Chuyên gia tâm lý: "Đừng bao giờ cho rằng bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ"

Thảo Vân - Design: Hoàng Sơn, Theo Trí thức trẻ 10:40 05/11/2022
Chia sẻ

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc hành vi bạo lực trong học đường được phản ánh trên truyền thông rộng rãi khiến cộng đồng và dư luận vô cùng quan ngại.

Bạo lực học đường không phải là câu chuyện mới nhưng chưa bao giờ lại xảy ra dồn dập với tính chất ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Các hình thức bạo lực học đường trở nên đa dạng hơn, nhẹ như những lời trêu chọc, chế giễu, nặng như đánh nhau, lột đồ... Điểm chung là dù nặng dù nhẹ, các hành vi này vẫn để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần đối với các bạn học sinh.

Trước vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chuyên gia tâm lý: Đừng bao giờ cho rằng bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Những dấu hiệu tiềm ẩn và câu hỏi "Vì sao bạo lực học đường lại nhiều đến vậy?"

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giáo dục hiện nay đang chuyển trọng tâm từ "dạy chữ sang dạy người", vì thế cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá kết quả "dạy người" ở học sinh hiện nay. Trên thực tế gần đây đã xảy ra rất nhiều sự việc bạo lực học đường, học sinh có hành vi lệch chuẩn, học sinh vô lễ với thầy cô giáo... Tệ nạn bạo lực học đường đã được báo động từ lâu, tuy nhiên việc xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa đủ sức tác động vào hành vi, ý thức học sinh.

Nguyên nhân được PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra một phần là do học sinh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian dài, khiến nhiều em xuất hiện các dấu hiệu căng thẳng, mất ngủ, lo âu, trầm cảm thậm chí những suy nghĩ tự hại bản thân. Mâu thuẫn bạn bè càng gia tăng, không thể thấu cảm với nhau khi các em tương tác online. Tất cả dẫn đến nhiều thách thức về bạo lực học đường khi mở cửa lại trường học.

Chuyên gia tâm lý: Đừng bao giờ cho rằng bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Đừng nghĩ nó chỉ là câu nói bâng quơ hay trò đùa con trẻ. Cũng đừng cho rằng bạo lực và bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ. Rất nhiều phụ huynh so sánh với mình ngày xưa đã xem nhẹ hoặc lờ đi các hành vi bạo lực của con trẻ. Nhiều phụ huynh có con là thủ phạm bạo lực thậm chí còn đang chế giễu và phê phán phụ huynh có con bị bắt nạt là 'chuyện bé xé ra to', là 'bới bèo ra bọ'.

Tất nhiên trách nhiệm là do nhà trường, do gia đình đã dạy dỗ, giảng dạy đạo đức học đường chưa hiệu quả, chưa sâu sát, chưa nghiêm khắc ngay cả với những học sinh vi phạm. Và hơn ai hết, chính những thầy cô giáo phải là những tấm gương tốt cho học sinh noi theo".

Ngoài ra, theo chuyên gia, trong thời gian qua, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên nói chung, hoạt động của các phòng Tư vấn Tâm lý học đường nói riêng đã bị bỏ quên nghiêm trọng. Công tác bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực học đường được ví như quá trình đạp xe lên dốc. Nếu chúng ta nghỉ ngơi, thả lỏng trong thời gian dài thì kiểu gì cũng sẽ tụt dốc và nguy cơ về các vụ việc bạo lực đau lòng sẽ xảy ra.

Chuyên gia tâm lý: Đừng bao giờ cho rằng bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ - Ảnh 3.

Theo TS. Trần Thành Nam việc đánh giá thái độ, phẩm chất đạo đức sẽ không thể toàn diện nếu chỉ dựa trên các bài kiểm tra trắc nghiệm hay tự luận mà phải thực hiện qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập trên trường

Liệu rằng chúng ta có đang quá buông lỏng việc đánh giá các yêu cầu cần đạt về "dạy người" theo từng cấp học hay không? Liệu những cách thức chúng ta đang đánh giá về thái độ phẩm chất là không đủ độ tin cậy khi về cơ bản tất cả học sinh của chúng ta có thành tích học tập khá giỏi đều có hạnh kiểm tốt? Trong rất nhiều năm, chưa bao giờ có học sinh nào "đúp" chỉ vì không đạt chuẩn/ yêu cầu cần đạt về thái độ, phẩm chất, hạnh kiểm hay năng lực tự chủ trách nhiệm cả. Cũng trong nhiều năm phổ điểm môn Giáo dục công dân cũng rất cao nhưng trên thực tế thì rất nhiều hành vi lệch chuẩn, hỗn hào với thầy cô, bạo lực với bạn bè vẫn luôn xuất hiện thậm chí ở trong nhóm những bạn học sinh có thành tích điểm thi Giáo dục công dân cao.

PGS.TS Trần Thành Nam

Bài học rút ra và biện pháp để giảm thiểu bạo lực học đường

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bạo lực học đường là một vấn đề xã hội nhưng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chung trong cuộc khủng hoảng này và nhà trường phải đi đầu cung cấp cho trẻ sự giúp đỡ về mặt tinh thần.

"Trường học sẽ là lực lượng tiên phong, chịu trách nhiệm tổ chức và lôi kéo các bên tham gia. Nhà trường phải xác định được những trẻ có vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, những trẻ có nguy cơ bạo lực học đường thông qua bảng hỏi sàng lọc cảm xúc và những trải nghiệm mới xảy ra.

Ví dụ như em có từng bị bắt nạt, em thấy mình trở nên thu mình và trầm cảm; em lo lắng, em bị tẩy chay, em gặp rắc rối với việc kiểm soát hành vi, em đang có xích mích với những bạn ngoài nhà trường…

Nhà trường cần đẩy mạnh công tác Tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý. Giáo viên cần chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần và tích cực giới thiệu học sinh đến tham gia các hoạt động hỗ trợ. Triển khai rất nhiều các hoạt động để tạo ra 'sense of belonging' (cảm giác gắn bó và thân thuộc với nhà trường). Đó là cách thức để giảm các hành vi bạo lực bộc phát", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Chuyên gia tâm lý: Đừng bao giờ cho rằng bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Đối với phụ huynh, theo chuyên gia, mỗi gia đình cần quan tâm, chú ý đến con để nhận ra các dấu hiệu con bị stress hay lo lắng. Hãy chia sẻ hay gửi gắm những lời nhắn nhủ đến con khi con đến trường.

Nếu trẻ có một số cảm xúc lo lắng hãy dạy trẻ tự nhủ những thông điệp tích cực như "Con có thể vượt qua được"; "mọi việc sẽ ổn cả thôi con nhé!". Bởi giai đoạn này cần sự bình tĩnh và chú ý sẽ giúp trẻ cân bằng được giữa hoạt động trí não và không quá dồn sự lo lắng của cha mẹ về việc học hay thi cử cho trẻ.

Ngoài ra, các nhà trường cần phải xây dựng văn hoá học đường gắn liền với vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục. Khi sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của mỗi người đều được nhận ra, được chăm sóc và trở thành ưu tiên hàng đầu. Khi đó những ứng xử lệch chuẩn, những hành vi bạo lực trong xã hội sẽ giảm.

Chuyên gia tâm lý: Đừng bao giờ cho rằng bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ - Ảnh 6.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết cần nghiên cứu để có những phương pháp và công cụ đánh giá chính xác hơn chuẩn đầu ra/ yêu cầu cần đạt của học sinh các cấp về khía cạnh thái độ, phẩm chất, năng lực tự chủ và trách nhiệm

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày