ghi chép lại toàn bộ khoản tiêu dùng lớn nhỏ. Hiện tổng thu nhập của cô nàng được phân chia như sau: 40% dành cho công việc và đầu tư vào bản thân, 30% dành cho chi tiêu cá nhân, 20% dành cho tiết kiệm và 10% dành cho các nhu cầu yêu thích khác.
“Bên cạnh đó, mình cũng có những mục tiêu rằng cuối năm sẽ tích lũy được bao nhiêu tiền bạc. Từ đó, mình bắt bản thân phải cố gắng đạt được mục tiêu đề ra. Với mình, khoản tiền chi cho công việc sẽ khiến quỹ tiết kiệm giảm xuống, song lại gia tăng thu nhập hơn. Do đó khi bù trừ cho nhau, mình còn có lãi, chứ không phải là lỗ", Trần Hạnh chia sẻ.