Một năm trôi qua, đây chính là sự kiện điện ảnh "ngoài lề" nổi trội nhất của phim Việt!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 26/12/2017
Chia sẻ

Sau một năm dài với nhiều cột mốc, thành tựu lẫn biến cố của điện ảnh Việt, có một sự kiện "ngoài lề" đã xảy ra và tạo được ấn tượng rất mạnh, liệu bạn có còn nhớ?

Không phải scandal các diễn viên chửi nhau, cũng chẳng phải scandal tình ái để có vai, sự kiện điện ảnh "ngoài lề" khiến công chúng quan tâm nhất năm nay chính là các vụ việc livestream, quay lén phim chiếu rạp. Cùng nhìn lại xem vấn đề này đã bùng nổ mạnh mẽ như thế nào trong năm nay cũng như để lại những điểm tốt hay hậu quả gì.

Bắt đầu được quan tâm từ Em chưa 18

Tháng 4 năm nay, hiện tượng phòng vé Em chưa 18 bất ngờ bùng phát và kéo theo đột "hot" của rất nhiều thứ liên quan, trong đó có sự việc phim bị livestream trong rạp. Từ một tài khoản facebook đang dùng hành vi này để câu like, nhà sản xuất đã nhanh chóng phát hiện và xử lý, cũng như đăng tải thông tin đến khán giả. Tiếp đó, chính đạo diễn Lê Thanh Sơn cùng các diễn viên như Will, Kiều Minh Tuấn và khá nhiều người trong nghề đã treo status kêu gọi phản đối hành vi thiếu ý thức này.

Một năm trôi qua, đây chính là sự kiện điện ảnh ngoài lề nổi trội nhất của phim Việt! - Ảnh 1.

Nhà sản xuất và đơn vị truyền thông của Em chưa 18 cũng đã thực hiện các ảnh đại diện (avatar facebook) để tạo ra chiến dịch bài trừ livestream cũng như quay lén phim trong rạp. Tuy nhiên, đối tượng bị bắt khi đó bị rạp chiếu xử lý thế nào lại không được đề cập, khán giả cũng nhanh chóng lãng quên.

Đỉnh điểm ở Cô Ba Sài Gòn

Bẵng đi vài tháng, đến tháng 11, công chúng lại xôn xao vì một "phi vụ" livestream khác: Cô Ba Sài Gòn. Khi phim vừa công chiếu được 3 ngày, một trang cộng đồng về phim ảnh đã livestream bộ phim tận 30 phút, thu hút hơn 500.000 lượt tương tác, khiến thất thoát về tiền bạc theo ước tính của nhà sản xuất là khoảng 250 triệu đồng.

Một năm trôi qua, đây chính là sự kiện điện ảnh ngoài lề nổi trội nhất của phim Việt! - Ảnh 2.

Thế nhưng, diễn biến của vụ việc "nóng" hơn Em chưa 18 rất nhiều. Chính Ngô Thanh Vân (nhà sản xuất của Cô Ba Sài Gòn) đã bình luận vào đoạn phim đang được phát trực tiếp với thái độ bức xúc, sau đó cô còn đăng tải dòng trạng thái với thái độ tiêu cực, rằng mất ý chí làm phim tiếp tục ở Việt Nam. Cũng vì vậy mà truyền thông, công chúng quan tâm đến sự việc nhiều hơn, đa chiều hơn.

Không chỉ bày tỏ thái độ không hài lòng, phía nhà sản xuất Cô Ba Sài Gòn còn chủ động công bố thông tin, ảnh chụp của người vi phạm (có che chắn theo luật) nên vụ việc càng ngày càng "nóng" hơn. Cũng từ đó, thông tin về xử phạt vi phạm cho hành vi quay lén, phát tán, ảnh hưởng đến chất xám của người khác cũng được tìm hiểu và quan tâm hơn. Đứng trước hai luồng ý kiến, một cho rằng cần xử phạt nghiêm minh để làm gương, một cho rằng chính cô đang làm lớn mọi chuyện để PR phim, Ngô Thanh Vân còn lập bình chọn trên fanpage để thảo luận cách xử cho hợp tình, hợp lý.

Một năm trôi qua, đây chính là sự kiện điện ảnh ngoài lề nổi trội nhất của phim Việt! - Ảnh 3.

Ngô Thanh Vân cùng đại diện nhà phát hành làm việc với Công an

Sau đó, Ngô Thanh Vân còn xuống Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố diễn ra vụ việc, để lập biên bản bàn giao cho phía cảnh sát. Cuối cùng, cô chấp nhận lời xin lỗi của người vi phạm và chờ đợi quyết định xử lý, khởi tố (nếu cấu thành tội dân sự, hình sự) của Công an. Trước kết quả này, một bộ phận khán giả vẫn bất bình vì nghĩ Ngô Thanh Vân đang lợi dụng sự cố để quảng bá cho bộ phim. Nhưng chiếu theo luật, những gì Ngô Thanh Vân đã làm đến hiện tại đều đúng quy trình và hợp pháp.

Đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu, một thông tin bất ngờ đã xuất hiện. Người livestream Em chưa 18 và Cô Ba Sài Gòn có liên quan đến nhau. Theo nhưng cách thể hiện trên facebook cá nhân, cả hai (hoặc nhiều hơn) đều đã quen với việc livestream các bộ phim đang chiếu rạp. Chưa kể khi bị phát hiện vào tháng 4, nhân vật livestream còn tỏ thái độ thách thức với nhà sản xuất, cho rằng phim chiếu đã thu đủ tiền rồi thì nên "bung" ra cho người ta xem miễn phí. Chính thông tin (có bằng chứng, cơ sở) này đã khiến dư luận càng thêm phẫn nộ.

Tác hại và lợi ích mà nền điện ảnh Việt Nam có được sau hai sự vụ trên là gì?

Đầu tiên, phải kể đến điểm chung của hai vụ việc: những bộ phim đang "hot". Nhưng, quan trọng là không phải phim "hot" thì mới bị livestream hay quay lén, chỉ đúng một phần. Quan trọng hơn chính là vì nhờ độ "hot" của phim mà công chúng mới quan tâm đến tệ nạn này vì chắc chắn hành vi quay lén trong rạp đã có từ rất lâu. Không riêng gì Việt Nam, tệ nạn quay lén gây đau đầu trên khắp thế giới. Ở Việt Nam dù quay lén không chuyên nghiệp, không tràn lan như một số nước khác nhưng ý thức về việc này ở Việt Nam lại còn khá kém.

Một năm trôi qua, đây chính là sự kiện điện ảnh ngoài lề nổi trội nhất của phim Việt! - Ảnh 4.

Văn hoá xem phim chúng ta còn chưa có, thế nên văn hoá xem phim một cách văn minh lại càng mờ nhạt. Khán giả, nhất là giới trẻ, đa phần chỉ muốn đến rạp xem phim như một hình thức của việc đi chơi, chứ không nhất thiết là thưởng thức điện ảnh. Thế nên việc không quan tâm lắm đến tệ nạn quay lén có thể hiểu được, vì một bộ phận rất lớn khán giả vẫn giữ thói quen xem phim "chùa" trên mạng. Chưa kể các khán giả ở các tỉnh vùng xa, không có điều kiện đến rạp thì việc họ truy lùng những bản phim quay lén cũng có thể lý giải. Nhưng, dù thế nào đi nữa, đây là hành vi không thể chấp nhận.

Ý thức trong cách thưởng thức sản phẩm văn hoá, nghệ thuật, giải trí của người Việt chưa đủ mạnh, không chỉ ở phim ảnh mà cả âm nhạc, sách vở cũng tương tự. Do đó, qua hai vụ việc được quan tâm ầm ĩ, điều lợi mà chúng ta đạt được chính là sự chú ý của số đông. Đồng thời, những bài viết về ý thức, luật lệ, hậu quả cũng được đăng tải, không nhiều thì ít công chúng đã nhận ra quay lén, livestream là sai hoàn toàn. Muốn thay đổi được ý thức, trước tiên phải nhận ra ý thức của mình đang ở đâu trước đã.

Một năm trôi qua, đây chính là sự kiện điện ảnh ngoài lề nổi trội nhất của phim Việt! - Ảnh 5.

Nhưng đồng thời, hậu quả của sự việc vẫn còn đó. Khi pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng về hành vi vi phạm, thiệt hại do hành vi đó được đo lường và quy định như thế nào thì các nhà chức trách vẫn khó trong việc xử lý. Còn nhà sản xuất cũng chỉ có thể kêu khóc chứ cũng chưa làm được gì cụ thể. Nếu cứ như vậy, mỗi một sự vụ xảy ra rồi cũng sẽ lắng xuống, người ta cũng sẽ quên, rồi dần dà không còn cảm thấy nó quan trọng. Tệ nạn sẽ vẫn là tệ nạn và ý thức sẽ vẫn là ý thức kém.

Tạm kết

Nói chung, nhờ nhà sản xuất của Em chưa 18Cô Ba Sài Gòn đã lên tiếng, đưa những hành vi vi phạm ra trước công chúng mà khán giả mới nhận ra hành vi đáng bài trừ này đang nằm ở đâu. Trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào thì chưa biết nhưng rõ ràng về mặt ồn ào thì tệ nạn livestream, quay lén phim chiếu rạp chính là sự kiện liên quan đến điện ảnh nổi trội và quan trọng nhất trong năm. Hy vọng tất cả mọi người sẽ ngày càng nhận ra tầm quan trọng của bản quyền cũng như sự xấu xa của việc "ăn cắp chất xám", để khán giả có thể thưởng thức điện ảnh một cách công bằng và văn minh, các nhà làm phim không phải than khóc hay hoảng loạn khi phim bị quay lén, livestream nữa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày