Mới đây, một đoạn video ghi lại tình huống trên tàu điện ngầm Quảng Châu nhanh chóng gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong video, một người mẹ dắt theo con gái nhỏ vừa ngồi xuống thì bị một cụ bà lớn tuổi chất vấn: "Trẻ con đi miễn phí thì nên nhường ghế cho người già". Người mẹ lập tức phản bác: "Miễn phí vé không có nghĩa là con tôi phải nhường ghế!".
Chuyện tưởng nhỏ nhưng lại tạo nên làn sóng tranh luận gay gắt: Liệu có thể dùng tuổi tác để buộc người khác phải nhường chỗ? Và trong nhóm những người yếu thế như người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người bệnh, người khuyết tật - ai "xứng đáng" được ưu tiên hơn?
Không tồn tại quy định pháp lý nào phân chia mức độ ưu tiên giữa người già, người bệnh, phụ nữ mang thai hay trẻ em. Hành vi nhường chỗ hoàn toàn dựa trên hoàn cảnh cụ thể và ý thức cá nhân.
Sự việc ở Quảng Châu không phải trường hợp cá biệt. Trong vòng 2 năm qua, các cuộc tranh cãi liên quan đến chỗ ngồi trên tàu điện liên tục gây bão mạng xã hội Trung Quốc.
Điểm chung của các sự việc này là sự nhập nhằng giữa quyền lợi và đạo đức, giữa kỳ vọng xã hội và ý thức cá nhân. Khi "nhường ghế", một cử chỉ đẹp bị biến tướng thành áp lực, công cụ để đòi hỏi, hoặc cái cớ để gây mâu thuẫn, nó không còn mang ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Ảnh minh hoạ
Một bộ phận cư dân mạng cho rằng, nhường ghế là hành động thể hiện phép lịch sự và lòng trắc ẩn, nhưng không nên bị gán ghép thành nghĩa vụ, đặc biệt là với những người cũng đang có nhu cầu chính đáng, như trẻ nhỏ, người làm việc mệt mỏi hay phụ nữ mang thai.
Đặt trong tình huống cụ thể, người mẹ kia không chỉ đang ngồi cạnh con mình mà còn đang bảo vệ cho con một quyền nhỏ bé: Được nghỉ ngơi sau một ngày dài, được cảm nhận rằng "nơi công cộng không có nghĩa là ai yếu hơn thì mặc định bị ép nhường nhịn".
Một đứa trẻ có thể học được gì sau tình huống đó?
Nếu người mẹ lặng lẽ kéo con dậy, không phản kháng, chỉ vì sợ ánh nhìn của người lớn tuổi hơn có thể sau này con sẽ nghĩ: "Mình nhỏ, mình yếu, mình không có quyền từ chối. Người khác chỉ cần to tiếng là mình phải nghe theo".
Nhưng khi mẹ dám nói rõ: "Miễn phí vé không có nghĩa là con tôi phải nhường ghế", đứa trẻ có thể học được rằng tôn trọng người khác và tự tôn bản thân là hai điều song hành, không ai phải cúi đầu vì phép lịch sự bị áp đặt.
Cách ta hành xử nơi công cộng, chính là những bài học sống động nhất cho con về:
Giá trị của sự tử tế tự nguyện, không ép buộc.
Khả năng nói "không" với điều vô lý, dù đến từ người lớn hơn.
Biết nhường nhịn khi thấy người cần hơn mình, nhưng cũng biết giữ lấy quyền lợi khi cần.
Chúng ta dạy con tử tế, nhưng không yếu đuối. Dạy con tôn trọng người già, nhưng không có nghĩa là mọi yêu cầu của người lớn đều đúng. Dạy con biết chia sẻ, nhưng cũng cần cho con biết giới hạn của bản thân được tôn trọng.
Khi thấy một người lớn tuổi run rẩy tay chân, hay một phụ nữ mang thai mỏi mệt, hãy chủ động đứng dậy nếu con còn đủ sức. Khi có thể, hãy tử tế. Nhưng tử tế là lựa chọn, không phải sự sợ hãi hay bị ép buộc.
Chúng ta không khuyến khích con ích kỷ. Nhưng càng không muốn con lớn lên trong tâm thế "mình luôn là người phải nhường vì mình bé hơn".
Con hoàn toàn có thể sẵn sàng đứng lên nếu muốn giúp đỡ, chứ không phải đứng lên vì bị người khác quát mắng. Một hành động đẹp chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó xuất phát từ lòng tốt, chứ không phải vì áp lực hay sợ bị chê trách.
Cách cha mẹ ứng xử trong khoảnh khắc nhỏ đó, giữa một chiếc ghế và một lời trách móc chính là bài học lớn nhất để con hiểu: lòng tốt không đi kèm sự phục tùng, và tôn trọng người khác cũng cần song hành với việc tự tôn và tỉnh táo bảo vệ mình.
Có thể hôm nay, người mẹ ấy bị chỉ trích là "ích kỷ". Nhưng mai sau, khi đứa trẻ lớn lên thành người biết tự bảo vệ mình, biết cảm thông nhưng không thỏa hiệp mù quáng, có lẽ, đó mới là một chiến thắng âm thầm của cách nuôi dạy văn minh.