Câu chuyện đẹp và ấm áp về sự báo ân tưởng chừng chỉ xuất hiện trong sách vở hay phim ảnh, vậy mà lại thật sự tồn tại giữa đời thực.
Năm 1993, đời sống của người dân nước Trung Quốc đang dần trở nên ổn định, nhiều người chọn cách đi xa lập nghiệp. Thiếu niên Hà Vinh Phong sống tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.
Anh Hà cùng bạn học Đinh Lạp và 1 người bạn khác định tới quận Hoàng Nham, tỉnh Chiết Giang để nhờ chị của Đinh Lạp tìm việc giúp. Nào ngờ khi tới Hàng Châu, tiền bạc của cả 3 đều bị trộm sạch, muốn đi tiếp cũng chẳng được, mà muốn về nhà cũng chẳng xong. Bất đắc dĩ, họ phải đi ăn xin trên con đường xa xôi từ Hàng Châu tới Hoàng Nham.
3 người dầm mưa dãi nắng, ăn xin trên đường suốt mười mấy ngày. Mỗi lần tới đâu ăn xin, người dân nơi ấy đều nhìn họ như kẻ gian, thậm chí chân của Hà Vinh Phong còn bị người ta đánh bị thương. Sau đó, 3 cậu thiếu niên chịu cảnh đói ăn nhiều ngày trời, chẳng có lấy một thứ gì bỏ vào bụng. Những cơn đói cùng sự mệt mỏi giày vò khiến vết thương trên chân Hà Vinh Phong nhanh chóng kết mủ.
Ảnh minh họa cắt từ bộ phim Mãi Là Chị Em Tốt, lấy nội dung thật từ câu chuyện của Hà Vinh Phong và Đới Hạnh Phân
Trên đường tan làm, cô công nhân Đới Hạnh Phân bỗng phát hiện có người bám đuôi mình, nhưng lúc đầu cô nghĩ rằng chỉ là đi cùng đường. Thế nhưng 10 phút sau, 2 thiếu niên lạ mặt ấy vẫn đi theo. Cô Đới đi nhanh họ cũng đi nhanh, đi chậm lại thì đối phương cũng giảm tốc theo.
Tình hình lúc đó khiến cô gái chỉ mới 24 tuổi sợ hãi. Khi đến 1 khúc rẽ, thấy có người dân, cô bèn lấy hết can đảm quay lại và mắng to: "Tại sao lại đi theo tôi?"
2 thiếu niên thấy vậy rất sợ hãi, Đinh Lạp thều thào như hết hơi: "Chị ơi, chúng em đã 3 ngày liền không có gì ăn rồi…" Sau đó, họ vội vàng giải thích rằng mình không có ác ý, và kể lại việc bị trộm cũng như phải đi ăn xin mười mấy ngày qua. Bởi từng bị người dân đánh, nên họ rất sợ hãi và chỉ dám bám theo cô Đới.
Nhìn đôi giày vải bị mục nát, ngón chân lộ ra bên ngoài nổi mụn nước và quần áo bẩn thỉu trên người họ, cô Đới tin rằng những thiếu niên đó nói thật. 2 người nói còn 1 người bạn đang sốt vì vết thương trở nặng, thậm chí không thể cất bước đi được nữa, nhưng không ai chịu tin và giúp họ. Thấy sắc trời đã dần tối, đúng lúc ấy Đinh Lạp nhìn thấy cô Đới nên đánh liều đi theo.
Nghe thấy 3 thiếu niên tội nghiệp đã mấy ngày không được ăn, cô gái tốt bụng động lòng trắc ẩn, nhanh chóng dẫn họ về nhà. Cô và mẹ cho Hà Vinh Phong uống thuốc hạ sốt rồi xử lý vết thương ở chân cho anh. Sau đó, mẹ cô đun nước nóng và tìm quần áo sạch cho họ thay, còn cô Đới đi nấu cơm.
Hàng xóm ghé qua chơi thấy trong nhà cô có 3 thiếu niên lạ mặt, khuyên cô cho ăn xong thì tìm cớ đuổi đi, trời cũng tối rồi để mấy người lạ trong nhà không an toàn. Nghĩ đến chuyện 3 thiếu niên đáng thương không còn 1 xu dính túi, lại phải đi quãng đường dài vất vả như vậy, cô không đành lòng bèn nói với hàng xóm: "Tôi đã hứa cho 3 thiếu niên đó nghỉ lại 1 đêm rồi, vả lại hoàn cảnh của họ cũng rất đáng thương, nếu bây giờ bị đuổi ra ngoài thì biết đi đâu cơ chứ?"
Hàng xóm tiếp tục khuyên nhưng cô vẫn kiên quyết: "Con người nên biết giữ lời hứa, tôi đã hứa rồi sẽ không bao giờ nuốt lời."
Thấy vậy, hàng xóm không khuyên nhủ thêm nữa. Đới Hạnh Phân nghĩ rằng đã giúp thì giúp cho trót, nên ngỏ ý muốn tìm việc làm cho 3 thiếu niên. Tuy nhiên, họ lại từ chối và nói sáng hôm sau sẽ rời đi. Đới Hạnh Phân chỉ đành đồng ý.
Trước khi 3 thiếu niên lên đường, cô còn gói cho họ rất nhiều đồ ăn, lại đích thân đưa 3 người tới bến xe và đưa cho mỗi người 10 tệ, còn cẩn thận dặn dò trên đường chú ý an toàn. 1 công nhân nhà máy, tháng lương chưa đến 100 tệ (tương đương 350 nghìn đồng) như cô Đới, ấy vậy mà dám đưa 30 tệ (tương đương 100 nghìn đồng) cho người lạ.
Cảm động trước tấm lòng của cô, Hà Vinh Phong nén nước mắt nói: "Chị, sau này em tìm được công việc nhất định sẽ viết thư báo về và gửi tiền lại cho chị." Nhưng cô gái tốt bụng chỉ mỉm cười từ chối và nói mình giúp đỡ không phải vì muốn nhận được sự báo đáp.
Sau khi chia tay cô Đới, 3 cậu thiếu niên ngồi xe tới Hoàng Nham. Thế nhưng, chị của Đinh Lạp cũng không tìm được việc cho họ ở nơi này. Sau cùng, Hà Vinh Phong tới Thiên Tân rồi lưu lạc đến Thẩm Dương tìm việc.
Phương tiện liên lạc thời đó vô cùng bất tiện, lại không có người quen, Hà Vinh Phong không biết làm cách nào để gửi thư cho người chị tốt bụng. Anh chỉ có thể tạm gác lại chuyện báo ơn, chăm chỉ kiếm tiền với mong ước sau này thành đạt sẽ quay lại tìm ân nhân. Ấy vậy mà chớp mắt một cái, 20 năm đã trôi qua.
Lăn lộn ở Thẩm Dương suốt 10 năm trời, Hà Vinh Phong từ một cậu bé ăn mày đã trở thành một người làm công, sau làm người nhận thầu, cuối cùng thành một tỷ phú, một ông chủ sở hữu tới mấy nhà máy.
Anh có được sự thành công như ngày hôm nay chính là nhờ câu nói của Đới Hạnh Phân căn dặn trước lúc chia ly: "Thành thực, giữ chữ tín, có tiếng tăm tốt mới có thể kiếm được tiền."
Hà Vinh Phong luôn tin rằng, câu nói ấy giống như 1 lời cảm hóa, 1 câu thần chú đem lại sự may mắn cho cuộc đời của anh.
Đợi đến lúc sắp xếp được công việc, ông chủ Hà bắt đầu dành hết thời gian và tâm sức của mình để tìm lại người chị họ Đới năm xưa. Thế nhưng vì Đới Hạnh Phân đi làm xa xứ, năm xưa lại nói chuyện với 3 thiếu niên bằng chất giọng địa phương nên Hà Vinh Phong đã nghe nhầm tên của cô thành "Đới Tín Phân" khiến việc tìm kiếm rơi vào bế tắc.
Mãi đến tháng 3/2013, 1 người bạn làm ăn của ông chủ Hà khi về thăm quê hương ở tỉnh Chiết Giang đã vô tình tìm được Đới Hạnh Phân.
Sau khi biết tin, để báo đáp ân tình, vào tháng 5/2013, Hà Vinh Phong đưa vợ từ Thẩm Dương tới Chiết Giang để đến thăm quán mì nhỏ của vợ chồng cô Đới.
Hà Vinh Phong chụp cùng Đới Hạnh Phân tại quán mì của gia đình cô
Vừa gặp, anh đã nhận ra ngay ân nhân, tuy nhan sắc của cô không còn được như xưa, nhưng nụ cười hiền từ cùng giọng nói ấm áp đó vẫn không thay đổi. Cô Đới ban đầu còn không nhận ra người đàn ông cao lớn thành đạt trước mặt mình lại chính là cậu bé Hà Vinh Phong thân hình đen nhẻm gầy gò, đôi chân rớm máu đã từng đến nhà cô tá túc năm xưa.
Hà Vinh Phong ngỏ ý muốn tặng cho cô Đới Hạnh Phân ngân phiếu 1 triệu tệ (tương đương 3,6 tỷ đồng). Tuy nhiên, cô nói rằng chuyện năm xưa chỉ là 1 việc rất bình thường, không đáng để nhắc tới. Hơn nữa, số tiền lớn như vậy cô cũng không thể nhận.
Cô Đới cho hay, bạn đầu cưu mang 3 người Hà Vinh Phong vì không nỡ thấy người gặp hoạn nạn mà không giúp, chứ không hề hy vọng được đền ơn. Sau này có duyên gặp lại, biết được những thiếu niên mình giúp đỡ năm xưa đều làm ăn khấm khá, cô cũng rất vui và cảm thấy việc mình làm là đúng. Nhưng để người ta đền ơn bằng số tiền lớn như vậy thì cô không thể nhận. Cô nói: "Tôi chỉ cho mấy cậu ấy tá túc 1 đêm, ăn 1 bữa cơm và 30 tệ lộ phí mà thôi."
Sau đó, Hà Vinh Phong nhiều lần tìm cách gửi tiền và quà cho cô Đới nhưng cô vẫn kiên quyết không nhận. Hiện tại quan hệ hai bên gia đình rất tốt, thường xuyên đến thăm nhau.
Nhờ duyên số, Hà Vinh Phong đã may mắn gặp được Đới Hạnh Phân trong lúc anh bất hạnh nhất. Giờ đây, khi anh đã là 1 người thành đạt, bánh răng của số phận lại xoay chuyển, khiến họ may mắn gặp lại nhau.
Anh Hà cảm khái: "Có thể gặp lại là duyên số, tuy không phải là họ hàng thân thích nhưng vẫn thành ruột thịt 1 đời!"
Nguồn: Tổng hợp