Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0

Công Hiếu, Ảnh: Quang Huy, Thiết kế: Đức Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:09 16/11/2019
Chia sẻ

IELTS là một kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cần thiết cho các bạn học sinh, sinh viên có nguyện vọng muốn đi du học cũng như làm việc tại các công ty nước ngoài. Việc học và luyện thi IELTS như thế nào là đúng cách để tiết kiệm tiền bạc và công sức luôn là điều khiến nhiều người băn khoăn.

Là người từng có kinh nghiệm du học tại Anh, đồng thời với kinh nghiệm hơn 6 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS, thầy Tú Phạm chắn hẳn không còn quá xa lạ trong cộng đồng luyện thi IELTS. Điểm nổi bật ở thầy giáo trẻ này là phong cách trẻ trung, biết cách tạo động lực cho học sinh trong từng buổi học, vì thế mà tên tuổi của thầy Tú Phạm được nhiều học trò "truyền miệng" với nhau.

Về chuyên môn, thầy Tú là một cái tên được đánh giá cao bởi nội dung giảng dạy chuyên sâu, chữa bài cẩn thận cũng như luôn cập nhật bài giảng sát đề thi thật nhất. Phương pháp mà thầy lựa chọn trong quá trình giảng dạy của mình là phương pháp tư duy logic thay vì học thuộc lòng bài giảng. Phương pháp này giúp các bạn phát triển kiến thức chứ không chỉ dừng lại ở mức để đi thi. Và có một cái nhìn tổng quan hơn về việc dạy và học IELTS hiện nay, hãy lắng nghe những lời khuyên hữu ích dưới đây của thầy Tú Phạm!

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 1.

Đầu tiên, thầy có thể giới thiệu một chút về bản thân cho độc giả được biết không?

Mình là Tú Phạm, hiện đang là chủ nhiệm của trung tâm IPP. Ngày xưa mình có du học ở Anh, sau đó về nước thì bắt đầu với công việc giảng dạy IELTS được khoảng 6 năm rồi. Có một điều muốn chia sẻ với bản thân mình là khác với cả rất nhiều người, như có nhiều bạn ngày xưa học Chuyên Anh, học tiếng Anh một môi trường chuyên nghiệp từ bé, thế nhưng mình không có được nền tảng “xịn” như thế.

Bản thân mình cũng bắt đầu với tiếng Anh như bao các bạn học sinh - sinh viên khác mà thôi. Mình bắt đầu học từng bước, ở các trung tâm, nhưng nó chỉ đạt hiệu quả thực sự khi mình tự cày cuốc, mò mẫm và tìm ra bí quyết của mình mà thôi.

Về điểm IELTS thì mình đạt được tổng điểm là 8.5, trong đó là mình tự tin nhất là Nói và Viết. Viết thì mình được 8.0 còn Nói thì mình đạt được 9.0 - đây là mức điểm tuyệt đối của IELTS.

Còn về thành tích, trong quá trình giảng dạy đến nay mình tự hào khi có khoảng hơn 330 bạn học viên đã đạt được điểm 7.0 trở lên tính đến tháng 11/2019. Trong số đó có hàng chục bạn đạt được 8.0 trở lên.

Sau 6 năm dạy IELTS, anh đánh giá tình hình học IELTS của học sinh Việt Nam hiện nay như thế nào? Có phải là xu hướng “chạy theo đua nhau học” hay không?

Đúng là thời gian gần đây mọi người đi học IELTS khá là đông, nó như là một trào lưu hiện tại, và mình nghĩ nếu đó là trào lưu thật thì nó là một trào lưu tốt. IELTS là một chứng chỉ rất tốt, nó không giống như các chứng chỉ tiếng Anh khác chỉ đánh giá phiến diện một vài kỹ năng thì IELTS nó đánh giá đầy đủ cả 4 kỹ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết. Nếu bạn đạt được điểm số IELTS cao thì bạn đó chắc chắn sẽ tự tin được vào khả năng tiếng Anh của mình.

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 2.

Với tình hình hiện nay, nếu bạn có điểm IELTS cao thì bạn có cực kỳ nhiều cơ hội. Ngày xưa chỉ có thể đi du học thôi, thì hiện nay có thể dùng nó để apply vào các trường Đại học top đầu như Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân… Bây giờ 6.5 IELTS đã được quy đổi thành 9 điểm tiếng Anh đại học rồi, điểm IELTS càng cao thì tỷ lệ đỗ đại học phải nói là càng lớn. Thậm chí mình còn biết các trường cấp 3 hiện nay, cũng lấy IELTS làm điều kiện ưu tiên trong cách xét tuyển. Tất cả điều trên đã chứng minh IELTS ngày càng có ứng dụng rất rộng rãi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mình thấy có nhiều bạn học IELTS nhưng vẫn chưa có một nhu cầu cụ thể để sử dụng nó. Mình nghĩ những trường hợp này nên xem nhu cầu thực sự là gì rồi hẵng đi học IELTS. Thực sự để mà nói IELTS tốt hay xấu thì đều phụ thuộc vào mục đích của mỗi người.

Bắt đầu từ bao nhiêu tuổi nên học IELTS?

Thường thì ở trung tâm mình, độ tuổi học thường bắt đầu là học sinh cấp 3 hoặc sinh viên đại học, còn có một số trường hợp cá biệt là học sinh lớp 9. Nếu các em còn quá nhỏ thì thực sự mình nghĩ cũng không phù hợp để thi IELTS, khoảng lớp 7, lớp 8 học thì các em vẫn chưa thể lý giải được các hiện tượng xã hội trong kỳ thi IELTS, các vấn đề về kinh tế, an ninh, chính trị xã hội… Nếu bắt đầu từ độ tuổi đó nếu tiếp xúc với IELTS thì nó khá là ngợp, tầm độ tuổi lớp 9, lớp 10 thì mới nên đi học IELTS. Con đường chuẩn nhất là có IELTS khi học cấp 3, rồi vào đại học.

IELTS vẫn chỉ là kỳ thi học thuật, thực tế không nhiều nhưng nhiều trường hợp có điểm IELTS cao nhưng khả năng tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh không cao, thầy nghĩ sao về điều này?

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 3.

Ngày xưa trước khi đi du học mình cũng từng thi IELTS, mình cũng có thời gian sống ở Anh và mình hiểu rằng đúng là IELTS không giúp mình quá nhiều trong việc giao tiếp bên ngoài. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đây là một kỳ thi học thuật nên kiến thức các bạn được trải nghiệm nó rất sát với thực tiễn ở môi trường đại học. Ví dụ, bạn được học ở môi trường ở Anh, Mỹ hay Úc đi, thì các bài Nghe, bài Nói rất là sát với những gì bạn phải làm ở môi trường các nước đó: các bài nghiên cứu khoa học, nghe giảng viên giảng bài, hay làm các bài luận… Nếu đạt được 7.0 trở lên, bạn hoàn toàn đủ trình độ tiếng Anh đạt được bằng khá bằng giỏi.

Tất nhiên điều đó cũng không đồng nghĩa ra đường bạn sẽ giao tiếp tốt, hồi ở Anh lúc mình đi chợ mua rau mua thịt các thứ, người ta nói mình cũng phải căng tai lên mà nghe. Điểm IELTS có cao đi chăng nữa mà không biết trả giá cũng bằng 0.

Các trung tâm IELTS hiện nay mọc lên rất nhiều, thầy có thể đánh giá chung về điều này không?

Nói về việc thị trường IELTS hiện nay, mình nghĩ nó đang còn khá là phân mảnh. IELTS nó cũng không phải là mới, tồn tại ở Việt Nam 20 năm rồi. Ngày xưa có các thầy cô đã giảng dạy tiếng Anh hàng chục năm, trong đó dạy cả IELTS. Ngoài ra, còn có một làn sóng các giáo viên trẻ hơn mới bước đầu dạy IELTS. Nhiều bạn trong số này tốt nghiệp các trường giảng dạy. Số lượng trung tâm hiện tại cũng nhiều hơn trước.

Do nhu cầu học của người Việt ngày càng cao, dẫn đến trung tâm IELTS mở ra nhiều, mình nghĩ đây là điều tốt. Thế nhưng có những mặt trái là trong số những người đứng lên giảng dạy, một số ít có thể chưa giỏi tiếng Anh thật sự. Mỗi một thầy cô đều có năng lực riêng và phương pháp giảng dạy riêng, nên các bạn học sinh phải mất công một chút trong việc tìm hiểu xem thầy cô nào phù hợp với mình.

Gần đây còn có một trào lưu nữa đó chính là diễn đàn cộng đồng học online, cộng đồng này cũng thu hút được con số khổng lồ hàng trăm nghìn người. Nếu những ai không có điều kiện tham gia các lớp trực tiếp, thì việc tham gia học online cũng giúp ích họ rất nhiều. Khi học online có rất nhiều kiến thức khác nhau, các bạn cần phải tỉnh táo khi lựa chọn tài liệu để học.

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 4.

Trong việc dạy IELTS, các giáo viên thường dạy theo tips, thầy thấy việc này có nên khuyến khích không?

Nói chung thành tích ở trong giáo dục cũng không phải vấn đề riêng của IELTS mà điều này xã hội đã nói rất nhiều trong hàng chục năm qua. Đây là một thứ chúng ta không nên khuyến khích lắm, nếu điểm có cao mà sau này không sử dụng được thì cũng không quá tốt lắm.

Nhưng để mà so kỳ thi IELTS so với các kỳ thi khác tương đương, giả sử bạn có dùng tips để đạt được điểm cao đi chăng nữa thì không phải ai cũng làm được điều này. Nếu bạn không có kiến thức chắc chắn bạn không thể đạt được điểm cao IELTS, tips ở đây sẽ giúp các bạn nâng cao một chút điểm số, độ chênh lệch không quá nhiều. Không thể có chuyện từ số 0, và tôi có tips sẽ đạt được 6.0, 7.0 chuyện đó là không có.

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 5.

Một học sinh bình thường đi thi IELTS được 8.0 đã mạnh dạn mở lớp dạy học, thầy đánh giá đội ngũ này như thế nào?

Để mà đánh giá các thầy cô khác thì hơi khó, mình chỉ có thể nói chung một cách khách quan. Khi mọi thứ phát triển quá nóng, không phải ai cũng có khả năng và giỏi thực sự, nhất là với việc mạng xã hội bùng nổ khiến thông tin đang dần trở nên bị loãng.

Các thầy cô đạt được 7.5 hay 8.0 bắt đầu đi giảng dạy thì mình nghĩ điều đầu tiên trái ngành trái nghề không phải là một điều xấu, thật ra đôi khi nó là tốt, họ hoàn toàn có thể trở thành giáo viên giỏi trong tương lai sau quá trình bồi dưỡng nghiệp vụ.

Nhưng mà bức tranh không phải toàn màu hồng, không phải giáo viên nào cũng giỏi, nếu người học muốn tìm được một địa chỉ thực sự tốt để học thì mọi người phải cân nhắc rất kỹ. Giả sử một giáo viên dạy phát âm sai, thì từ phát âm sai đó sẽ đi theo học viên đến suốt quãng đường sau này, để tìm lại được cái đúng sẽ rất mất thời gian.

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 6.

Vậy đề IELTS có đoán được không, và có dễ đoán không?

Thường thi những đơn vị tổ chức thi IELTS họ sẽ có một ngân hàng đề, những đề thi đã được ra rồi sẽ được lựa chọn lại và cho vào ngân hàng này. Rất có thể trong kỳ thi ở Việt Nam hoàn toàn có khả năng trúng đề thi đã từng ra.

Tuy nhiên các bạn học theo phương pháp này sẽ gặp phải hai vấn đề như sau. Thứ nhất là ngân hàng đề rất rộng, để mà trúng được một đề thì các bạn phải học một bộ đề từ 50 đến 100 đề khác nhau. Thế thì nếu đã sức bỏ học ra 50, 100 đề như thế kia thì sao không bỏ sức ra học hẳn hoi đi, để không phải phụ thuộc vào vấn đề đoán đề nữa. Thứ hai đó là không phải đề dự đoán nào hay các đề đã ra ở nước ngoài cũng giống hoàn toàn với đề thi tại Việt Nam, có thể phần text giống như phần câu hỏi lại khác một tí, đáp án cũng khác một tí. Vì dựa vào trí nhớ con người mà, để có một đề nguyên si 100% thì chuyện đó chắc không thể có đâu. Nếu bạn có những nguồn như vậy, cùng lắm hãy sử dụng nó để tham khảo, còn cái thực sự xứng đáng để học thì nên sử dụng nguồn chính thống.

Có nhiều trường hợp đề thi từng ra trùng lặp, thì liệu đề thi IELTS có quay vòng không?

Không chỉ speaking, mà cả trong 4 kỹ năng đều có thể ra trùng, giả sử một đề thi Listening ra ở Trung Quốc rồi thì hoàn toàn có thể ra lại ở Việt Nam dù tỷ lệ nó không cao. Số lượng cụ thể trong ngân hàng đề có bao nhiêu thì mình không đoán được, nhưng mà đề năm nay được dùng câu hỏi như các đề đã ra trước đón hoàn toàn là có thật. Mình theo dõi khoảng 7, 8 năm nay, những đề thi 2015 2016 2017 ra lại trong 2019 cũng có, thậm chí hai đề thi ra trong một năm giống hệt năm là chuyện rất bình thường.

Về vấn đề này, mình nghĩ cách tốt nhất cho các bạn học sinh đó là thay vì học theo các bộ đề dự đoán thì hãy học nhóm chủ điểm lớn, các khía cạnh người ta sẽ hỏi. Học theo cách này sẽ logic hơn, cũng không phải bị phụ thuộc vào một hai đề nữa, ta sẽ được học theo các nhóm như: Môi trường, Giao thông,... Học theo từng nhóm, một mặt sẽ nâng cao hiểu biết rất nhiều, mặt khác các bạn hoàn toàn có thể xử lý đề thi một cách trơn tru.

Đề IELTS những năm gần đây có thay đổi gì không?

Cảm nhận chung của nhiều người là khó hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì các công nghệ tổng hợp đề đang trở nên tinh vi hơn, tổ chức ra đề thi sẽ phải thay đổi làm sao các câu hỏi của mình dần trở nên khó hơn, lạ hơn để người khó trúng tủ.

Vậy đã có trường hợp nào gian lận trong kỳ thi IELTS chưa?

Gian lận thi IELTS, để trả lời câu hỏi này thì thực sự rất khó. Mình chưa thấy một trường hợp cụ thể nào bao giờ, nhưng từng có nhiều trường hợp chia sẻ lên mạng xã hội rằng đã chép bài bạn. Thực ra cái này cũng may rủi, nhỡ chép bài bạn mà bạn cũng sai thì coi như phí công. Còn gian lận theo kiểu biết trước đề rồi mua đề thì theo như mình biết không có chuyện như vậy.

Nói sâu hơn về việc học IELTS hiện nay của các bạn học sinh, thì thầy thấy các bạn đang có hiểu lầm gì trong kỳ thi này không?

Mình nghĩ có rất nhiều hiểu lầm kha khá lớn, không chỉ học sinh mà còn cả phụ huynh nữa. Nhiều gia đình cho con học IELTS rất sớm, từ lớp 5 lớp 6 đã cho con đi học rồi. Thực ra IELTS nó là phần ngọn, vốn liên quan đến thi cử học thuật phục vụ cho các bạn học sinh cấp 3 sinh viên đại học là chủ yếu. Nếu các bạn còn quá nhỏ thì các gia đình nên đầu tư về nền tảng trước như từ vựng, phát âm, ngữ pháp thì sẽ tốt hơn.

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 7.

Với các bạn đã đúng tuổi học IELTS cũng có những sai lầm trong cách học như việc học những từ vựng đao to búa lớn, thành ngữ tục ngữ đưa vào bài nói bài viết gây ấn tượng với giám khảo. IELTS nó thiên về tự nhiên, các từ vựng nên được dùng đúng với văn cảnh cho nên chuyện sử dụng từ vựng hay và đúng văn cảnh sẽ tốt hơn dùng sai từ và sai ngữ cảnh.

Một vấn đề khác là có nhiều người luyện đề quá nhiều, thậm chí có bạn luyện từ 50 - 70 đề, hết sức “trâu” nhưng trình độ không tăng. Bài học dành cho những trường hợp này là thay vì luyện đề nhiều, thì hãy tập trung vào việc tôi học được gì qua cái đề đấy, từng bài từng bài một phải tiến bộ dần dần. Bản thân việc đoán đề cũng gọi là một điều hiểu nhầm, thực ra chuyện này cũng không giải quyết được việc gì lắm. Công sức học thuộc đề kia thay vào đó hãy học thực sự.

Một hiểu nhầm nữa đó có lẽ là tâm lý của học sinh và phụ huynh muốn tìm đến các trung tâm nước ngoài. Ở Việt Nam có một số trung tâm do người nước ngoài dạy cực kỳ tốt, nhưng mà ở đó họ phải có nhiều kinh nghiệm và quen với phong cách của học sinh Việt Nam rồi thì mới có thể giảng dạy dễ hiểu được. Bình thường người bản xứ nói tiếng Anh họ sẽ không cần phải học gì nên họ rất khó để hiểu người nước ngoài học tiếng Anh khó ra sao. Theo mình được biết thì một số nơi tại Anh, người Anh học tiếng Anh cũng không cần học ngữ pháp, khác với tiếng Việt chúng ta phải biết đầy đủ, nên đôi khi người những giáo viên nước ngoài không có kiến thức giảng dạy và bằng cấp thì học cũng không hiểu quả.

Nếu học sinh chọn giữa học với người bản xứ và thầy cô giáo Việt Nam, thì cách này có ưu và nhược điểm gì?

Giả sử các bạn học với các thầy cô bản xứ thì lợi thế nhất là về việc nghe nói phát âm rất chuẩn. Nếu học viên có khả năng bắt chước siêu, thì kỹ năng Nói của bạn sẽ rất tốt. Nếu may mắn hơn nữa bạn gặp được một số giáo viên bản xứ xịn, có trình độ hay cử nhân giảng dạy ngôn ngữ, bạn sẽ được học những kiến thức rất hay. Mình nghĩ học với người bản xứ sẽ phù hợp với những người đã giỏi tiếng Anh khoảng 7.0 trở lên.

Còn về giáo viên Việt Nam có những lợi thế hơn hẳn bản xứ bởi họ cũng từng là người luyện thi IELTS, vừa học được kiến thức nhưng chúng ta sẽ được chia sẻ thêm các cách học nữa. Ngoài ra thì giáo viên người Việt sẽ biết học viên phát âm sai những gì, lỗi gì người Việt hay sai thì sẽ có phương pháp dạy phù hợp. Nếu bạn mong muốn được dưới 7.0, mình nghĩ học với người Việt sẽ ổn hơn, chưa kể hiệu quả trên số tiền bỏ ra sẽ cao hơn.

Có một trình độ khá đặc biệt là những ai đạt trên 7.0, thực chất không phải giáo viên nào cũng có thể dạy những học viên ở trình độ này, trên thị trường cả giáo viên Việt lẫn bản xứ thực sự giỏi để dạy số ít này cũng không phải là nhiều và không quá chênh lệch nhau.

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 8.

Lúc mới bắt đầu học thì nên học giáo viên Việt Nam hay học giáo viên bản xứ tốt hơn?

Thực ra cái này cần xem nhu cầu thực tế của từng người là như thế nào. Ví dụ nếu bạn giỏi rồi nhưng vẫn cần những người chữa bài luận của mình từng lỗi một, và giải thích dưới góc nhìn là một người học thì lúc này giáo viên người Việt có lợi thế hơn. Giáo viên nước ngoài sẽ luôn có lợi thế về phát âm chuẩn chỉ.

Học sinh Việt Nam thường yếu phần nào nhất trong 4 kỹ năng, hay mắc lỗi nào nhất?

Trong 4 kỹ năng, học sinh Việt Nam thường giỏi kỹ năng Nghe và Đọc hơn là kỹ năng Nói và Viết, hay nói cách khác là kỹ năng thụ động tốt hơn kỹ năng thụ động.

Nó có nhiều lý do, thứ nhất có lẽ là do bắt nguồn từ chương trình học phổ thông của nước ta không đề cao kỹ năng Nói và Viết và cũng phải thông cảm với các thầy cô giáo khi không thể truyền tải hết được cho các học sinh của mình vì lớp quá đông, thực sự rất khó trong việc tổ chức làm sao cho học sinh chủ động nói và viết hiệu quả. Tổ chức IELTS.org có thống kê lại điểm thi IELTS trung bình của các nước trên toàn thế giới, thì điểm Nói và Viết của người Việt thì khoảng 5.7.

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 9.

Người Việt yếu phát âm, bởi chúng ta không có một môi trường tốt để luyện phát âm. Các thầy cô trong chương trình phổ thông rất khó để sửa cho tất cả các học sinh, dẫn đến việc phát âm sai.

Có một trở ngại khác nghe có vẻ hơi kỳ lạ rằng thường người ta sẽ nghĩ rằng người Việt sẽ giỏi Ngữ pháp nhưng chuyện này hoàn toàn sai. Cái ngữ pháp mà các bạn học sinh giỏi chỉ là những ngữ pháp kiểu trong đề thi khoanh ABCD, câu này đúng hơn câu kia hay những ngữ pháp vô cùng cao siêu như câu điều kiện loại 3, đảo ngữ… Thế nhưng quay trở lại kỳ thi IELTS, những “siêu nhân” ngữ pháp thường sai các kiến thức cơ bản. Ví dụ khi kể lại tuần trước mình làm gì thì các bạn thường quên chia động từ về quá khứ. Hiểu đơn giản là thời gian thực hành và cọ xát chưa nhiều, không ai có chữa lỗi khi mình sai hay ép mình phải nói đúng. Thay vì học ngữ pháp thụ động, thì các bạn hãy thử học theo phương pháp chủ động, như chỉn chu trong từng những thứ nhỏ nhặt nhất.

Cá biệt mình có quen một bạn đạt Huy chương Bạc Olympic tiếng Anh Quốc gia thì Viết chỉ đạt được 6.0 mặc dù điểm overall khá cao là 7.5. Đây được xem là một trường hợp cá biệt khi mà ngữ pháp siêu đẳng, nhưng cũng chỉ nằm trên trang giấy, bài ABCD.

Nếu một bạn đang học cấp 3 vừa bắt đầu học IELTS, thì lộ trình để các bạn ấy có thể đạt được 6.5 IELTS như thế nào?

Mình thấy mặt bằng chung các học sinh Việt Nam hiện nay học xong cấp 3 hoàn toàn có khả năng thi IETLS, mức điểm 6.5 không hề khó. Đầu tiên mình nghĩ các bạn cần biết mình đang ở đâu, và nếu thậm chí không biết trình độ mình đang như thế nào thì nên làm một bài test xem trình độ của mình. Từ đó, mỗi trình độ sẽ có một phương pháp khác nhau, nếu dưới 5.0 thì từ vựng phải đủ, ngữ pháp phải đủ, kỹ năng nghe nói đọc viết phải được trau dồi. Và nếu các bạn đã được đực 6.0 - 6.5, một mặt các bạn học sinh cần bổ sung những kiến thức cơ bản, một mặt các bạn cần bổ sung thêm luyện các kỹ năng từ tài liệu hoặc các thầy cô.

Sau khi hiểu được chúng ta đang ứng ở đâu, các bạn cần phải biết được mình phù hợp với phương pháp học tập như thế nào. Nhiều bạn học sinh có thể lên lớp nghe thầy cô giảng không hiểu gì, nhưng về nhà đọc sách lại nhớ kiến thức rất lâu. Ngược lại, một số bạn có đọc bao nhiêu sách cũng không thấm nhưng được giảng bài là hiểu ngay. Như vậy, nếu có được phương pháp học tập thực sự phù hợp sẽ khiến người học học hiệu quả hơn rất nhiều.

Quay trở lại phương pháp học, đầu tiên là kỹ năng Nghe. Mình thường hay nói là “nghe được thì điểm cao, nghe không được thì điểm thấp”, nếu điểm thấp thì hãy tìm ra nguyên nhân khiến cho mình bị như thế. Thường một bạn học sinh không nghe được xuất phát từ ba nguyên nhân như sau:

Đầu tiên, nghe nhưng không hiểu người ta đang nói âm gì, có thể do phát âm chưa chuẩn, lúc này người ta có phát âm đúng thì cũng nghe thành sai. Phải biết phát âm từng âm một, hiểu được trong âm và sau đó nối âm giữa từ này với từ khác như thế nào. Lý do lớn thứ hai đó chính là do các bạn thiếu từ vựng và ngữ pháp, có thể bạn nghe được nhưng bạn không biết từ đó nghĩa là gì thì chứng tỏ vốn từ vựng đang còn hạn chế. Trong hai nguyên nhân đầu này, có một phương pháp cải thiện mình thấy khá ổn đó chính là chép chính tả, mặc dù rất chán nhưng cũng có hiệu quả.

Lý do cuối khiến các bạn chưa nghe được đó là tốc độ nói quá là nhanh. Ban đầu hãy tập những bài có tốc độ chậm, sau đó tăng dần nhanh dần lên. Kỹ năng nghe có một điều khá là hay nếu các bạn chưa nghe được thì sẽ chẳng nghe được gì, xem phim Mỹ cũng chỉ là nghe như vịt nghe sấm mà thôi. Nhưng nếu kiên trì, bạn sẽ cảm thấy nghe được bập bõm, rồi dần dần 70-80%, và cuối cùng là hiểu hết được những gì người khác nói. Đây thực sự là một chặng đường, quan trọng nhất là kiên trì, điểm Nghe nó không thể dùng một cái tăng vọt theo thời gian mà phải trải qua từng nấc thang một, đi lên sau đó đi ngang rồi lại tiến lên tiếp.

Thứ hai, đó là về kỹ năng Đọc. Có một số kỹ năng mọi người cần chú ý đó là kỹ năng skimming và scanning, đây là kỹ năng cần thiết mà ai cũng dùng sau này. Nhưng mà kể cả mình có biết kỹ năng siêu đẳng nhưng nếu từ vựng không biết, ngữ pháp không hiểu thì cũng không được. Lúc này nó cũng đòi hỏi trình độ từ vựng, ngữ pháp của bạn phong phú. Nhưng hãy nhớ rằng cũng không cần học những từ vựng quá cao siêu, hãy nhớ lấy những từ thông dụng nhất.

Thứ ba là kỹ năng Nói, ngày xưa mình chỉ được hơn 6.0, sau đó dần dần luyện lên band 7.0 rồi 8.0 và sau đó là điểm tuyệt đối 9.0. Mình thấy rằng kỹ năng Nói nên chia thành 4 bước để học, và cũng là các bước để giám khảo chấm bài thi: một chính là sự trôi chảy của bài nói, hai là từ vựng, ba là ngữ pháp, bốn là phát âm.

Thầy Tú Phạm 9.0 Speaking: Đạt 6.5 IELTS không khó, chỉ có điều học sinh Việt Nam giỏi mỗi khoanh ABCD, câu này đúng câu kia sai còn khả năng vận dụng bằng 0 - Ảnh 10.

Để mà giỏi Nói, các bạn phải đi theo hướng như thế này. Bước 1 phải phát âm chuẩn, chuẩn từng âm một, sau đó âm nối và trọng âm, ngữ điệu trong câu. Trong giai đoạn luyện phát âm, các bạn cần phải sẵn sàng hi sinh mọi thứ, có thể nói vô cùng chậm, ngắt từng âm một rồi sau đó tăng dần tốc độ lên. Bước thứ 2 sau khi luyện phát âm chuẩn, thì tiếp đến luyện ngữ pháp thành phản xạ, điều quan trọng nhất phải lặp đi lặp lại rất nhiều để cơ thể có một phản xạ có điều kiện. Bước 3, luyện sự trôi chảy và bước 4 là từ vựng hay.

Trong quá trình luyện thi các bạn sẽ gặp một trường hợp là dần dần thấy mình kém đi, có thể bạn ở ngoài giao tiếp rất tốt nhưng đi theo học lớp thấy nói càng ngày càng kém. Bởi lúc này, nếu muốn đạt được trình độ cao hơn, các bạn phải nói chuẩn chỉnh tốc độ nói hay xử lý thông tin chính xác đòi hỏi các bạn phải nói chậm lại, như vậy dễ khiến lời văn hơi lủng củng tạo cảm giác kém cỏi dần. Nếu các bạn đang luyện Nói mà cảm thấy khó chịu và thấy mình dần kém đi thì hãy hiểu mình phải trải qua giai đoạn này để lên tầm mới.

Sau khi bạn đã giỏi rồi, muốn giỏi hơn nữa thì bạn cần phải ưu tiên sự tự nhiên trong lời nói. Từ cách lựa chọn từ vựng đúng văn cảnh, đến cách phát âm thể hiện trạng thái cảm xúc tự nhiên sẽ khiến trình độ nói của bạn nâng cao lên. Để đạt được band 9.0 thì cái bước cuối cùng chính là biến mọi thứ thành tự nhiên.

Cuối cùng là kỹ năng Viết, đây là điểm thấp nhất trong 4 kỹ năng. Các bước học Viết bạn phải có ngữ pháp chủ động để thể hiện ý mình chuẩn, viết đến đâu đúng đến đấy. Muốn dùng tốt vựng trong Viết bạn phải hiểu sâu về nó, biết một từ phải biết “cả họ nhà nó”, thay vì học một từ đơn lẻ thì phải học cách dùng nó, từ trái nghĩa, đồng nghĩa… Đây được xem là nhóm từ vựng chủ động, nếu ai dùng được nó càng thành thục thì càng tốt. Có những bạn từ vựng bị động thì siêu khủng vì học theo list từ, còn có những bạn từ vựng chủ động lại rất kém. Đặc biệt trong kỹ năng Viết cần có một người chữa bài cho mình, thông thường học sinh khó biết mình đúng hay sai sau khi viết lắm, nên hãy tìm đến các trung tâm, thầy cô uy tín. Phải biết sửa từ sai thành đúng, nếu vượt qua được bạn sẽ có mức điểm tốt. Đồng thời, điểm Viết cao còn phải phụ thuộc vào bố cục bài, tư duy logic của người thi.

Cám ơn những chia sẻ hữu ích từ thầy!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày