Một dòng nước “tố cáo” dãy Himalaya thực ra chỉ là ngọn núi “rỗng tuếch”: Thực hư câu chuyện ra sao?

Thuy Anh, Theo Pháp luật & Bạn đọc 13:30 19/09/2021

Một loạt sự kiện bí ẩn tại dãy Himalaya đã thôi thúc các nhà khoa học đến đây tìm hiểu và cái kết vô cùng bất ngờ.

Himalaya có nghĩa là "quê hương của tuyết" trong tiếng Tây Tạng. Himalaya nằm ở rìa phía nam của cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng (gọi tắt là cao nguyên Thanh Tạng), là dãy núi cao nhất thế giới.

Nơi đây không chỉ là địa điểm yêu thích của các nhà leo núi mà còn là vùng đất nghiên cứu lý tưởng đối với các nhà khoa học. Trong những năm gần đây, nhiều nhà địa chất đã tiến hành khám phá dãy Himalaya và đưa ra suy đoán rằng thực chất ngọn núi này "rỗng" ở giữa và cất giấu bên trong một thế giới bí ẩn.

Trong những năm gần đây, đã có một số thay đổi nhỏ trên dãy Himalaya và đỉnh Everest. Điển hình là 28 loại vi rút đã xuất hiện sau khi các sông băng tan chảy trên cao nguyên Thanh Tạng. Khi nhiệt độ tiếp tục tăng lên, ở độ cao 6000 mét trên dãy Himalaya đã xuất hiện cây xanh tại nơi từng bị tuyết trắng bao phủ. Những thay đổi kỳ lạ như vậy khiến nhiều người không ngừng đặt câu hỏi.

Tờ Tân Hoa Xã đưa tin, Giáo sư Lý Du Sinh tại Viện Khoa học Địa lý và Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cùng một đoàn nghiên cứu gồm 8 người đã đến khu vực này để lấy mẫu khảo sát.

Một dòng nước “tố cáo” dãy Himalaya thực ra chỉ là ngọn núi “rỗng tuếch”: Thực hư câu chuyện ra sao? - Ảnh 1.

Đã từng có một số ngọn núi rỗng và trở thành nơi sinh sống của người cổ đại (Ảnh: Sohu)

Theo khảo sát, dãy Himalaya đã cao lên 3.500 mét cách đây 3 triệu năm. Trong 100.000 năm qua, chiều cao của Himalaya đã tăng nhanh hơn, đạt hơn 6.000 mét và sẽ tiếp tục cao lên trong tương lai.

Sau 28 ngày điều tra, nhóm thám hiểm gồm các nhà khoa học phát hiện ra rằng trên dãy Himalaya đã từng tồn tại nhiều hồ và đập trong một thời gian dài. Một số hồ chứa đã bị bồi lấp, tạo thành các thung lũng sông rộng ở vùng thượng lưu của con đập, và nhiều ngôi làng cổ đại.

Đại diện nhóm cho biết: "Hiện tượng này rất kỳ lạ. Không phải tất cả các hồ đều sẽ bị vỡ. Một số có thể tồn tại hàng nghìn năm và địa hình do chúng tạo ra đã trở thành nơi định cư quan trọng của con người trong hẻm núi".

Việc phát hiện ra phần bên trong của dãy Himalaya bị rỗng ban đầu chỉ là một giả thuyết nhưng sau đó để xác minh nhận định này, các nhà khoa học đã mang máy móc đến để kiểm tra. Sau nhiều lần đo đạc, họ nhận thấy một phần bên trong Himalaya quả thực là trống rỗng.

Thêm vào đó, một dòng nước chứa nhiều khoáng chất chảy ra từ khu vực này đã cho thấy bên trong có mạch ngầm. Tuy nhiên phần bị rỗng này có diện tích nhỏ nên sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến dãy núi này.

Bài viết tham khảo các nguồn: Tân Hoa Xã, Sohu