Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày Tết thầy cô nhưng bên "hành lang", hội phụ huynh cũng rộn ràng không kém. Chuyện tặng quà gì, đi bao nhiêu người, có nên "phong bì" hay không vốn dĩ đã rục rịch từ cả tuần trước ngày lễ chính thức. Nhiều người lại lăn tăn về quà cáp như một thứ nghĩa vụ bắt buộc, gửi đến giáo viên những món quà trao vội đến nỗi người nhận không kịp cảm nhận được tình cảm gì. Nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm từ đây cũng nảy sinh, gây những tranh cãi lẽ ra không nên có trong ngày 20/11.
Chẳng hạn như hôm nay, một món quà tặng cô giáo bị trả về cũng khiến hội phụ huynh xôn xao. Theo người mẹ này, chị cẩn thận chọn mua chiếc ví cho cô giáo đã luống tuổi. Chị gói gém và đưa cho con mang lên lớp tặng. Cứ tưởng cô giáo sẽ ưng món quà nhưng không ngờ cô giáo từ chối nhận.
Lời tâm sự này đã khuấy động tranh luận. Bao nhiêu ý kiến, bình luận được đưa ra, nhiều người đọc xong thấy thực sự chạnh lòng vì giá trị của ngày tri ân nhà giáo dường như mất đi một phần ý nghĩa.
Chiếc ví bị trả lại khơi mào tranh luận
Một số phụ huynh cho rằng, quà tặng gì đi nữa thì cũng là tấm lòng của phụ huynh. Việc cô giáo thẳng thừng trả lại là hành xử thiếu tế nhị, có thể khiến bố mẹ cảm thấy bị xem thường. Nếu vì lý do gì đó không muốn nhận, cô có thể gọi cho phụ huynh để cảm ơn và giải thích vài câu cho vẹn cả đôi đường.
Một số phụ huynh cho rằng, cô giáo không nhận có thể vì 2 lí do: Một là do cách tặng, hai là do nguyên tắc của cô không thích nhận quà trước lớp sợ mang tiếng. Nhóm này cho rằng phụ huynh đã quá nóng vội và suy nghĩ thiếu thấu đáo khi đem chuyện tế nhị này lên mạng xã hội. Điều phụ huynh nên làm là hỏi xem cô nói gì với bé lúc trả lại quà bởi cách tặng và sự tôn trọng quan trọng hơn giá trị.
Có nhiều giáo viên họ chỉ nhận tấm lòng của phụ huynh và con trẻ chứ không cần quà. Mẹ không trực tiếp tặng mà đưa con đi tặng thì cũng không thể yêu cầu cô gọi điện cho từng người cảm ơn.
Nhiều trường học, giáo viên có nguyên tắc từ chối nhận quà ngày 20/11 (Ảnh minh họa)
"Có những phụ huynh nói nghe thật buồn, "cho thêm vài tờ để cô nhận quà". Sao chỉ nghĩ được đến vậy, nghề nào cũng có người này người kia, không phải giáo viên nào cũng cần quà đâu các chị ạ. Chúng tôi làm việc đã có lương, ngày 20/11 là thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, đừng ngộ nhận có phong bì là cô chăm con hơn hay phân biệt đối xử giữa các bé", một cô giáo mầm non chia sẻ.
Trên thực tế, Ngày Nhà giáo là để nhắc học sinh nhiều thế hệ nhớ về thầy, cô đã dạy mình, để họ thể hiện sự tri ân bằng tình cảm chân thành. Việc biến nó thành ngày "tặng quà", đã làm mất đi giá trị nhân văn của truyền thống tôn sư trọng đạo.
Một năm cùng học sinh là cả tuổi trẻ và sức khỏe thầy cô dành cho các con. Món quà giá trị nhất là sự chia sẻ, đồng hành của bố mẹ và sự tiến bộ của các em chứ không phải bao thư nhiều hay ít. Cha mẹ đừng cụ thể hóa tình cảm thầy trò thông qua quà tặng hay phong bì.