Một con rùa xanh quý hiếm phải uống thuốc xổ cả tháng trời mới thải hết rác nhựa trong bụng ra ngoài

Zknight, Theo Trí Thức Trẻ 22:19 01/02/2020
Chia sẻ

Tích nhựa trong bụng sẽ dẫn đến tích khí, khiến con rùa không thể lặn sâu được.

Không còn gì phải nghi ngờ, ô nhiễm rác thải nhựa ngày nay đã trở thành một hiểm họa cho các đại dương trên hành tinh. Thống kê cho thấy mỗi năm, loài người thải tới gần 9 triệu tấn rác thải nhựa vào đại dương.

Ngay vào lúc này, có hàng nghìn tỷ mảnh nhựa trôi nổi có thể được nhìn thấy rõ trên bề mặt các đại dương. Nếu không trôi dạt vào bờ biển và được thu gom, những mảnh nhựa này sẽ được đẩy vào vòng hải lưu cận nhiệt đới. Từ đó, chúng sẽ có một cuộc diễu hành bất tận theo những vòng tròn trên hai nửa bán cầu.

Các vòng hải lưu này là ngôi nhà màu mỡ của hàng triệu sinh vật biển, từ những con cá voi xanh khổng lồ cho tới những loài phù du và vi khuẩn bé nhỏ. Sự xuất hiện của những mảnh nhựa can thiệp vào toàn bộ lưới thức ăn, ảnh hưởng lên mọi sinh vật, đơn bào, giáp xác, cá, nhuyễn thể, những động vật có vú lớn...

Một con rùa xanh quý hiếm phải uống thuốc xổ cả tháng trời mới thải hết rác nhựa trong bụng ra ngoài - Ảnh 1.
Một con rùa xanh quý hiếm phải uống thuốc xổ cả tháng trời mới thải hết rác nhựa trong bụng ra ngoài - Ảnh 2.

Nhựa đang xâm chiếm các vòng hải lưu, là ngôi nhà màu mỡ của hàng triệu sinh vật biển, từ những con cá voi xanh khổng lồ cho tới những loài phù du và vi khuẩn bé nhỏ.

Trong bối cảnh đó, mới đây, các bác sĩ thú y người Argentina đã giải cứu được một con rùa biển chứa đầy nhựa trong bụng. Họ cho biết rằng từ ngày được cứu về, nó phải mất cả tháng trời để đại tiện ra hết 13 gam nhựa, trong đó có đủ thứ từ túi nylon, mảnh lưới đánh cá cho đến những mảnh và hạt nhựa viên không rõ nguồn gốc.

Con rùa xanh này được phát hiện khi mắc kẹt vào lưới đánh cá của ngư dân ngoài khơi thủ đô Buenos Aires của Argentina vào ngày 29 tháng 12 năm 2019. Sau khi được mang đến cho các chuyên gia tại Tổ chức Mundo Marino, một nhóm bảo tồn có trụ sở ở Argentina, người ta đã phát hiện dường như nó đang bị tắc ruột.

Phim chụp X quang đã tiết lộ một lượng lớn nhựa không thể phân hủy mắc kẹt lại trong đường tiêu hóa của nó, gây ra tình trạng đáng lo ngại. "Chúng tôi bắt đầu phải điều trị cho nó bằng thuốc, làm tăng nhu động ruột (chuyển động của đường tiêu hóa) kích thích con rùa tự thải ra những gì mà chúng ta thấy trong bức ảnh bên dưới", bác sĩ thú y Ignacio Peña, bác sĩ thú y tại Tổ chức Mundo Marino cho biết.

"Đến ngày hôm nay con rùa đã có thể ăn các loại lá xanh, chủ yếu là rau diếp và rong biển. Chúng tôi coi đó là một dấu hiệu lạc quan tích cực, tiến độ điều trị đang rất tốt", ông nói thêm.

Một con rùa xanh quý hiếm phải uống thuốc xổ cả tháng trời mới thải hết rác nhựa trong bụng ra ngoài - Ảnh 3.
Một con rùa xanh quý hiếm phải uống thuốc xổ cả tháng trời mới thải hết rác nhựa trong bụng ra ngoài - Ảnh 4.

Con rùa đã phải mất tới một tháng để thải ra được lượng nhựa nó ăn vào bụng.

Tổ chức Mundo Marino cho biết đây không phải là lần đầu họ bắt gặp một con rùa trong tình trạng này. Trước đó, các chuyên gia ở đây cũng đã tiếp nhận hai con rùa bị nhựa làm tắc đường tiêu hóa. Một con trong số đó đã chết vì tình trạng ấy, một con còn lại được cứu sống sau khi thải ra một mảnh lớn túi nylon.

Rùa xanh (Chelonia mydas) được liệt kê là một loài có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Loài sinh vật biển này phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa, đáng chú ý nhất là sự suy thoái môi trường sống của chúng, đặc biệt là rác thải nhựa từ các đô thị ven biển của con người.

Hầu hết các loài rùa biển trưởng thành đều ăn thực vật, tuy nhiên, có một số loài cũng ăn cá con hoặc ăn tạp. Đối với một con rùa nhỏ và thiếu kinh nghiệm, chúng có thể nhìn nhầm một mảnh túi nylon là một con sứa, và sứa lại là món ăn yêu thích của rùa vì nó dễ tiêu hóa.

Một con rùa xanh quý hiếm phải uống thuốc xổ cả tháng trời mới thải hết rác nhựa trong bụng ra ngoài - Ảnh 5.

Rùa xanh (Chelonia mydas) được liệt kê là một loài có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN).

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy một con rùa có nguy cơ tử vong lên tới 22% nếu nó ăn phải một miếng nhựa. Nếu ăn 14 miếng nhựa, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên 50%.

Không chỉ có nguy cơ tắc nghẽn đường ruột, sự tích lũy nhựa trong hệ tiêu hóa có thể khiến rùa bị suy dinh dưỡng và yếu đi khi không có đủ năng lượng, nhà sinh học Karina Álvarez, tại Quỹ Mundo Marino cho biết.

Ngoài ra, việc tích lũy nhựa cũng có thể giữ lại một lượng khí lớn trong bụng rùa, khiến nó không thể lặn sâu được. Rùa khi đó sẽ không thể kiếm ăn hoặc tìm được vùng nước có nhiệt độ phù hợp để sinh sống.

Tham khảo Iflscience

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày