Kể từ khi vaccine ra đời, lịch sử loài người đã bước sang một trang mới. Theo thống kê chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới WHO con người có thể hoàn toàn được bảo vệ khỏi 26 loại bệnh vô cùng nguy hiểm nhờ vào thứ "vũ khí tự vệ" hữu hiệu này.
Trong số đó có cả những loại bệnh là đại dịch, như dịch hạch, đậu mùa, dịch tả, sốt rét... từng tước đi hàng trăm triệu mạng người từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt, nhiều bệnh chỉ có thể phòng, không thể chữa hoặc chữa khỏi nhưng để lại di chứng, giờ chẳng còn đe dọa được con người.
Với những lợi ích không thể chối cãi, nhưng hiện tại trên thế giới đang xuất hiện một trào lưu được các nhà khoa học đánh giá là "nguy hiểm", mang tên anti-vaccine (hoặc anti-vax, hay bài trừ vaccine). Những người theo chủ nghĩa này đưa ra đủ các lý luận về tác hại của vaccine, và rằng con người ngày xưa không có vaccine vẫn tồn tại tốt đấy thôi.
Nhưng hãy nhớ này: "Nếu bạn không biết những gì mình có quý giá đến nhường nào, hãy để lịch sử nhắc cho bạn điều đó." Dịch hạch đúng là đã tự hết, nhưng đó là sau khi nó giết 1/3 dân số châu Âu và người thời đó phải cách ly toàn bộ cộng đồng người bệnh. Và để hiểu hơn tầm quan trọng của vaccine, hãy đến với câu chuyện 1 ngày của 3 bệnh nhân mắc viêm tủy xám cuối cùng trên thế giới.
Viêm tủy xám là một chứng bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra do virus tấn công vào hệ thần kinh trung ương. Người bệnh sẽ biểu hiện nhiều kiểu triệu chứng khác nhau từ sốt, ho, rối loạn tiêu hóa,... cho đến teo cơ, bại liệt. Hậu quả của viêm tủy xám có thể phục hồi, nhưng cũng có thể để lại những biến chứng vĩnh viễn.
Căn bệnh kinh khủng này được cho là đã "đồng hành" cùng nhân loại từ thời Ai Cập cổ, thông qua những văn bản được ghi chép lại. Mãi tới năm 1955 khi Jonas Salk phát triển thành công loại vaccine đầu tiên chống lại nó, cơn ác mộng mới dần được kiểm soát. Số ca mắc cứ thế ít dần, và sau cùng gần như được loại bỏ hoàn toàn ở một số nơi trên thế giới.
Thế hệ những người lớn lên trước giai đoạn đó và bị nhiễm bệnh trở thành những nạn nhân cuối cùng của viêm tủy xám tại những vùng hết dịch. Trong đó có Paul Alexander, Mona Randolph và Martha Lillard.
Thời cả 3 còn trẻ, viêm tủy xám là nỗi ám ảnh của toàn xã hội - không chỉ bởi sự nguy hiểm của nó, mà còn vì y học chưa có cách gì hiệu quả để chữa trị hoặc phòng ngừa. Trường học, cơ quan, khu vui chơi đóng phải cửa hàng loạt. Người ta sợ ra đường, sợ gặp nhau, sợ bị lây bệnh. Họ lo rằng mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo. Tuy vậy, công tác phòng dịch sơ khai không mấy hiệu quả và thế là rất nhiều người, trong đó có vô số trẻ em vẫn không thoát khỏi sự tàn nhẫn của cơn dịch.
Paul và Martha nằm trong số đó, và kể từ khi mắc bệnh hồi còn nhỏ, cuộc đời họ mãi mãi thay đổi. Bị suy hô hấp mãn tính - một triệu chứng phổ biến của viêm tủy xám - họ gần như phải sống cả đời trong những thiết bị hỗ trợ rất nổi tiếng, thường được biết đến với biệt danh: "phổi sắt".
"Phổi sắt" được dùng để tạo áp lực âm lên bụng và lồng ngực, mô phỏng sự vận động tự nhiên của cơ thể khi hít thở, giúp sự trao đổi khí ở người bệnh diễn ra tương tự như người bình thường, dù cơ và nhiều nội tạng của họ đã bị liệt.
Ông Paul nằm trong chiếc máy thở với niên đại hơn nửa thế kỉ của mình.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe tổng thể mỗi ngày, bệnh nhân có thể rời khỏi máy thở của mình trong một khoảng thời gian ngắn – có thể là vài giờ hay nửa ngày, nhưng thường thì việc này luôn tốn rất nhiều sức lực. Đa phần bệnh nhân phải dành phần lớn thời gian của đời mình chỉ nằm im trong chiếc máy này.
Hít thở vốn là chuyện quá đỗi bình thường và dễ dàng với chúng ta, nhưng lại điều các bệnh nhân viêm tủy xám phải rất cố gắng mới làm được.
Việc hô hấp dường như phụ thuộc hoàn toàn vào những chiếc "phổi" sắt này. Điều đó cũng có nghĩa là chúng quyết định sự sống của họ, mọi trục trặc hay hỏng hóc trên chiếc máy đều ảnh hưởng trực tiếp tới cả cơ thể lẫn tinh thần người bệnh.
Vaccine ra đời, dịch bệnh bị đẩy lùi, nhưng cũng đồng nghĩa với việc những chiếc phổi sắt cũng không còn được sản xuất thêm. Dần dần, chúng trở thành "đồ cổ", chẳng thể mua mới lại rất khó sửa chữa vì thiếu linh kiện đặc chủng.
Điển hình là Paul – chiếc máy thở của ông cũ dần và áp lực thoát ra ngoài khá nhiều qua các khe hở trên thân khiến cho việc hô hấp ngày càng kém hiệu quả. Phải mất nhiều năm cầu cứu khắp nơi, cuối cùng Paul mới may mắn tìm được một người đủ khả năng giải được bài toán hóc búa này.
Brady Richards – một thợ sửa ô tô, cũng là ân nhân của Paul – đảm nhận mọi công đoạn sửa chữa cho chiếc "phổi" sắt
Nhiều người thắc mắc: tại sao không mua máy thở oxi ta vẫn thường thấy ở các bệnh viện, chẳng phải vừa đơn giản vừa tiện hay sao? Rất tiếc, chiếc máy thở quen thuộc đó vận hành theo kiểu tạo áp lực dương, nôm na là đẩy ép khí vào phế quản. Điều này chỉ có thể giúp đỡ những người với lá phổi có khả năng vận động bình thường hoặc suy yếu, chứ không có mấy tác dụng với những người đã liệt hô hấp.
Bà Mona cũng sử dụng máy thở CPAP nhưng chỉ là vào thời gian tạm rời "phổi" sắt, nhưng theo bà thì cảm giác lúc ấy cũng không mấy dễ chịu
Việc tạo áp lực quá lớn cho luồng oxi mà không kết hợp với sự vận động của phổi có thể gây viêm và tổn thương phế nang. Chính vì vậy nên có thể nói lựa chọn duy nhất vẫn chỉ có "phổi" sắt.
Sau một thời gian,bà vẫn phải quay lại với chiếc máy cũ thân thương mà thôi
Để tăng thêm phần éo le, "phổi" sắt chạy bằng điện và lại còn "ngốn" điện ở công suất cao, vậy nên mỗi lần có bão là một lần... nín thở theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nếu cơn bão quét qua làm hỏng một dây tải điện nào đó, nó cũng vô tình giết chết một mạng người. Năm 2008 ở Memphis, Mỹ cũng có một bệnh nhân nữ tên Dianne Odell qua đời vì phổi sắt ngừng hoạt động do mất điện trong bão.
Thêm vào đó, nếu xui xẻo mắc thêm một bệnh nào khác mà cần phải phẫu thuật thì mọi thứ sẽ còn tệ hơn nữa. Bà Martha bị vẹo cột sống từ khi còn nhỏ nhưng không thể phẫu thuật, bởi bệnh nhân viêm tủy xám có thể chết khi gây mê. Vậy là bà chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài chung sống với cả hai căn bệnh cùng lúc.
Viêm tủy xám tuy mang đến nhiều rắc rối, nó cũng không thể cản trở được Paul phát triển sự nghiệp của mình. Ông học luật, tốt nghiệp xuất sắc và trở thành một luật sư giỏi. Do bệnh nặng tới mức gần như không thể dời máy thở, mọi văn bản và giấy tờ ông đều phải viết bằng miệng.
Tuy vất vả nhưng ít nhất ông cũng được làm công việc mà mình thích, còn bà Martha thì khác. Căn bệnh quái ác đã vĩnh viễn tước đi cơ hội trở thành diễn viên múa ballet của bà. Sinh ra là những đứa trẻ lành lặn, lớn lên với bao nhiêu ước mơ và hi vọng – cuối cùng lại phải chịu tất cả những thiệt thòi này cũng chỉ vì thời đó chưa có vaccine chống lại viêm tủy xám.
Giống như những người anh em đáng sợ khác của mình, căn bệnh này hoàn toàn có thể bị loại bỏ nếu toàn thể cộng đồng cùng tích cực tham gia tiêm chủng. Hiện tại 4 khu vực lớn là châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương và rất nhiều quốc gia nữa đã làm được điều này. Tuy nhiên tại duy nhất 3 nước Afghanistan, Pakistan và Nigeria thì viêm tủy xám vẫn chưa được dập tắt triệt để.
Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không chịu tiêm vaccine? Căn bệnh đừng hành hạ loài người có khả năng sẽ quay trở lại, để rồi hàng ngàn nạn nhân phải từ bỏ mọi thứ để chui vào sống trong những chiếc phổi sắt.
Thảm họa mà chúng ta cần quá lâu để thoát ra đã được chính chúng ta trải thảm đỏ mời nó quay lại. Ảnh chụp một bệnh viện tại Boston, Mỹ năm 1955
Người xưa không có lựa chọn, còn chúng ta thì khác. Không chỉ viêm tủy xám, mà sởi, uốn ván, bại liệt và rất nhiều căn bệnh đáng sợ khác đều có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Thêm một lựa chọn đúng đắn là thêm một lá chắn bảo vệ cộng đồng khỏi ảnh hưởng của bệnh tật.