Từ thế kỷ 17 đến nay, nhiều thủy thủ từng ghi nhận hiện tượng kỳ lạ mang tên "biển sữa" – khi mặt biển phát sáng đồng đều, trải rộng từ chân trời này đến chân trời khác, với ánh sáng xanh lục nhạt như phát quang trong bóng tối.
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Earth and Space Science mới đây đã lần đầu tiên tổng hợp hơn 400 báo cáo về hiện tượng này nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ dự báo và nghiên cứu trong tương lai. Tác giả chính của nghiên cứu, Justin Hudson – nghiên cứu sinh tại Đại học bang Colorado (Mỹ), kỳ vọng cơ sở dữ liệu này sẽ giúp các nhà khoa học lần đầu tiếp cận hiện trường thực tế để khảo sát trực tiếp.
"Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác tại sao hiện tượng này xảy ra, nhưng giả thuyết hàng đầu hiện nay là do sự xuất hiện dày đặc của vi khuẩn phát quang có tên Vibrio harveyi", đồng tác giả Steven Miller – giáo sư khí quyển học tại Đại học bang Colorado cho biết. Những vi khuẩn này có thể phát sáng ổn định trong nhiều giờ, thậm chí kéo dài hàng tháng, với diện tích có thể lên tới 100.000km² – đủ lớn để quan sát từ vệ tinh.
Có thể quan sát thấy hiện tượng "biển sữa" lớn hơn từ không gian. (Ảnh: Steven Miller)
Không giống với hiện tượng phát quang thông thường do tảo biển phát sáng khi bị kích thích bởi sóng hay chuyển động, "biển sữa" có ánh sáng đều và liên tục, tạo nên một bức màn phát quang khổng lồ bao phủ mặt nước. Một số giả thuyết cho rằng vi khuẩn phát sáng nhằm thu hút cá – vật chủ tiềm năng – để sinh sống trong đường ruột của chúng.
Hiện tượng này chủ yếu xuất hiện tại biển Ả Rập và vùng biển Đông Nam Á – những nơi thường có hiện tượng nước sâu giàu dinh dưỡng trồi lên bề mặt. Nghiên cứu cũng cho thấy khả năng "biển sữa" bị ảnh hưởng bởi các sự kiện khí hậu quy mô lớn như El Niño hay dao động Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất hiện vẫn chưa có lời giải: Liệu hiện tượng này là dấu hiệu của một hệ sinh thái lành mạnh hay là biểu hiện của mất cân bằng sinh học?. Các nhà khoa học lo ngại biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi tần suất hoặc quy mô các đợt phát sáng này, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn đại dương.
Tiến sĩ Edith Widder – chuyên gia hải dương học kỳ cựu cho rằng nghiên cứu mới là bước tiến quan trọng giúp nhân loại tiến gần hơn tới việc lý giải một trong những bí ẩn lâu đời nhất của biển cả.