Câu chuyện mang nợ vì mua sắm quá tay không còn xa lạ. Với nhiều người, đó chỉ là bài toán quản lý chi tiêu, song với một nhóm khác, đây là dấu hiệu của vấn đề khó kiểm soát hơn. Đó là chứng nghiện shopping chỉ để thỏa mãn cảm giác sở hữu món đồ mới.
Trên sóng một chương trình podcast, BTV Ngọc Trinh đã chia sẻ sự nguy hiểm của thói quen tiêu dùng này.
Trong quá khứ BTV Ngọc Trinh từng phát hiện cô bị một cái “tâm lý" đó là phụ thuộc vào cảm giác sở hữu món đồ mới. Cô ví thói quen này giống như thuốc an thần. Chúng đem lại cho người ta cảm giác thoải mái nhưng về lâu dài, lạm dụng sẽ khiến sức khỏe cả về thể chất và tài chính đi xuống. BTV Ngọc Trinh nói thêm, không chỉ cô mà còn nhiều người trẻ khác cũng bị mắc chứng nghiện shopping, khiến họ không click mua hàng là không được. Điều này đã được đăng tải trong một phóng sự của VTV.
BTV Ngọc Trinh cũng từng rơi vào cái bẫy nghiện shopping
Tác động tệ nhất của chứng nghiện shopping là khiến chúng ta mang nợ, không gồng gánh nổi chi tiêu. Cũng theo BTV Ngọc Trinh, nếu khả năng kiếm tiền không theo kịp tốc độ tiêu tiền, mà bạn còn lợi dụng đòn bẩy tín dụng (chẳng hạn thẻ tín dụng), thì có thể bị nhấn chìm trong đống nợ.
Trái ngược với người shopping chỉ để thỏa mãn cảm giác sở hữu đồ mới, nhiều người thành đạt, thậm chí là tỷ phú theo sự quan sát của BTV Ngọc Trinh - lại biết chi tiêu đúng cách. Bởi họ "tiêu một đồng, tiêu một phút rất chính xác. Họ định giá cực chuẩn". Ngoài ra, BTV Ngọc Trinh cũng lấy ví dụ về những người thật sự muốn tập trung năng lượng vào công việc và nâng cao mối quan hệ. Khi đó, họ sẽ không muốn dành tiền bạc, năng lượng và thời gian vào những thứ tốn kém, không mang lại nhiều giá trị cho mình.
“Mua sắm chỉ để cho vui” cũng chính là vấn đề tài chính mà nhiều người trẻ đang gặp phải hiện nay. Đánh đổi với sai lầm tiền bạc này là ví tiền của họ ngày càng mỏng đi, lâm vào nợ nần lúc nào không hay.
Thu Hằng (SN 1999, Hà Nội) từng là một trong số đó. Cách đây khoảng hơn 1 năm, cô đã tiết kiệm được 1,5 - 2 triệu đồng hàng tháng chỉ riêng cho tiền mua mỹ phẩm sau khi bỏ thói quen nghiện shopping. Trong quá khứ, có thời điểm, cứ mở mạng xã hội thì tài khoản Thu Hằng ngập tràn nội dung của những KOC, KOL về làm đẹp, mỹ phẩm. Cũng vì thế, số tiền dành cho khoản makeup của cô cũng gia tăng chóng mặt.
Ảnh minh hoạ
Thu Hằng chia sẻ: "Trung bình hàng tháng mình từng chi 3 triệu đồng cho tiền đồ skincare và makeup. Tháng đỉnh điểm là 6 triệu đồng, vì mình mua nhiều đồ cao cấp. Lúc đó, mình vừa thích mua đồ mới, lại cộng suy nghĩ đầu tư vào bản thân không bao giờ sai nên tiêu tiền mà không thấy tiếc.
Sau này, mình hạn chế số tiền mua mỹ phẩm lại, chỉ mua những món đồ cần thiết và basic nhất. Giờ mỗi ngày ra đường, mặt mình không còn trát đầy mỹ phẩm đắt tiền nữa. Vì mình thấy không quá cần thiết để theo đuổi tiêu chuẩn của người khác. Nhờ đó, số tiền dành cho mua mỹ phẩm hàng tháng cũng giảm đi rất nhiều".
Một trường hợp khác, Minh Phương (SN 1997) thừa nhận mình từng có biểu hiện cuồng mua sắm. Chẳng hạn, cô sẽ giấu đồ đi nếu bị người thân cằn nhằn sao mua nhiều thế, hay cảm giác tiếc nuối nếu không mua được món hàng đang giảm giá.
Chưa dừng lại ở đó, cô còn nghiện cảm giác thỏa mãn sau mỗi lần mua được món đồ gì. Hay cứ mỗi lần gặp áp lực trong cuộc sống, chuyện gì đó không vui là Minh Phương lại giải tỏa bằng cách lướt các quảng cáo trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để đặt mua rất nhiều món đồ linh tinh.
"Thời điểm giãn cách vì Covid-19, mình thật sự hơi sốc sau khi nhìn đống mỹ phẩm, quần áo: Có đến hàng trăm thỏi son, nhiều thỏi đã hết hạn dù chưa dùng lần nào, gần chục loại kem nền và phấn mắt, những bộ cọ trải dài trên bàn, rồi những bộ quần áo theo xu hướng,... Khi đó, mình có ngay câu trả lời cho câu hỏi 'Tại sao kiếm bao nhiêu tiền cũng chẳng đủ?'", Minh Phương nhớ lại.
Ảnh minh hoạ
Chính vì sự nghiện mua sắm nên thu nhập của Minh Phương ngày càng bị bào mòn, thậm chí mang nợ sau khi lạm dụng thẻ tín dụng. Bấy giờ, cô chỉ giữ thu nhập đủ để chi tiêu cơ bản hàng tháng, còn lại mang hết để trả nợ với mục đích dứt điểm thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, Minh Phương còn đặt mục tiêu tự kỷ luật với mua sắm, không để xảy ra tình trạng chi tiêu quá tay nữa.
Minh Phương bắt đầu thực hiện quản lý tài chính từ cuối năm 2020. Và đến hiện tại, cuộc sống của cô tối giản hơn, tiền tiết kiệm ngày càng nhiều và quan trọng là không có khoản nợ nào.
“Khi đã dần cai được cơn nghiện mua sắm, mình thấy không chỉ sức khỏe thể chất và tinh thần được tăng lên, mà tình hình tài chính cũng được cải thiện rất nhiều. Không còn lo lắng cho ví tiền mỗi khi cuối tháng”, Minh Phương tổng kết.