Một số địa phương kéo dài thời gian năm học 2021 - 2022

Hà Linh, Theo Tiền phong 10:10 14/04/2022

Việc dạy và học trong năm học 2021 - 2022 ít nhiều cũng bị xáo trộn, đứt gãy bởi tình hình dịch bệnh. Vì vậy, nhằm đảm bảo chất lượng, một số địa phương đã có kế hoạch kéo dài thời gian năm học.

Học tiếp hay nghỉ hè?

Khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 của Bộ GD&ĐT quy định, các địa phương hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học vào cuối tháng.

Tuy nhiên, trong đó, Bộ GD&ĐT cũng quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn địa phương.

Khác với những đợt bùng dịch COVID-19 trước, năm học này, nhiều địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng đến kế hoạch dạy học trực tiếp. Đơn cử như TP.HCM, học sinh lớp 1-6 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Tại Hà Nội, học sinh tiểu học cũng nghỉ hè, học trực tuyến trọn vẹn 11 tháng, vừa trở lại trường học từ 6/4.

Một số địa phương kéo dài thời gian năm học 2021 - 2022 - Ảnh 1.

Một số địa phương tính bài toán kéo dài thời gian năm học (Ảnh: Quỳnh Anh)

Trả lời PV, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, các trường tiểu học trên toàn TP sẽ kéo dài thời gian năm học, còn học sinh THCS - THPT kết thúc năm học đúng kế hoạch.

“Lý do, bậc tiểu học học trực tuyến kéo dài, đến trường học trực tiếp muộn hơn các cấp học khác. Do đó, cần kéo dài thêm thời gian năm học để các nhà trường có kế hoạch dạy học, củng cố kiến thức, đảm bảo chất lượng giáo dục”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, tại Hà Nội, đến thời điểm này học sinh lớp 1-6 mới trở lại trường được 1 tuần. Cô Đỗ Mai Hường, giáo viên dạy lớp 1 Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, năm học có 9 tháng thì học sinh có hơn 7 tháng học trực tuyến.

Khi đi học trở lại, giáo viên rất vất vả vừa dạy kiến thức vừa rèn nề nếp lớp học. Thời điểm này, cô phải kiểm tra, đánh giá và phân loại học sinh để kèm cặp em yếu kém và ôn tập chuẩn bị cho kiểm tra học kỳ II.

Qua đánh giá cho thấy đa số học sinh đều đọc tốt, đáp ứng chương trình nhưng chữ viết không được như những lứa trước và rất cần thời gian để học sinh rèn luyện, tiến bộ dần. Vẫn còn một số học sinh tiếp thu chậm, giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ. Thời điểm này các con mới quay lại trường, làm quen với bạn, với cô nên khó có thể đòi hỏi tiến bộ nhanh.

“Dù dạy trực tuyến nhưng giáo viên vẫn đáp ứng chương trình do đó không cần thiết phải kéo dài thời gian năm học…”, cô Hường nói.

Được biết hiện nay ngoài TP.HCM, còn một số địa phương như Hà Giang, Kiên Giang đã có kế hoạch nới khung thời gian năm học 2021 - 2022 để đảm bảo chất lượng của năm học. Kế hoạch này cũng đã được chuyển đến Bộ GD& ĐT.

Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, ông Nguyễn Quốc Bình cho biết, nhà trường đang bàn đến câu chuyện nên hay không việc kéo dài thời gian năm học.

Thực tế, trong một năm học, nhà trường dạy trực tuyến kéo dài, học sinh đi học chưa được bao lâu phải kết thúc năm học sẽ có những khoảng trống khó có thể lấp đầy. Ngược lại, các con cũng cần được nghỉ ngơi, vui chơi, trải nghiệm để tái tạo năng lượng sau một năm học chịu ảnh hưởng COVID-19 ít nhiều mệt mỏi.

Do đó, ông Bình cho rằng, nếu có chỉ nên kéo dài năm học thêm khoảng 2 tuần, trong đó các trường phải xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, điều kiện đáp ứng ra sao. Sau đó, nhất định học sinh phải được nghỉ hè đúng nghĩa. Khối trường ngoài công lập có thêm tháng 8 trước khi khai giảng năm học mới để củng cố kiến thức, tổ chức các hoạt động kết nối, trải nghiệm cho học sinh.

“Đôi khi chúng ta phải chấp nhận cái không tròn trịa trong điều kiện bất khả kháng. Tôi tin, dù học sinh không được đến trường nhưng vượt qua được giai đoạn đó, các em đã có những trải nghiệm về tâm lý, tình cảm đáng giá. Nhất là khi vượt qua giai đoạn khó khăn, các em sẽ hiểu ra, cuộc sống đôi khi phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh… và con người luôn sẵn sàng linh hoạt, ứng phó”, ông Bình nói.

Bộ GD&ĐT yêu cầu kiên trì mục tiêu chất lượng

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, trong khung thời gian năm học của UBND TP phê duyệt, các trường kết thúc năm học trước ngày 31/5, trong đó có 2 tuần dự phòng. Trong bối cảnh hiện nay, nếu các nhà trường nhận thấy cần thiết, có thể tận dụng khoảng thời gian 2 tuần cuối năm học để bù đắp, củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh, để đảm bảo từ lớp 1-11 kết thúc năm học chậm nhất là 31/5.

“Riêng học sinh lớp 12 các nhà trường kéo dài năm học hơn để cho học sinh ôn tập, đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc kéo dài thời gian năm học bao lâu phụ thuộc các trường, để họ chủ động đảm bảo chất lượng dạy và học”, ông Tiến nói.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học này đa số địa phương sẽ chủ động điều chỉnh thời gian năm học theo từng địa bàn, cấp độ dịch. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương phải kiên trì mục tiêu chất lượng năm học. Khi đáp ứng được mục tiêu chất lượng mới kết thúc năm học. Học sinh lớp 1, 2 là đối tượng đặc biệt vì đây là độ tuổi cần hình thành những thói quen, kỹ năng cơ bản nên nếu học trực tuyến kéo dài sẽ rất thiệt thòi.

Khi đi học trở lại nhà trường cần có hình thức kiểm tra thực chất mức độ tiếp nhận của học sinh để từ kết quả đó cân nhắc, điều chỉnh khung thời gian năm học phù hợp, bù đắp được kiến thức, kỹ năng cho các em.