Một trong số những cá thể gấu được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo
7 cá thể gấu ngựa đều được gia đình ông Thao nuôi lâu năm, có chip đăng kí, ước tính các cá thể gấu đều từ 18-20 năm tuổi.
Theo thông tin của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, qua nhiều lần tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng, gia đình chủ nuôi gấu đã thống nhất, và đồng ý tự nguyện giao nộp 7 cá thể gấu này cho Nhà nước, và mong muốn đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục nuôi, chăm sóc, và bảo tồn.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, Hạt Kiểm lâm Đan Phượng, chính quyền địa phương các cấp đã tham dự, chứng kiến quá trình chuyển gấu về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thao cũng là gia đình đầu tiên đồng ý tự nguyện chấm dứt việc nuôi gấu vì mục đích thương mại tại Hà Nội, chuyển đổi hoàn toàn mục đích chăn nuôi. Đây cũng là cột mốc đáng ghi nhớ trong công tác vận động tuyên truyền của các đơn vị, ban ngành liên quan.
Các bác sỹ gây mê khám sức khỏe cho gấu tại hiện trường cứu hộ |
Đây là lần thứ 2 Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp cứu hộ tại xã Phụng Thượng trong năm nay, nâng tổng số lượng gấu vận động cứu hộ lên 10 cá thể. |
Phụng Thượng là địa phương còn nhiều gấu nuôi nhốt nhất trong cả nước, với 122 cá thể gấu đang được nuôi nhốt tại 18 hộ gia đình với mục đích thương mại.
Tổ chức Động vật Châu Á, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ trong công tác tuyên truyền bảo vệ gấu từ năm 2016. Trong suốt hơn 6 năm kiên trì vận động, với cách thức tiếp cận văn minh, thân thiện, không chỉ trích, linh hoạt và tích cực, hai đơn vị cùng với chính quyền địa phương, và các trường học trên địa bàn tổ chức hội nghị với các hộ gia đình nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.
Đã có 11 chương trình tuyên truyền cuộc thi tại trường học phổ biến bảo vệ gấu và các giải pháp thay thế mật gấu, hơn 20 chương trình tư vấn sức khoẻ miễn phí cho cộng đồng địa phương có các bác sỹ thầy thuốc của Trung ương Hội Đông y Việt Nam.
Từ khi khởi động chiến dịch #NoBearLeftBehind - Không để cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau vào cuối tháng 5/2022, Tổ chức Động vật Châu Á đã thực hiện cứu hộ đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam 12 cá thể gấu, từ 3 tỉnh thành: Hà Nội, Điện Biên và Sơn La.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đan Phượng kiểm tra chip đăng ký gấu |
Do bị thu hẹp môi trường sống và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên tại Việt Nam ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. |
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, chỉ còn khoảng hơn 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước.
Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên.
Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm, chú gấu may mắn này có thể được sống phần đời còn lại trong an toàn và tự do.
Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2007, và đưa gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, Tổ chức đã cứu hộ được 251 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 204 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh mướt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.