Một loại máy được lùng mua tăng vọt trong dịch COVID-19: Có cần thiết phải mua? Sử dụng thế nào cho phù hợp?

TS. BS. Phạm Nguyên Quý, BS. Nguyễn Hải Nam, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 05:50 24/05/2021

Máy đo độ bão hoà oxy trong máu là một trong những thiết bị y tế đang được nhiều người tìm mua và sử dụng trong thời đại COVID-19. Bài phân tích dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu hơn về loại máy này - những lợi ích và giới hạn của nó.

Sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi hàng loạt các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của con người cũng như thói quen mua sắm của họ.

Nếu như trước đây chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng về giấy vệ sinh, về nước rửa tay diệt khuẩn và khẩu trang, thì giờ đây, máy đo độ bão hòa oxy trong máu là một trong những thiết bị y tế đang được nhiều người tìm mua và sử dụng.

Vậy máy đo độ bão hòa oxy trong máu là gì và chúng ta nên sử dụng thiết bị này như thế nào cho phù hợp?

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát với nhiều ca viêm phổi đã dẫn đến nhu cầu tăng vọt việc sử dụng máy đo độ bão hòa oxy trong máu. Theo thống kê của Grand View Research, thị trường máy đo độ bão hòa oxy trong máu năm 2020 là khoảng 2,3 tỉ đô la Mỹ, với mức tăng trưởng gộp hằng năm vào khoảng 6,4% dự kiến từ năm 2021 đến năm 2028 (Hình 1).

Một loại máy được lùng mua tăng vọt trong dịch COVID-19: Có cần thiết phải mua? Sử dụng thế nào cho phù hợp? - Ảnh 1.

Hình 1: Quy mô thị trường máy đo độ bão hòa oxy trong máu tại Mỹ từ 2016 đến 2028

Là một bệnh thuộc đường hô hấp, COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng máy để theo dõi tình trạng hô hấp của bệnh nhân không những tại bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế mà còn tại nhà.

Nhu cầu sử dụng máy cho các cá nhân tại nhà tăng cao khi có một số ý kiến cho rằng sự suy giảm nồng độ bão hòa oxy trong máu có thể là một triệu chứng của nhiễm COVID-19.

Các bác sĩ ghi nhận một số bệnh nhân COVID-19 có thể có tình trạng "giảm oxy máu thầm lặng" trong khi bệnh nhân vẫn cảm thấy bình thường và không có triệu chứng khó thở nhưng nồng độ oxy máu đang ở mức thấp.

"Giảm oxy máu thầm lặng" hoặc "giảm oxy trong khi ngủ" có thể gặp ở các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang theo dõi tại nhà. Tình trạng này báo hiệu viêm phổi mức độ vừa hoặc nặng và cần có can thiệp tích cực hơn như hỗ trợ oxy và thở máy (hô hấp nhân tạo) cho người bệnh.

Do đó, một số ý kiến đang ủng hộ việc trang bị thiết bị này tại nhà, trong khi một số khác cho rằng việc này là không cần thiết và khuyến khích người dân cần tăng cường các kiến thức về triệu chứng của COVID-19. Tranh luận vẫn đang tiếp diễn và mọi người vẫn đang tìm câu trả lời chính xác.

Hiểu biết về cơ chế hoạt động cũng như giới hạn của máy đo nồng độ oxy máu sẽ có thể giúp chúng ta tìm thấy câu trả lời phù hợp cho mình.

Máy đo độ bão hòa oxy trong máu là dụng cụ dùng để đo xem mức bão hòa oxy trong máu (kí hiệu: SpO2) là bao nhiêu phần trăm (%) mà không cần thực hiện các thủ thuật xâm lấn như lấy máu.

Máy được sử dụng bằng cách kẹp máy ở đầu ngón tay và khi đó các chùm tia hồng ngoại phát ra từ máy sẽ đo đạc và cung cấp các thông số trên cho người dùng.

Cơ chế của máy dựa vào lượng hấp thụ ánh sáng hồng ngoại của máu chứa oxy (gọi là IR) và lượng hấp thụ ánh sáng đỏ của máu không chứa oxy (gọi là R) trong lúc tim đập (kỳ tâm thu).

Tùy vào tỉ số R/IR bằng bao nhiêu mà máy sẽ báo kết quả về độ bão hòa oxy trong máu. Độ bão hòa oxy trong máu thể hiện lượng oxy hiện diện trong máu và cho biết mức độ oxy trong cơ thể vào lúc đó là bình thường hay giảm sút.

Một loại máy được lùng mua tăng vọt trong dịch COVID-19: Có cần thiết phải mua? Sử dụng thế nào cho phù hợp? - Ảnh 2.

Hình 2: Cơ chế hoạt động của máy đo độ bão hòa oxy trong máu

Ở người bình thường, SpO2 dao động từ 95%-100%. Trong các trường hợp bất thường về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi,... SpO2 có thể thấp hơn mức bình thường và người bệnh cần được cung cấp thêm oxy để đảm bảo nồng độ oxy trong cơ thể.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ các dụng cụ y khoa khác, máy đo độ bão hòa oxy trong máu có những hạn chế nhất định cần lưu ý khi sử dụng. Một số điểm người dùng cần lưu ý khi sử dụng máy để đạt được kết quả chính xác nhất bao gồm:

- Các yếu tố khách quan như màu da, độ dày/mỏng của da, huyết áp và nhiệt độ cơ thể có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của máy

- Việc sơn móng tay hoặc móng đổi màu do hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của máy.

Chính vì thế, người dùng cần kiểm tra và làm nhiệt độ ở ngón tay đủ ấm (nếu không máy sẽ báo lỗi hoặc báo chỉ số thấp hơn thực tế) và cần loại bỏ sơn móng tay trước khi đo đạc.

- Khi đo, người dùng không di chuyển và nên giữ cơ thể tại một vị trí nhất định.

- Cần chờ vài giây cho đến khi dụng cụ hiển thị số đo SpO2 ổn định và không thay đổi.

Ngoài ra, người dùng cần ghi lại chỉ số SpO2 kèm ngày giờ cụ thể khi đo để dễ dàng theo dõi và báo cáo kết quả của mình cho nhân viên y tế.

Chính vì những giới hạn của máy đo và những tình huống có thể gây sai sót nêu trên, các bác sĩ và nhân viên y tế thường hỏi thêm và phối hợp nhiều thông số lâm sàng khác trước khi đưa ra quyết định điều trị hay chẩn đoán cụ thể cho người bệnh.

Bệnh nhân COVID-19 cần báo cáo các triệu chứng (nếu mới xuất hiện hoặc tệ đi) và được đánh giá thêm các dấu hiệu hô hấp khác khi cần thiết.

Ví dụ, khi bệnh nhân cảm thấy cơ thể mệt mỏi và tệ hơn so với chỉ số SpO2 "tốt" báo cáo từ dụng cụ, đừng ngần ngại đi khám bệnh hoặc gọi cho bác sĩ. Nên nhớ rằng chỉ số SpO2 không phản ánh hoàn toàn tình trạng cơ thể của bạn cũng như không dùng để chẩn đoán COVID-19.

Cũng xin nói thêm rằng hiện nay có hai loại máy đo độ bão hòa oxy trong máu trên thị trường. Loại đầu tiên là các máy đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoặc các cơ quan tương đương tại nước sở tại công nhận và thường được dùng trong các cơ sở y tế, trong khi loại thứ hai là các máy bán trên thị trường tại các cửa hàng y khoa trực tiếp cho người dùng.

Loại thứ hai có thể đi kèm với phần mềm quản lý dữ liệu trên điện thoại để nguời dùng có thể theo dõi chỉ số SpO2.

Mặc dù loại thứ hai được mua bán sôi nổi trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, cần lưu ý rằng các máy đo dạng này chưa được Bộ Y tế kiểm tra và đánh giá, và các hiệp hội chuyên ngành tại Nhật Bản, Hoa Kỳ khuyến cáo không nên dùng để theo dõi trong các trường hợp mắc bệnh hoặc cần chăm sóc y tế đặc biệt.

Qua các thông tin kể trên, hy vọng mọi người đã phần nào hiểu được lợi ích cũng như các giới hạn của máy đo độ bão hòa oxy trong máu.

Trong hoàn cảnh cho phép, việc trang bị máy đo SpO2 phù hợp túi tiền của bạn tại nhà là phù hợp và cũng để giúp bạn giảm lo lắng trong thời đại COVID-19.

Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ số SpO2 không thể dùng để chẩn đoán COVID-19 và cũng không nên dùng riêng lẻ để chẩn đoán mắc viêm phổi.

Theo: TS. BS. Phạm Nguyên Quý, BS. Nguyễn Hải Nam