Một quốc gia trẻ đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không gia sư hay học thêm

Thúy Phương, Theo Trí thức trẻ 19:00 05/11/2022

Không có áp lực thi cử, trường học ở quốc gia này chính là nơi để trang bị cho trẻ những kiến thức sống quan trọng trong tương lai. Những đứa trẻ cấp một, cấp hai ở đây đã có thể đã được biết về đầu tư hay thẻ ngân hàng, học sinh trung học biết tự tính thuế hay thu nhập tương lai.

Na Uy là một trong những quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt là họ nằm trong top các nước đi đầu thế giới về nguồn ngân sách cho giáo dục. Chính phủ trợ cấp gần như toàn bộ chi phí cho các cấp học. Bên cạnh đó, những đứa trẻ còn được miễn phí hoặc giảm giá đồ ăn trưa/ăn chiều, các hoạt động ngoại khóa, đồ dùng học tập từ ba lô, bút, sách, vở, máy tính xách tay và cả máy tính bảng chỉ phục vụ cho việc học tập (chính sách cụ thể mỗi trường mỗi khác).

Tại Na Uy, giáo dục tiểu học và trung học là các cấp bắt buộc, được đặc biệt chú trọng. Quốc gia này cho rằng, đó là giai đoạn cần thiết để xây dựng và hoàn thiện nhận thức cho học sinh trước khi bước vào đại học.

Nền giáo dục của đất nước này có rất nhiều điều thú vị và khác biệt.

7 năm tiểu học trẻ không bị chấm điểm

Giáo dục tiểu học ở Na Uy kéo dài 7 năm, bắt đầu từ khi trẻ 6 tuổi. Trong suốt thời gian này, trẻ sẽ không bị chấm điểm, xếp hạng xấu hay tốt, giỏi hay yếu/kém. Cho tới cấp trung học, tức là lớp 8, hệ thống chấm điểm mới được sử dụng. Thậm chí việc so sánh học sinh với nhau còn bị cấm. Những đứa trẻ kém may mắn bị tật nguyền, thậm chí cần sự trợ giúp "đặc biệt" vẫn đi học cùng các bạn bình thường.

Thay vì điểm số, trẻ em ở Na Uy sẽ được giáo viên đưa ra những ý kiến nhận xét hoặc các điểm số không chính thức để đánh giá sự tiến bộ của mỗi đứa trẻ.

Một quốc gia trẻ đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không gia sư hay học thêm - Ảnh 1.

Không áp lực “trường chuyên lớp chọn”, không cần gia sư học thêm

Ở Na Uy không có trường chuyên, lớp chọn, cũng rất ít áp lực về thi cử cho những đứa trẻ. Cả năm học tại quốc gia này gần như chỉ có 1 kỳ thi vào dịp cuối năm. Bảng xếp hạng hay các cuộc thi cũng chỉ để tự đánh giá năng lực của mỗi em, chứ không nhằm so sánh các học sinh với nhau.

Đặc biệt, không có chuyện coi trọng môn nào hơn môn nào, Toán học được ưu tiên hơn Địa lý, Lịch sử. Các lớp học được phát triển để trẻ và thầy cô khám phá ra thiên hướng của chúng và mọi khả năng đều được công nhận.

Nếu ngay từ đầu, trẻ làm được bài ở mức độ khó, hôm sau sẽ được hướng dẫn bài tập với cấp độ khó hơn. Nếu trẻ không làm được cũng không sao, có thể quay trở lại với bài tập đơn giản. Những vấn đề vướng mắc có thể trực tiếp hỏi giáo viên ở trường, các thầy cô đều tự nguyện giúp trẻ bổ sung những kiến thức còn yếu.

Các hoạt động ngoài trời được khuyến khích

Là một trong những quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới nhiều năm liền, Na Uy luôn khuyến khích người dân tham gia các hoạt động ngoài trời. Các trường học ở đây cũng áp dụng điều đó. Trẻ em được khuyến khích hoạt động, chạy nhảy nhiều hơn để có được nền tảng sức khỏe tốt và tính cách năng động hơn.

Nghiên cứu cho thấy các trò chơi ngoài trời có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và xương, củng cố khả năng miễn dịch, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim và béo phì.

Một quốc gia trẻ đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không gia sư hay học thêm - Ảnh 2.

Đặt tự giác và tự do lên hàng đầu

Yếu tố bình đẳng giữa trẻ và người lớn rất được đề cao. Đây chính là tiền đề để phát triển tinh thần tự giác và to do của trẻ. Ngay từ cấp tiểu học, các em đã được dạy về các quyền lợi và trách nhiệm của mình, cũng có quyền khiếu nại với một nhân viên xã hội. Cha mẹ phải hiểu con là một con người độc lập và không được phép xâm phạm cả về thể chất lẫn lời nói.

Do đó, trẻ em tại Na Uy thường không bị cha mẹ cấm đoán nhiều mà hầu hết phụ huynh chỉ làm nhiệm vụ định hướng và làm gương. Nội quy tại các trường hợp cũng không quy định cấm nói chuyện riêng, cấm mang điện thoại tới lớp, cấm la cà tụ tập sau giờ học... Đây là những điều thuộc về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Quan tâm tới cảm xúc của mỗi đứa trẻ

Tại Na Uy, rất hiếm có trường hợp giáo viên đặt câu hỏi rồi yêu cầu học sinh đứng dậy trả lời, nếu không trả lời được thì phải tiếp tục đứng. Quốc gia này chú trọng tới lòng tự trọng của các em từ rất sớm. Vì thế, sẽ không có ai bị ép buộc phải đứng dậy khi chưa sẵn sàng. Trong trường hợp câu trả lời của học sinh không đúng, các em cũng không bao giờ bị xỉ vả, chê trách.

Một quốc gia trẻ đi học suốt 7 năm không chấm điểm, không gia sư hay học thêm - Ảnh 3.

Học tập là việc suốt đời

Người Na Uy luôn quan niệm rằng, học tập là việc suốt đời, không quan trọng đến tuổi tác. Do đó, cho dù ở độ tuổi nào đi nữa, khi cảm thấy bản thân khuyết thiếu kỹ năng cơ bản cần thiết, họ lập tức tìm đến giải pháp học tập.

Nó không chỉ giúp mọi người củng cố các kỹ năng cơ bản mà còn có thể sở hữu thêm nhiều bằng cấp thông qua các chương trình giáo dục cao hơn. Đây là một cách tuyệt vời để mọi người cập nhật năng lực, cải thiện khả năng thích ứng, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của họ.

Đặc biệt, điều này cũng được các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng ở Na Uy thực hiện nghiêm túc. Tất cả nhân viên của quốc gia này được nghỉ phép một phần hoặc toàn bộ trong tối đa 3 năm, để tham gia các khóa học cụ thể. Hầu hết các khóa học này diễn ra trong các trường dạy nghề.

*Theo Kevmrc, Nokut, Life In Norway…