"Hello everyone, it's me again Ms Hoa...", chắc hẳn đây là câu chào quen thuộc mà chúng ta luôn bắt gặp sau mỗi cú click chuột vào video dạy Tiếng Anh online của Ms Hoa. Vậy Ms Hoa là ai? Đó là một cô giáo sở hữu chất giọng đặc biệt, được nhiều học trò yêu thích bởi sự thân thiện, gần gũi, "sến" nhưng vô cùng có duyên.
Ms Hoa - Một cô giáo sở hữu chất giọng đặc biệt, được nhiều học trò yêu thích bởi sự thân thiện, gần gũi, "sến" nhưng vô cùng có duyên.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại, Ms Hoa từng làm việc tại công ty nước ngoài với mức lương tương đối cao nhưng công việc ở đây luôn khiến cô cảm thấy nhàm chán. Bởi thế cô bắt đầu thử sức giảng dạy tiếng Anh trong một số trung tâm đào tạo uy tín, chất lượng tại Hà thành.
Ms Hoa truyền tải thông điệp "Tiếng Anh đẹp và nó xứng đáng có được tình yêu của học trò" đồng thời qua lăng kính tiếp cận ngôn ngữ theo một cách rất riêng, cô tìm ra sứ mệnh của mình là truyền cảm hứng dạy và học tiếng Anh. Thay vì tạo tâm lý phải học thế nào cho hiệu quả, học ra sao để đạt kết quả tốt, điểm số cao, cô Hoa đã giúp học sinh tiếp xúc với tiếng Anh từ chính vẻ đẹp của ngôn ngữ khiến việc học trở nên mới mẻ và thú vị. Khi học viên khám phá ngôn ngữ theo cá tính và tư duy tiến bộ thì "trách nhiệm phải học" sẽ trở thành "đam mê muốn theo đuổi".
Ms Hoa, cô giáo dạy Tiếng Anh online hot bậc nhất Việt Nam: Người đi dạy nên có bằng cấp nhưng người có bằng cấp chưa chắc đã biết dạy.
Được biết, Ms Hoa không học chuyên ngành Sư phạm mà tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại, vậy cơ duyên nào đã đưa cô đến với sự nghiệp giảng dạy Tiếng Anh như hiện tại?
Mình học Ngoại thương tuy nhiên gốc rễ đã từng là học sinh chuyên Anh của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Với mình Tiếng Anh trở thành niềm đam mê từ khi mình còn học cấp 2, lên cấp 3 Tiếng Anh lại chính là một môn chuyên của mình ở trường. Khi học Đại học cũng như bao bạn khác mình vào Ngoại thương vì đây là một trường Top thời điểm ấy đồng thời mình nghĩ rằng học Ngoại thương cơ hội nghề nghiệp sẽ cao. Trong 4 năm Đại học mặc dù theo chuyên ngành kinh tế nhưng niềm đam mê duy nhất đối với mình chính là tình yêu ngôn ngữ.
Khi mình tiếp cận ngôn ngữ, tiếp cận Tiếng Anh, mình khám phá nó một cách khác lạ, hồi học Đại học mình từng có cơ hội giảng dạy tình nguyện cho các bạn làng trẻ Birla, Hà Nội. Mình nhận thấy khi giảng bài các bạn nhỏ tiếp thu cũng như nhớ từ rất nhanh vì mình hay đưa vào bài giảng những câu chuyện học từ vựng theo cách riêng, bỏ cảm xúc của mình vào việc học ngôn ngữ thành ra trong 4 năm Đại học tình yêu ngôn ngữ được duy trì qua những buổi thực hành giảng dạy.
Mình nhận ra bản thân có khả năng giải thích ngôn ngữ dễ hiểu đồng thời truyền được tình yêu ngôn ngữ cho các bạn. Sau đó ra trường, mình tiếp tục duy trì niềm đam mê đó bằng việc giảng dạy ở 1 số trung tâm, học trò thích mình, mình thấy đây không còn là một cái nghề nữa là một cái nghiệp để mình phát triển bản thân, xây dựng thương hiệu riêng.
Trong quá trình giảng dạy, cô có bao giờ gặp những ý kiến trái chiều về việc giáo viên đi dạy phải có bằng cấp không?
Có chứ! Việc giáo viên đi dạy phải có bằng cấp là điều mà mình tin rằng ai cũng cần vì bằng cấp không phải một tờ giấy đơn thuần mà nó là chứng chỉ để đo lường khả năng sử dụng ngôn ngữ của người học. Khi mình muốn cho người học tin vào kiến thức bản thân giáo viên đã được đào tạo thì chúng ta phải có bằng cấp thậm chí bằng cấp cao hơn người học. Nó là một vũ khí để người học thấy được rằng mình nên tin vào chuyên gia này hay không? Khi muốn đạt bằng cao rõ ràng bạn phải dành thời gian, công sức để học, để tôi luyện như một thí sinh.
Vậy thì giáo viên có bằng cấp thật tuyệt vời nhưng bài toán là bằng cấp gì? Hiện nay có rất nhiều "tiến sĩ giấy" – những người mua bằng để cho sở hữu cái danh thôi, nếu chỉ đưa tờ giấy ấy chìa trước mặt học viên thì đó là câu chuyện hoàn toàn sai lệch. Vì rõ ràng năng lực của giáo viên không thể hiện ở tấm bằng, nó thể hiện qua việc chúng ta "tồn tại và sống sót" như thế nào ở một lớp học.
Giáo viên đi dạy mà chỉ tư duy "sống sót và tồn tại" ở lớp học chỉ là cách thức đối phó thôi, giáo viên phải ở tầm chuyên gia trong lĩnh vực mà chúng ta đang dạy cho học trò. Tuy nhiên, bên cạnh một chuyên gia về ngôn ngữ, giáo viên muốn cho học trò thần tượng và tin theo lời khuyên của thần tượng thì giáo viên ấy phải là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, càng nhiều lĩnh vực càng tốt.
Vậy bằng cấp quan trọng nhưng nó không phải điều kiện tối cao để đánh giá năng lực giáo viên mà năng lực giáo viên quan trọng nhất phải biến học trò thành thần tượng của chính bản thân mình trong mỗi buổi học. Đó mới là một người thầy tuyệt vời mà không bằng cấp nào có thể đo lường được.
Nếu dạy không có bằng cấp thì kỹ năng Sư phạm sẽ được rèn luyện ra sao, thưa cô?
Đây là một bài toán mình rất trăn trở bởi vì hiện tại số lượng giáo viên của IMAP Việt Nam trong chuỗi năm thương hiệu gần 300 người. Ngày xưa khi bắt đầu khởi nghiệp, nhìn một bài giảng mình đánh giá cô giáo dạy "vui" nhưng "không hay". Nghiệm lại mới thấy "vui" và "hay" trở thành bài toán mà giáo viên sẽ tồn tại lại với học trò mà thôi.
Ví dụ khi xem một bộ phim, chúng ta không hề nhớ các tiểu tiết nhưng đọng lại đến cuối cùng là kết cục và cảm xúc của bộ phim, có thể hạnh phúc, đau khổ thậm chí tiếc nuối. Giáo viên đi dạy đảm bảo cho học trò về mặt kiến thức, điều kiện cần là có phương pháp để học trò nhớ kiến thức nhưng điều kiện đủ là chúng ta phải khiến cho học trò có động lực nhớ những kiến thức ấy. Chúng ta cần khơi gợi cảm hứng cho học trò, để cho học trò có cảm hứng ngôn ngữ. Cứ khơi khơi: "Các em ơi học Tiếng Anh đi, Tiếng Anh đẹp lắm!", nói như thế thì ai cũng nói được tuy nhiên quan trọng nhất ở chỗ chúng ta phải cho học trò phương pháp để các bạn thuộc ngôn ngữ ngay tại lớp. Từ đó, học trò sẽ là thần tượng của chính bản thân bạn ấy tại lớp học bằng các bộ kỹ thuật và phương pháp giảng dạy.
Vậy ngoài kiến thức, việc một giáo viên truyền động lực học Tiếng Anh cho học sinh của mình quan trọng như thế nào?
Ở lớp giáo viên nói ít đi, học viên nói nhiều hơn, bài toán ngôn ngữ không thể dùng Tiếng Việt để giải thích, bản chất nó thuộc về Skill (Kỹ năng) mà đã là kỹ năng phải thường luyện nói thì học trò mới phát âm đúng còn cô giáo sẽ dùng kỹ thuật phản xạ âm thanh giúp học trò cùng đồng phản xạ lại và học trò repeat từ vựng 5-10 lần.
Khi đó các bạn ấy không cần quy tắc nhấn trọng âm, nhấn "ending sound" mà vẫn có thể đọc từ rất tự nhiên như cô giáo và bản ngữ đọc, đó chính là phương pháp đồng bộ hoá âm thanh. Bài toán ngôn ngữ không được để deadtime mà tất cả các bạn học viên trong lớp phải cùng phản xạ với một từ vựng để học trò thuộc phát âm từ vựng ấy chứ không dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để giải thích lý thuyết trong sách, nó không có giá trị.
Nếu giải được bài toán về phương pháp như vậy thì học trò sẽ trở thành ngôi sao của buổi học vì các bạn ấy được nói rất nhiều, được activate liên tục còn cô giáo đơn thuần là người điều phối, chỉ cần vung đũa thần, các bạn học viên tự cất cao tiếng hát thôi. Những diễn giả thường giảng rất hay, học giả ở dưới trả lời đồng thanh tích cực chứng tỏ diễn giả ấy có kỹ thuật giảng dạy, giáo viên cũng giống như vậy chỉ cần nắm trọn bộ kỹ thuật giảng dạy thì sẽ activate được ngôn ngữ của học viên, các em ấy sẽ vận dụng ngôn ngữ ngay tại lớp.
Lúc những câu như: "Em ơi học đi!", "Thầy đã từng vất vả thế này, khó khăn thế kia!" thật sự thừa thãi. Học trò thấy mình giỏi ngay tại thời điểm đó thì chúng sẽ chứng tỏ năng lực bằng cách tự học, đến lớp mỗi ngày và tiếp tục luyện tập ngôn ngữ. Mình cho phương pháp một cách chuẩn mực nhất để học trò thực hành ngôn ngữ ngay tại lớp, tự động học trò sẽ giỏi hơn mà không cần nói nhiều.
Trở thành một trong những người tiên phong và thành công ở lĩnh vực giảng dạy online hiện nay ở Việt Nam, cô có chia sẻ gì về việc này không?
Dạy online rất khác với offline, dạy offline luôn xuất hiện sự tương tác trực tiếp, có thể cô dạy chưa hay lắm mình chưa vui lắm nhưng khi người ta thấy cô giáo quan tâm, hỏi han mình, kết nối con người thật sâu thì học trò sẽ cảm thông một phần nào đó với người đi dạy offline. Và cuối cùng học trò vẫn thấy rằng tại bản thân mình không chăm chỉ nên không giỏi bởi học trò Việt Nam rất ngại đánh giá và thương thầy cô.
Offline có sự kết nối con người rất sâu nên đôi khi về mặt chất lượng học trò sẽ du di cho thầy cô. Nhưng online cách 1 cái màn hình, 1 cái camera, quan trọng mình phải xây dựng chất lượng bài giảng như thế nào, plan bài giảng phải đúng cái học trò cần, giải quyết chủ điểm từ vựng, ngữ pháp mà học trò đang vướng mắc. Giáo viên muốn online tốt thì bản thân cần phải là 1 hình tượng chuẩn về kỹ thuật giảng bài, sử dụng ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, truyền đạt để học trò tương tác ngay với mình mặc dù không có học trò thật tại lớp.
Những bài online của mình không có học viên thật nhưng mình không chăm chăm dính vào slide, vào bảng để giải thích. Mình tưởng tượng camera là học trò, đặt bài giảng như 1 tình huống thật, tưởng tượng học trò đang phản xạ cùng mình. Online muốn thành công và phát triển thì mình phải làm như offline thật, kể cả cỏ cây vạn vật cũng cần có cảm xúc nên người dạy vẫn phải khích lệ động viên như thật.
Lời khuyên của mình dành cho những giảng viên dạy online là đừng fake mà hãy dạy như ở lớp bằng hết niềm đam mê, dạy khàn cả tiếng, mắt phải banh ra, long lên, thậm chí nhiều khi còn giả vờ nói dối, giả vờ dễ thương, đặc biệt phải nói những content mà học trò hay sai. Đối tượng các bạn đang xem thường là mất gốc, sợ hãi ngôn ngữ vì thế trong ngôn ngữ của mình luôn mang tính kinh nghiệm. Khi dạy online phải điều chỉnh cho phù hợp với các bạn học trò xem mình, học trò xem online chủ yếu là các bạn chưa giỏi mới xem mình cho nên luôn có ngôn ngữ thấu hiểu, trăn trở, từ mặt đất đi lên, nói như thế thì học trò sẽ cuốn thôi.
Ai sẽ là người kiểm soát chất lượng dạy online và có bao giờ trong quá trình giảng dạy cô sai kiến thức, bị học trò phản ứng hay chưa?
Có chứ! Sẽ có những lúc mà kiến thức mình không đúng như người bản ngữ tuy nhiên cần tư duy sai kiến thức là sai cái gì. Đôi khi vì khó nói cũng như không thuận tiện trong việc giao tiếp nên Tây cũng sai ngữ pháp, vậy sao không ai đánh giá. Những người làm online như mình áp lực lắm chứ nhưng mà mình cho đi cái mà mình nghĩ học trò cần. Ở giai đoạn này kể cả người nước ngoài có ai cho bao nhiêu video tuyệt vời như vậy đâu vì thế nên khái niệm chuẩn là 1 cái gì đó rất mơ hồ. Chính khái niệm chuẩn đạt đến điểm 10 ấy đã giết chết luôn tinh thần mong muốn tự tin mắc lỗi của người Việt. Khung tốt nhất để đánh giá nên dành cho học trò vì mỗi người một trái tim, một hệ tư duy. Bài toán ngôn ngữ chỉ cần keywords và tự tin nói thôi, người ta hay nói đó là Tiếng Anh bồi song học trò mà làm được bồi như vậy là tuyệt vời rồi.
Tiếng Anh "bồi" chỉ ở mức trung bình của ngôn ngữ, là giáo viên mình phải dạy được những thứ chuẩn xác và chuẩn mực hơn chứ?
Giáo viên có trách nhiệm dạy những thứ đúng chuẩn mực nhưng chuẩn mực cũng theo nhiều chiều, nếu như dạy ngữ pháp cho học trò đi thi quốc gia, đại học theo chuẩn ngữ pháp của sách thì đó là trách nhiệm giáo viên phải dạy cho học trò. Bên cạnh dạy cho học trò kỹ năng giao tiếp thì đừng đưa khái niệm phải chuẩn âm hoàn toàn vì lúc ấy học trò mới nói được.
Ngày trước, gặp một bạn người nước ngoài, bạn ấy từng hỏi mình một câu hỏi rất dễ dàng, hồi đó Tiếng Anh của mình còn chưa hay nhưng mình dùng ngôn ngữ cơ thể cũng như một số từ vựng đơn giản vẫn có thể trả lời được. Vì thế giáo viên không chỉ dạy cho học trò kiến thức đúng mà còn phải cho học trò công cụ để giải thích ngôn ngữ trong trường hợp mình không nắm vững hoàn toàn ngôn ngữ, khi giao tiếp mình phải đặt vào tình huống cụ thể, đúng lúc đúng chỗ, hiểu đúng hoàn cảnh.
Đối với học Tiếng Anh, theo cô giáo viên Việt và giáo viên Tây, đâu mới là sự lựa chọn tốt nhất?
Tuỳ vào mục đích thời điểm hiện tại chúng ta đang theo đuổi là điều gì thôi, mình không phủ nhận vai trò của ai cả. Chúng ta đặt mục tiêu theo từng cặp Listening & Speaking, Reading & Writing đi kèm với nhau. Hai kỹ năng mang tính chất thụ động được hiểu là của mắt và tay vì không tạo ra âm thanh, với hai kỹ năng này chúng ta phải thể hiện được ngữ pháp chuẩn mực vậy nếu có sự đồng hành của giáo viên Việt trong những thời điểm như vậy rất tốt. Bản thân đặt mục tiêu thi chứng chỉ tập trung vào hai kỹ năng này và muốn tìm hiểu nguồn gốc cội nguồn của ngôn ngữ thì giáo viên Việt là 1 lựa chọn tốt.
Còn đối với Listening & Speaking, chúng ta cần nghe nguồn của người nước ngoài nói là chuẩn và tuyệt vời nhất, nếu đặt trọng số nghe nói tốt ở thời điểm hiện tại thì nên đồng hành với Tây. Bài toán ngôn ngữ thuộc về kỹ năng, giống như môn bơi, bơi là kỹ năng, nếu tập luyện chưa đủ để biến những giây phút ban đầu trở thành kỹ năng mà ra ngay hồ bơi thì sẽ dễ chết đuối luôn. Ngôn ngữ cũng vậy, vì là kỹ năng nên phải luyện tập thường xuyên, biến nó thành thói quen, tuyệt vời hơn khi giáo viên biến thói quen ấy thành sở thích, dần dần thành đam mê thì không cần ai chỉ đường người ta cứ đi thôi; cao cấp nữa là bản năng ăn vào máu, lúc đó sẽ không bao giờ quên ngôn ngữ.
Thực trạng hiện nay nếu như các con chỉ học ngôn ngữ tuần 2 buổi thì ba mẹ sẽ khó có thể kỳ vọng sự phản xạ ngôn ngữ nhanh ở con trong vòng 1 năm. Cả năm chỉ dành ra hơn 100 giờ để học và nói Tiếng Anh thì làm sao nó trở thành kỹ năng, bản năng được. 1 đứa trẻ ở Việt Nam đến 6 tuổi so với 1 đứa trẻ ở Việt Nam 15 năm sau đó chuyển sang Tây sống, bạn 6 tuổi chắc chắn có xu thế quên Tiếng Việt.
Bản năng chính là bài toán về thời gian vì vậy người Tây đến Việt Nam dạy tốt chứ bởi bạn ấy đại diện cho nguồn gốc ngôn ngữ, minh chứng cho bằng cấp, một tấm bằng đang đứng dạy nhưng điều quan trọng là phương pháp và thời gian thực hành với bé. Hai yếu tố đó kết hợp với nhau mới có thể tạo ra 1 bé có khả năng phản xạ, như vậy yếu tố cần là thời gian, yếu tố đủ là phương pháp giảng dạy. Ngôn ngữ phải thực hành liên tục và mình cần có thời gian luyện nói, luyện nghe.
Có bao giờ Ms Hoa bị so sánh giữa cô giáo truyền thống với cô giáo dạy online?
Dạy từ khi ra trường cho đến nay đã 10 năm rồi nhưng mình không sân si những sự so sánh bởi vì mình đi theo con đường cho trước rồi mới nhận lại. Cho online miễn phí và học trò đến offline là quyền lựa chọn của các bạn. Tất nhiên sẽ có lúc mình buồn để thấy bản thân cần trau dồi thêm, bạn này thấy phát âm của mình chưa tốt thì phải học, bạn kia thấy cô Hoa điệu phải bớt điệu đi. Trong các chuỗi video mình cũng nhận ra rằng cần ăn mặc chuyên nghiệp hơn, tôn trong người xem, dạy cái học trò cần. Thêm nữa, mình luôn muốn xây dựng hình ảnh một giáo viên thân thiện nên không bao giờ xưng tôi.
Trên các video dạy trước đây, khi bị nhận xét là "sến", "điệu, cô có buồn không?
Có buồn chứ! Học viên chưa hài lòng thì đó là cơ hội cho chúng ta phải sửa lại, hoàn thiện mình hơn. Người ta thấy mình điệu vì mình đang đặt cái tôi của mình quá cao, cứ nghĩ cái mình có là tốt rồi nhưng không phải, mình phải dạy cái học trò cần, xem các bình luận để làm ấn phẩm tốt hơn. Cho dù miễn phí nhưng phải chuẩn để các bạn ấy có người dựa vào, nếu cô không thay đổi thì không có lý do gì bắt học trò phải theo mình vậy nên mình có buồn nhưng đó là động lực để thay đổi.
Hiện nay, hệ thống giáo viên online gần như "mạnh hơn" giáo viên truyền thống, việc bị thương mại hoá cũng xuất hiện khá nhiều vậy thì Ms Hoa đã xử lý như thế nào để tránh vấn đề này?
Ngôn ngữ là bài toán liên quan đến thực hành, người đi dạy nên có bằng cấp nhưng người có bằng cấp chưa chắc đã biết dạy. Giống như việc người có bằng cấp rất giỏi nhưng thực hành ngôn ngữ ra sao còn phụ thuộc vào hiệu quả của buổi học. Việc dạy online sau đó thương mại hoá mình đang thấy nội dung ấy bị tiêu cực, người dạy online không có nghĩa người ta không dạy được offline, cũng không phải người chỉ "đú fame" đẩy hình ảnh các bạn trai xinh gái đẹp lên rồi cho phát âm một tý là dạy được.
Quan trọng ở chỗ tư duy về mặt phương pháp, mô hình giảng dạy, dạy online nhưng đề cao giá trị cộng đồng. Nếu những ai tự học được thì online rất hữu ích còn ngược lại người ta tìm về offline để tìm kết nối sâu hơn, giáo viên quan tâm hơn, nhiều thời gian cọ xát, đặc biệt có một khung chương trình liên tục được kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học viên. Những người dạy online mà làm offline mạnh chắc chắn họ đã sở hữu mô hình đào tạo mạnh về mặt nguồn lực nhân sự. Nếu xét ra bài giảng online, bạn đang nhìn nhận nó như 1 kênh truyền thông nhưng nếu học trò tận dụng chuỗi video để học vẫn tốt. Học trò học offline bạn phải dạy như online thậm chí cần hay hơn rất nhiều bởi nó liên quan đến dịch vụ, giá trị, cơ sở vật chất, đội ngũ chăm sóc học viên và quan trọng nhất vẫn là mô hình đào tạo.
Vậy phương pháp giảng dạy của cô và đội ngũ hiện nay có điểm mạnh nào?
Điểm mạnh về phương pháp đào tạo mà chúng tôi đã áp dụng trong năm 2019 là khi làm việc với học viên, giáo viên ngoài việc có chuyên môn tốt thì cần định hình phong cách, kỹ thuật sử dụng giọng nói với từng đối tượng học viên, kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt ngôn ngữ một cách tự tin và thuyết phục. Quan trọng nhất kỹ năng kết nối, chúng ta phải đến gần với học viên để tương tác cũng như lấy vấn đề của học viên làm nguyên liệu của bài giảng. Kỹ thuật đặt vấn đề bằng cách hỏi học viên là một trong những điều mình vô cùng tự hào hiện nay bởi người thành công là người biết đặt câu hỏi cụ thể chi tiết.
Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này.