Kính viễn vọng không gian James Webb do NASA phát triển và điều hành chính vừa đạt được bước ngoặt mới khi ghi lại được những hình ảnh đầu tiên về một hành tinh bị sao mẹ nuốt chửng trong thời gian thực, ở nơi cách Trái Đất 12.000 năm ánh sáng.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Ryan Lau, từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu thiên văn quang học hồng ngoại quốc gia của Quỹ Khoa học quốc gia (NSF NOIRLab - Mỹ) đã phân tích các hình ảnh từ James Webb và kể lại câu chuyện hãi hùng.
Hình ảnh được chỉnh mà và đồ họa thêm để mô tả cách hành tinh xấu số cách Trái Đất 12.000 năm ánh sáng bị nuốt chửng - Ảnh: NASA/ESA/CSA
Trước đó, Đài quan sát Palomar của Viện Công nghệ California (Caltech - Mỹ) đặt tại bang San Diego đã ghi nhận một sự kiện lóe sáng gọi là ZTF SLRN-2020.
Quan sát bổ sung từ sứ mệnh NEOWISE của NASA sau đó cho thấy thứ lóe lên là một ngôi sao, vụt sáng trong tia hồng ngoại 1 năm trước khi tia sáng quang học được ghi nhận, cho thấy sự hiện diện của bụi.
Cuộc điều tra ban đầu năm 2023 này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng ngôi sao này khá giống Mặt Trời.
Nó đang bắt đầu quá trình lão hóa - bùng nổ thành một sao khổng lồ đỏ - trước khi tiến đến cái chết.
Các quan sát sau đó của James Webb, là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới hiện nay, đã chỉ ra rõ ràng rằng sự kiện lóe sáng đó xảy ra khi ngôi sao này nuốt chửng một hành tinh quay quanh nó.
Ngôi sao này vẫn chưa kịp phồng lên, nhưng hành tinh xấu số đã sớm bị phá vỡ quỹ đạo, khiến nó quay thành một đường xoắn ốc quanh ngôi sao lùn đỏ trước khi bị nuốt chửng hoàn toàn.
Ước tính hành tinh này có kích thước tương đương với Sao Mộc trong hệ Mặt Trời.
Hình ảnh đáng sợ vừa xảy ra trước mắt người Trái Đất này có thể phản ánh tương lai 5 tỉ năm tới.
Đó là lúc Mặt Trời của chúng ta được cho là đã đủ già để tiến tới giai đoạn sao khổng lồ đỏ, khiến nó bùng lên lớn hơn nhiều so với kích thước này nay.
Quá trình này sẽ khiến Mặt Trời đủ to để nuốt chửng vài hành tinh ở gần nó nhất, với các "nạn nhân" dự kiến bao gồm Sao Thủy, Sao Kim và Trái Đất.